(KTSG) - Mượn tên một tập thơ của Arthur Rimbaud, một tờ báo Pháp đã gọi những trận cháy rừng và đợt nóng lên đến trên 43 độ C đang diễn ra ở một số vùng của Pháp là “Một mùa ở địa ngục” (Une saison en enfer). Thật không may khi “mùa ở địa ngục” cũng đang diễn ra ở nhiều nơi khác trên toàn cầu với sức tàn phá ngày một nghiêm trọng. Trái đất như đang bị lột da. Hệ sinh thái bị đảo lộn và có nguy cơ bị hủy hoại đến mức không thể phục hồi được như trước.
Không chỉ ở Pháp, bên kia dãy Pyrénées, trên bán đảo Ibérique, các trận cháy rừng dữ dội ở Bồ Đào Nhà và Tây Ban Nha đã cướp đi sinh mạng của cả ngàn người. Ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, để giữ cho đường phố sạch sẽ, có công nhân vệ sinh đã chết vì sốc nhiệt do phải làm việc ngoài trời nắng.
Rồi Hy Lạp, nơi mà nhiệt độ lên tới 40 độ C, có nơi 43 độ C, cháy rừng đã tàn phá các ngôi nhà ven biển ở hòn đảo du lịch Lesbos trên biển Égée và cả trên đất liền. Ngay cả ở Anh, vốn được mệnh danh là “xứ sở sương mù”, nhiệt độ tăng cao có nơi đến 42 độ C đã gây cháy ở nhiều địa phương quanh London, làm nhựa đường tan chảy, giao thông đường sắt và đường không cũng đảo lộn, khiến chính phủ nước này phải ban bố tình trạng khẩn cấp, báo động đỏ.
Hãy nương tay với Trái đất để chúng ta không phải trải qua những “mùa ở địa ngục”. Được sống hài hòa với thiên nhiên là thứ hạnh phúc không nên để mất.
Ở Mỹ, hàng ngàn cư dân California ở gần Công viên quốc gia Yosemite đã phải bỏ nhà cửa đi sơ tán vì những trận cháy rừng có tên là Oak Fire. Bang California tuyên bố tình trạng khẩn cấp và 400 lính chữa lửa cùng với trực thăng và những loại máy bay chữa lửa khác, máy ủi đất đã được huy động chiến đấu với cháy rừng.
Ở Trung Quốc, gần 70 thành phố cảnh báo đợt nắng nóng nghiêm trọng với nhiệt độ lên trên 40 độ C; 393 thành phố và được dự báo có nhiệt độ 35 độ C và cao hơn. Nhiệt độ ở Trung Quốc tăng cao nhanh hơn mức trung bình toàn cầu và đợt nóng mới nhất ở Trung Quốc đặt ra mối lo ngại về tốc độ của sự nóng lên toàn cầu.
Sớm hơn dự báo những… 30 năm
Có người so sánh những đợt nắng nóng và những trận cháy rừng đang hoành hành trên diện rộng trên thế giới giống như trái đất đang bị lột da. Con người đang phải trả giá cho hoạt động can thiệp quá mức vào thiên nhiên, với việc phát thải khí nhà kính, với nạn phá rừng và nhiều hoạt động khác. Nhiệt độ tăng lên do biến đổi khí hậu khiến nước bốc hơi nhanh hơn khỏi đất, gây ra những đợt sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng với tần suất và cường độ mạnh hơn. Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng hơn trên toàn cầu, theo kết quả đo lường của các nhà khoa học trong 50 năm qua.
Hạn hán và cháy rừng xảy ra theo mùa, nhưng hiện tượng nóng lên toàn cầu đang tạo ra mùa khô dài hơn và nóng hơn. Chính yếu tố này gây ra các đợt hạn hán và sóng nhiệt nghiêm trọng hơn, kèm theo là nhiều trận cháy rừng thường xuyên hơn, với sức tàn phá khủng khiếp hơn.
Các nhà khoa học nói nhiệt độ được dự báo sẽ chỉ đến vào năm 2052 đã đến vào năm 2022 này, sớm hơn 30 năm. Tình trạng biến đổi khí hậu và nhiệt độ tăng trên toàn cầu đã đến nhanh hơn dự báo của các nhà khoa học, bao phủ những vùng rộng lớn hơn và gây ra những thiệt hại, khó khăn ngày một nghiêm trọng hơn cho cuộc sống con người và cho hoạt động kinh tế.
Việt Nam: thời tiết lạ, mộ san hô và nạn mất rừng diện rộng
Với Việt Nam, dù chưa xảy ra những trận cháy rừng lớn khiến hàng ngàn, chục ngàn dân phải sơ tán như tại một số trong các quốc gia kể trên, nhưng không phải không có những trận cháy rừng hàng năm, và hơn thế là nạn chặt phá rừng làm cho diện tích rừng bao phủ ngày càng thu hẹp, ảnh hưởng tới toàn bộ hệ sinh thái và khí hậu. Ai đã từng thăm Đà Lạt vài chục năm trước và bây giờ, hẳn sẽ thấy Đà Lạt bây giờ nóng hơn rất nhiều. Những người có tuổi đời khoảng 50 năm hẳn cũng sẽ thấy thời tiết bây giờ nóng hơn xưa.
Theo Tổ chức Giám sát Rừng toàn cầu (Global Forest Watch - GFW), từ năm 2001-2018, Việt Nam đã mất đi hơn 2,6 triệu héc ta rừng, tương đương với giảm 16% diện tích rừng so với năm 2000. Một bản báo cáo khác của Hội Nông dân cho biết: Những năm gần đây, diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng giảm nhanh, chất lượng rừng suy thoái nặng nề. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800 héc ta, trong đó rừng bị cháy khoảng 13.700 héc ta, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta mất khoảng 2.500 héc ta rừng. Nhiệt độ ngày càng nóng lên ở nước ta chắc hẳn có sự góp phần của tình trạng mất rừng trên diện rộng đó.
Sự biến đổi khí hậu cũng đang tác động, làm mất một diện tích rừng rất lớn do bị cháy, sạt lở rừng ven biển. Chỉ riêng tỉnh Cà Mau, trong vòng 10 năm (2011-2020) đã mất gần 5.000 héc ta rừng phòng hộ ven biển. Việt Nam hiện có khoảng 200.000 héc ta rừng ngập mặn, đứng tốp đầu trong các quốc gia có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới. Tuy nhiên, diện tích rừng ngập mặn trong nước đang bị đe dọa thu hẹp về diện tích do tình trạng khai thác, chặt phá rừng nghiêm trọng.
Từ đầu năm 2022 đến nay, các nhà khoa học cảnh báo tình trạng biến đổi khí hậu đã đến mức nghiêm trọng, gây ảnh hưởng cực xấu đến nhân loại nếu chúng ta tiếp tục tàn phá môi trường. Việt Nam thời gian qua cũng đã ghi nhận rất nhiều hiện tượng thời tiết lạ so với trước đây như: Mưa dông trái mùa ở ven biển miền Tây Nam bộ (tháng 2-2022), động đất liên tiếp tại Kontum lên tới 4,1 độ richter gây rung lắc mạnh (tháng 4-2022), mùa hè ở miền Bắc đến chậm hơn so với chu kỳ hàng năm, sương mù dày đặc xuất hiện vào thời điểm miền Bắc đang chuyển sang mùa hè...
Rừng đã vậy, còn dưới biển hệ sinh thái và môi trường sống cho các loài thủy sinh cũng đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Báo South China Morning Post mới đây đã đăng một bài báo động dưới tiêu đề: ‘Ngôi mộ san hô’ của Việt Nam tại Vịnh Nha Trang - một hồi chuông cảnh tỉnh về sự tàn phá của biến đổi khí hậu.
Theo bài báo (đươc tạp chí điện tử Nghiên cứu Lịch sử dịch đăng lại), các nhà khoa học cho biết chỉ 1% san hô của Việt Nam ở trạng thái khỏe mạnh trong khi phần còn lại phải đối mặt với nhiều mối đe dọa sống còn.
Những thước phim chết chóc về san hô chết tại khu bảo tồn biển Hòn Mun ở Nha Trang đã khơi dậy những lời kêu gọi hành động vì môi trường tốt hơn, vì ngay cả khi đại dịch buộc lĩnh vực du lịch tạm dừng trong hai năm cũng chẳng giúp được gì để hệ sinh thái phục hồi. Ngay cả khi khí hậu thay đổi, các hoạt động của con người tiếp tục gây ra hiện tượng tẩy trắng và phân hủy san hô.
Những hình ảnh và video về san hô chết trải dài hàng trăm mét vuông tại đảo Hòn Mun đã gây chấn động dư luận và khiến chính quyền địa phương phải hạn chế bơi và lặn trong khu bảo tồn biển cho đến khi kiểm tra xong toàn bộ khu vực này. Cảnh tượng đáng lo ngại, được truyền thông địa phương mệnh danh là “nấm mồ san hô”, làm nổi bật mức độ tàn phá môi trường ở Việt Nam do tác động của con người, thiên tai và biến đổi khí hậu.
Theo một nghiên cứu địa phương năm 2018 của Đại học Nha Trang trên tạp chí Ecosystem Services, ước tính thiệt hại gây ra từ các ngành du lịch rạn san hô, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản là từ 27,8-31,72 triệu đô la.
Nhưng có những thứ thiệt hại, dù trên rừng hay dưới biển, khó mà quy thành tiền. Một khi khí hậu biến đổi, hệ sinh thái bị đảo lộn, bị hủy hoại đến mức không thể phục hồi như đã có trước đó thì dù có bỏ ra bao nhiêu tiền cũng không thể giúp con người tìm lại những thứ quý giá đã mất đi, có thể là vĩnh viễn.
Hãy nương tay với Trái đất để chúng ta không phải trải qua những “mùa ở địa ngục”. Được sống hài hòa với thiên nhiên là thứ hạnh phúc không nên để mất.