(KTSG) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định sửa đổi ngày phổ biến báo cáo kinh tế - xã hội với một số chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng GDP, số liệu xuất nhập khẩu, chỉ số giá tiêu dùng… Hiện nay, theo quy định tại Nghị định 94/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê thì “thời gian phổ biến Báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quí 1, sáu tháng, chín tháng và năm là ngày 29 của tháng báo cáo, riêng tháng 2 là ngày cuối tháng”.
- Chỉ số giá tiêu dùng tháng 9 tăng cao nhất trong 5 năm qua
- Gỡ khó cho thị trường tài chính tiêu dùng
Nay dự thảo nghị định muốn đổi ngày phổ biến từ “ngày 29 của tháng báo cáo (riêng tháng 2 là ngày cuối tháng)” thành “ngày 6 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo”. Đây là một sự điều chỉnh rất cần thiết và hợp lý bởi công bố như hiện nay vào ngày 29 của tháng báo cáo sẽ dẫn đến những sai sót, hiểu nhầm không đáng có. Rất hiếm có nước nào trên thế giới chưa hết tháng 12 mà cơ quan thống kê đã có thể công bố số liệu của cả tháng 12 lẫn số liệu nguyên năm như thể họ có phép lạ tính trước được số liệu.
Trên thực tế các đơn vị điều tra thống kê thường thu thập số liệu từ doanh nghiệp từ ngày 1 đến ngày 12 hàng tháng, số liệu của hai phần ba thời gian của tháng báo cáo là ước tính. Thông tin, số liệu trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản cũng phải ước tính ít nhất một phần hai thời gian của tháng, còn đối với báo cáo sáu tháng, hầu hết các chỉ tiêu đều phải ước tính dựa trên kết quả điều tra của năm trước. Hiện nay số liệu xuất nhập khẩu hàng hóa do Tổng cục Thống kê công bố so với số liệu do Tổng cục Hải quan công bố thường có sự chênh lệch nhất định cũng do ngày khóa sổ báo cáo có sự khác nhau.
Quan trọng nhất, theo tờ trình đi kèm với dự thảo nghị định, các số liệu dùng để biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước (GDP) hay tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (GRDP) theo quí cũng phải ước tính khoảng 15 ngày cuối quí. Số liệu thống kê rất cần thiết cho việc hoạch định chính sách, lên kế hoạch kinh doanh, quyết định đầu tư… thế mà có một phần được ước tính thì làm sao đảm bảo tính chính xác.
Chính vì thế việc dời ngày phổ biến là nhằm khắc phục các bất cập này trên tinh thần dù công bố muộn hơn bây giờ nhưng đảm bảo tính chính xác sẽ có lợi cho xã hội hơn. Tuy nhiên, thiết nghĩ đã sửa nên sửa triệt để: thay vì chọn “ngày 6 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo”, nên đẩy ngày công bố các chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng của tháng, quí, sáu tháng, cả năm sang “ngày 15 của tháng tiếp theo sau kỳ báo cáo”. Chọn ngày 6 thì mới chỉ khắc phục, giảm được một tuần ước tính trong khi đa số các số liệu thống kê phải đến ngày 15 mới được thu thập, như số liệu ước tính thu chi ngân sách phục vụ biên soạn chỉ tiêu GDP được Bộ Tài chính gửi cho Tổng cục Thống kê vào ngày 15 tháng cuối quí.
Hiện nay đại đa số các nước trên thế giới thường công bố, phổ biến các số liệu GDP, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp… sau kỳ báo cáo khoảng 1-3 tháng. Chúng ta không việc gì phải vội vàng công bố số liệu chưa hoàn chỉnh để đến kỳ công bố chính thức thường có sự chênh lệch khá lớn. Mục đích của số liệu thống kê là có độ tin cậy cao, phản ánh sát sao diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, làm cơ sở cho các hoạt động kinh tế, nhất là việc điều hành của Chính phủ và các địa phương. Việc điều chỉnh thời gian phổ biến số liệu thống kê nên hướng đến việc bảo đảm được mục tiêu này.
Có mấy loại số liệu cần lưu ý: Số dự báo/ Số cập nhật/ Số chính thức… Để định hướng điều hành kinh tế xã hội hiệu quả, khả năng dự báo là rất cần thiết, nhưng lâu nay đây lại là con số … thiếu tin cậy nhất ? Phải có đầu mối cơ quan chuyên trách đủ năng lực để công bố số liệu dự báo mang tính chuyên nghiệp. Số liệu cập nhật thì phải nhanh nhạy, chính xác. Số liệu chính thức thì phải chuẩn, dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Thời đại số hóa rồi, số liệu cũng phải thay đổi theo xu thể chung.