(KTSG) - Dư luận chưa kịp nguôi ngoai sau cái chết của bé gái V.A., 8 tuổi, bị người tình của cha dùng chân đạp vào ngực, âm hộ; bắt vừa quỳ vừa học; dùng gậy đánh đập suốt 4 tiếng khiến cháu bé tử vong xảy ra hồi tháng 12-2021 ở quận Bình Thạnh, TPHCM thì một lần nữa lại bàng hoàng trước cái chết của cháu bé 3 tuổi bị người tình của mẹ đánh đập, đóng 10 cái đinh vào đầu khiến cháu không qua khỏi dù được các bác sĩ cứu chữa. Vụ việc xảy ra tại huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Tối 12-3 vừa qua, đại diện Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn cho biết bé gái Đ.N.A (3 tuổi, nạn nhân bị nhân tình của mẹ đóng đinh vào đầu) đã tử vong vào khoảng 19 giờ 15 cùng ngày. Khám nghiệm tử thi, lực lượng chức năng tìm thấy không phải 9 như thông tin ban đầu mà là 10 chiếc đinh dài khoảng 2 cen ti mét trong đầu bé Đ.N.A.
Công an thành phố Hà Nội trước đó đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Huyên - 30 tuổi, ở huyện Thạch Thất, Hà Nội - về hành vi giết người. Huyên chính là người được xác định bạo hành bé Đ.N.A. Ngoài ra, công an tiếp tục làm rõ vai trò của Nguyễn Thị L. - 27 tuổi, mẹ của bé A. và là người tình của Huyên - liên quan vụ án.
Được biết, ngày 17-1, trong lúc người tình vắng nhà, Huyên đã dùng tay tát nhiều lần vào mặt bé A. Thấy bé khóc, Huyên tiếp tục dùng 1 quả tạ loại 2 ký đóng 9 chiếc đinh dài khoảng 2,1 cen ti mét vào xung quanh đỉnh đầu bé. Sau đó, Huyên đưa bé đi gửi và quay về phòng trọ ngủ. Khoảng 16 giờ chiều 17.1, Huyên đón bé A. về trong tình trạng sức khỏe yếu, buồn nôn, không đứng vững. Chị L. đã gọi xe đưa con đến Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất.
Trước đó nữa, hồi tháng 10-2021, Huyên từng mua 2 gói thuốc diệt cỏ mang về phòng trọ pha với nước ngọt rồi cho bé A. uống, khiến bé phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Đến tháng 11-2021, Huyên bỏ 2 chiếc đinh vít vào miệng rồi đổ nước bắt cháu bé uống. Sau đó, bé gái được mẹ đưa đến bệnh viện để lấy 2 dị vật ra. Tháng 12-2021, thấy bé A. không ngủ, Huyên đã đánh gãy tay phải của cháu bé.
Còn trong vụ bạo hành bé V.A. ở TPHCM, theo kết quả điều tra của cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Bình Thạnh, trong ngày 22-12 (ngày cháu gái tử vong), trong khoảng thời gian suốt 4 tiếng, từ 14 đến 18 giờ, Nguyễn Võ Quỳnh Trang, người tình của cha cháu bé đã dùng cây gỗ to dài cả mét đánh mạnh rất nhiều lần khắp nơi trên cơ thể cháu gái như mông, lưng, đầu, trán. Trang còn lấy chân đạp mạnh vào vùng bụng, mông, âm hộ, ngực của cháu.
Cháu còn bị “mẹ kế” dùng dây trói tay chân, đến khi cháu bị kiệt sức vẫn bị bắt quỳ học; tát mạnh vào vùng đầu khiến cháu như muốn đổ gục xuống, dùng chân đạp khiến cháu té ngã và khi cháu cố gượng ngồi lên ghế thì cháu có biểu hiện khó thở, kiệt sức… Trước đó cháu đã bị “mẹ kế” hành hạ trong thời gian dài.
Phải làm gì để những vụ việc đau lòng, những tội ác dã man đối với trẻ em như vậy không còn xảy ra nữa? Phải làm gì để những cơ quan chức năng, hội đoàn có liên quan đến việc bảo vệ trẻ hoạt động hiệu quả, tích cực và chủ động hơn trong nhiệm vụ ngăn chặn bạo hành, bảo vệ trẻ chứ không chỉ là lên tiếng cho có sau khi sự việc đã xảy ra?
Sau cái chết đau lòng của bé V.A., bà Rana Flowers - trưởng đại diện UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) tại Việt Nam - cho rằng Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ cho phụ nữ và trẻ em hiệu quả hơn. Các nhân viên công tác xã hội của hệ thống phải được đào tạo chuyên nghiệp, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ.
Đồng thời, cần phối hợp với lực lượng công an được đào tạo, với các thẩm phán và tòa án thân thiện với trẻ em, không khoan nhượng đối với bạo lực. Những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc cần lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân.
Công an có nghĩa vụ phải hành động kịp thời; các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay. Nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi.
Một hệ thống (nhấn mạnh: hệ thống) bảo vệ trẻ em và phụ nữ, như bà Flowers đề xuất và như ta biết cũng là thực tế ở nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới, bao giờ mới được xây dựng và vận hành hiệu quả ở Việt Nam?