Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một góc nhìn khác về mâu thuẫn lợi ích

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một góc nhìn khác về mâu thuẫn lợi ích

Nguyễn Minh Hải

Nhà máy Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải.

(TBKTSG) – Thời gian gần đây, một số doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường đã bị tạm ngưng hoạt động. Dẫu việc xử lý này có hơi muộn màng nhưng rất cần thiết.

Trên thực tế, vấn đề môi trường luôn gắn với lợi ích của các nhóm người khác nhau: nhóm thì vì lợi ích của mình mà xâm hại môi trường; nhóm thì bị ảnh hưởng cuộc sống vì môi trường bị ô nhiễm… Nhưng chính trong từng nhóm người ấy cũng có những xung đột lợi ích với nhau.

Chẳng hạn, Công ty Vedan gây ô nhiễm sông Thị Vải (thực tế không chỉ có Vedan), làm nhiều nông dân sinh sống dựa vào nguồn nước sông này bị thiệt hại nặng nề. Một mặt, Vedan (ông chủ Vedan) được lợi vì không phải đầu tư cho việc xử lý nước thải; nhưng mặt kia thì người dân chịu thiệt do thất mùa.

Nhưng ở góc độ khác, ông chủ Vedan có lợi thì công nhân của ông ta cũng ít nhiều được hưởng lợi vì lợi nhuận của công ty nhiều hơn. Đến khi Vedan bị đình chỉ hoạt động, những người chịu thiệt bao gồm ông chủ Vedan, công nhân và những người cung cấp nguyên liệu cho Vedan. Vậy thì ai được lợi? Rất khó trả lời vì sông Thị Vải không phải ngày một ngày hai là sạch được ngay. Người dân sống nhờ vào dòng sông này cũng chưa phải thu lợi được ngay.

Nói như vậy, không có nghĩa cứ tính cái lợi cụ thể trước mắt mà quyết định tính đúng sai của vấn đề. Điều căn bản là làm sao để giải quyết các mâu thuẫn lợi ích, nhất là giữa những lợi ích cụ thể, rõ ràng với những lợi ích có về lâu dài. Bởi vậy, khi vụ việc của Vedan (và nhiều công ty khác) xảy ra, dư luận phẫn nộ, đòi phải xử lý nghiêm những kẻ vi phạm, nhiều khi vượt qua cả các quy định của pháp luật hiện hành. Như vậy, vấn đề là quan điểm xử lý, sâu xa hơn là quan điểm giải quyết mâu thuẫn lợi ích, chứ không phải phải xử lý từng vụ việc cụ thể.

Thực tiễn cho thấy, với những vấn đề mà lợi ích không gắn trực tiếp với mình thì sự quan tâm và tính quyết liệt trong xử lý thường không cao. Ngay cả với những người làm lãnh đạo, quản lý cũng vậy, khi sự việc không trở thành nỗi bức xúc cá nhân hoặc bức xúc của nhóm người mà mình là thành viên trong đó thì mức độ quan tâm ít nhiều bị giảm đi.

Vấn đề bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế trong thời gian qua có một phần từ lý do này: khi phát triển kinh tế, người lãnh đạo vừa được tiếng thơm vừa ít nhiều được hưởng lợi từ sự phát triển đó. Trong khi đó, hậu quả về môi trường thường xảy ra chậm hơn (do đó không thấy trước hoặc không cần thiết phải thấy trước) và trở thành gánh nặng của rất nhiều người chứ không phải chỉ một nhóm người nhất định.

Chính vì vậy, cần có một quan điểm mới hơn trong việc bảo vệ môi trường, đặt trong điều kiện giải quyết các mâu thuẫn về lợi ích. Trước hết, lợi ích của cộng đồng, của đất nước phải được đặt lên hàng đầu. Để bảo vệ các lợi ích chính đáng thì cần phải có hệ thống pháp luật đầy đủ và chặt chẽ để điều chỉnh các quan hệ về môi trường – bảo vệ môi trường một cách hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại đến môi trường. Trong đó, cần có quy định cụ thể về yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là khi thu hút đầu tư nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới