Một đêm với “vua đầm”
Phù Sa Lộc
Hai Hùng... |
(TBKTSG) - “Vua đầm” là cái tên mà phóng viên Hãng Phim truyền hình TPHCM (TFS) tặng cho ông Nguyễn Văn Hùng (Hai Hùng) - người có nhiều nhà chòi, người làm du lịch homestay duy nhất trên đầm Thị Tường.
Đầm Thị Tường là hồ nước tự nhiên lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long, còn được mệnh danh “Biển Hồ giữa đồng bằng”, dài 10 ki lô mét, chỗ rộng nhất 3 ki lô mét, diện tích mặt nước khoảng 700 héc ta. Đầm được bồi lắng bởi phù sa sông Mỹ Bình, sông Ông Đốc cùng nhiều kinh rạch của ba huyện Phú Tân, Trần Văn Thời và Cái Nước (tỉnh Cà Mau). Nằm giữa hai huyện Phú Tân và Trần Văn Thời, đầm có ba đầm chính: đầm Trong, đầm Giữa và đầm Ngoài, nối với con sông tiếp giáp quốc lộ 1A và con sông còn lại chảy ra vịnh Thái Lan. Trong ba đầm, đầm Giữa lớn nhất, như trái bóng phình hết cỡ. Trên đầm có khoảng 20 chòi lớn nhỏ, nơi ngư dân canh thu hoạch cá tôm mà họ đặt chà, đáy nhỏ, nò, đó... nằm giữa mênh mông trời nước...
Ông Hai Hùng, người có nhiều chòi nhất trên đầm Giữa, trong đó có một chòi lớn nhất. Vì lớn nhất (10 mét x 20 mét) nên người ta gọi là “nhà nổi trên đầm”, hay “thủy biệt thự”. Trong nhà có đủ tiện nghi vật chất, thậm chí còn có chiếc xuồng cũ trồng rau cải, có chuồng heo, gà, vịt. Chúng tôi đến “thủy biệt thự” bằng mấy chiếc vỏ (vỏ lãi) do các con của Hai Hùng vô “bờ” đón, thích thú hòa mình vào cuộc sống vừa hoang sơ vừa khá hiện đại của ông “Robinson” giữa hoang đầm này.
và "thủy biệt thự". Ảnh Phù Sa Lộc |
Hai Hùng cao lớn, râu mép hơi rậm, cách nói cười hệch hạc của người miền Tây cũ, bây giờ hiếm thấy. Từ cách nay 30 năm, ông đưa vợ ra đây cất chòi “độ nhựt” bằng tôm cá dưới mặt nước đầm. Mùa nào loại nấy, ngác, chẽm, nâu, đối, ghẹ, tôm sú, tôm thẻ, tôm đất, cua, ghẹm... ê hề. Qua năm tháng, chúng giúp Hai Hùng cũng như nhiều ngư dân khác trên đầm trở thành những người giàu có. Hai Hùng nói tháng 9 ghẹm nhiều vô kể, chạy máy chém văng xác ghẹm đầy vỏ, là nguồn phân, nhiều năm trước.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cho biết: “Ở đầm, vào mỗi con nước rằm hay ba mươi, ghẹm nhiều vô số. Lớp vô lú, lớp bu đầy bập dừa thả lềnh bềnh ngắm trời chơi. Ở đầm,người ta cầu kỳ ghê lắm, muối toàn là ghẹm cái, loại nhiều gạch nhất, ăn vừa mặn lưỡi vừa béo ngậy”. Vô mùa ghẹm, dở dở cũng có được năm bảy trăm ký một ngày.
Hai Hùng lái vỏ đưa chúng tôi dạo quanh đầm. Buổi chiều, mặt trời dần xuống thấp phía biển Tây, những tia nắng hấp hối đỏ sẫm lan tỏa những vệt lấp lánh mặt nước gợn sóng không gì đẹp bằng. Mấy ngư dân trầm mình trong làn nước lạnh thu hoạch thủy sản nhô đầu lên nhìn Hai Hùng chào nói rổn rảng. Hai Hùng cho biết mùa khô nước ngang ngực, mùa mưa cao nhất trên dưới 1,6 mét. Cá ở đây lớn lên ra biển rồi trở về theo quy trình thủy sinh... Né tránh những hàng cọc tre hàng hàng lớp lớp nhô trên mặt nước, Hai Hùng bảo đó là khu nuôi sò của những tỉ phú Kiên Giang đến thuê mặt nước. Họ mua sò giống vụt xuống, đạp xuống sình, quây giữ bằng lưới mành.
Vỏ đưa khách thành thị chúng tôi tham quan hết đầm mất hai tiếng đồng hồ. Về tới nhà Hai Hùng lại là một điều kỳ thú khác khi mặt sàn ván đước được trải tấm nylon lớn với ê hề món ăn chế biến từ sản vật đầm Thị Tường.
Trong câu chuyện tâm tình lý thú, Hai Hùng cho biết đầm có tên chính là Bà Tường. Theo truyền thuyết bà là người tiên phong khai thác đầm này nên người ta kính trọng gọi đầm Bà, về sau mới gọi đầm Thị Tường. Nằm giữa đồng bằng, đầm có môi trường sinh thái vô cùng độc đáo với vẻ hoang sơ bốn bề là những rặng dừa nước vươn cao ngọn lá lên trời, nên người ta còn gọi là đầm Dừa Nước.
Chuyện trò hào hứng, uống rượu đế không đã, Hai Hùng ôm hũ rượu pha mật ong rừng ra. Chị Hai Hùng (tên Dương Thị Lụa) nói mật này do con chị đi “ăn” quanh rừng dừa nước ven bờ. Uống một ly rượu mật ong, thịt cua, thịt tôm... hầu như bay biến, đặc biệt cái lạnh của những ngày cuối năm, của những ngọn gió trời lồng lộng xuyên đầm chẳng hề hấn gì. Vui miệng, Hai Hùng kể, có đoàn khách Hàn Quốc do Nguyễn Ngọc Tư đưa ra chơi, uống rượu này khoái quá nên “quá hớp” và bị té khi bước xuống vỏ. Tuy “tắm bùn” dơ hầy nhưng anh ta vẫn cười vui hí hửng. Nói về Nguyễn Ngọc Tư, vợ chồng Hai Hùng rất trân trọng cho biết trong năm 2013, “Bé Tư” đã đưa 12 đoàn đến tham quan, ăn nghỉ tại đây. Chúng tôi là đoàn thứ 13 do “Bé Tư” giới thiệu. “Bé Tư” không theo được vì nhằm ngày Chủ nhật mắc ở nhà giữ con.
Đêm dần buông. Nhằm ngày rằm, mặt trăng dần lên tỏa những tia sáng yếu ớt nhưng kỳ ảo xuống đầm, là một cảnh quan cực kỳ khả tú. Chúng tôi ngắm trăng, uống rượu, thưởng thức mồi... Ánh trăng càng lúc càng vằng vặc. Câu chuyện tới khuya rồi cũng tàn. Chúng tôi chìm vào giấc ngủ ngon trong căn “thủy biệt thự” có nhiều cửa nhưng không cửa nào có cánh.
Chưa rạng sáng, chị Lụa đã lo nấu một chảo cháo với tép thẻ, phục vụ cho cái dạ dày của chúng tôi. Tô cháo ngon, ly trà thơm càng ấm bụng. Chúng tôi “bàng hoàng” khi thấy những tia nắng ban mai yếu ớt rọi màu đỏ hoang sơ vào nhà. Nhìn ra, buổi sáng tinh mơ, mặt nước đầm trong vắt như pha lê. Trong chốc lát, những rạng mây đầu ngày nhuộm mặt nước đầm một màu hồng phấn, không họa sĩ tài ba nào có thể phối nổi. Mặt trời ló dạng, sương sớm tan dần, những vệt sáng đỏ ban mai lăn tăn khắp mặt đầm, cảnh quan càng thêm kỳ ảo. Khi chia tay, vợ chồng Hai Hùng bịn rịn. Chị Lụa “tức tối” trách sao ra đây không cho hay trước để chuẩn bị “đồ đạc”, đặc biệt là mắm. Mắm ở đây ngon nhứt hạng, chỉ cần hé cái nắp đậy đã nghe thơm lừng lựng mũi, như “Bé Tư” khen. Cô ấy còn nói: “Cái xứ ngộ, con người nhiệt tình, chưa kịp nói gièm thì đã dúi vào giỏ biểu mang về rồi”. Anh bạn tôi khoái món ghẹm rang me, hỏi mua, Hai Hùng tặng đem về ăn “lấy thảo”...
Homestay nhà Hai Hùng một chiều, một đêm và rạng sáng, mỗi người chỉ tốn có 200.000 đồng. Rẻ rề. Hai Hùng tâm sự mấy đoàn khách ra đây chơi, thích thú, về “post” lên mạng, đồn đãi riết thành điểm du lịch sinh thái thứ thiệt như vầy!