Thứ Năm, 25/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Một mũi tên, ba đích đến

An Nhiên

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Có thể nói đây là một mũi tên với ba đích đến: giảm chồng chéo pháp luật; khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm; và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Gần đây, một số doanh nghiệp đầu tư khai thác khoáng sản lo lắng việc những quy định, cách hiểu khác nhau về “đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản” có thể khiến họ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xin cấp phép, gây ách tắc hoạt động đầu tư.

Cụ thể, vấn đề đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản hiện được đề cập trong nhiều luật, dự thảo luật như: Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024, Luật Khoáng sản năm 2010, dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. Vậy nhưng, khi đọc các văn bản này, doanh nghiệp không thể trả lời câu hỏi: “Đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản có bao gồm đất sử dụng cho hoạt động chế biến, xây dựng nhà máy tuyển quặng, nhà máy chế biến khoáng sản hay không?”.

Bởi lẽ, theo dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024, dường như, đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản có bao gồm khâu chế biến; theo đó, đất để đặt nhà máy chế biến được phép nằm trong khu vực mỏ.

Tuy nhiên, theo Luật Đất đai năm 2024 và Luật Khoáng sản năm 2010 thì đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản chỉ gồm khâu thăm dò và khai thác; và như vậy, đất để đặt nhà máy chế biến có thể không được phép nằm trong khu vực mỏ. Trường hợp này, với các khoáng sản có diện tích mỏ rộng như titan, bauxite, việc đặt nhà máy chế biến ở xa mỏ sẽ làm cho hiệu quả kinh tế thấp, không khả thi. Ngoài ra, việc vận chuyển xa có thể gây thêm ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh việc tìm ra sự vênh lệch và làm cho các luật, dự luật được thống nhất hài hòa, điều quan trọng là cần xây dựng các nguyên tắc, chính sách “để các đạo luật tuy luôn thay đổi song chúng cần đồng tâm”, như TS. Phạm Duy Nghĩa, trường Đại học Fulbright Việt Nam, từng nói.

Vì thế, khi nghe tin Thủ tướng thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các doanh nghiệp khoáng sản rất mừng. “Chúng tôi kỳ vọng vướng mắc của mình sẽ được xử lý để có cách hiểu thống nhất về đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản, không gây ách tắc cho địa phương và doanh nghiệp như hiện nay”, đại diện một doanh nghiệp cho biết.

Theo quyết định của Thủ tướng, ban này sẽ chỉ đạo các bộ, cơ quan khẩn trương xử lý theo thẩm quyền các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật đã được chỉ ra tại các báo cáo của Chính phủ về rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết 101/2023/QH15 và Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV; đồng thời tiếp tục tổng hợp, rà soát các vướng mắc, bất cập phát sinh nếu có.

Cùng với đó, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công – tư, Luật Đầu tư công, Luật Dược, các luật về thuế… và các văn bản hướng dẫn; xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật. Trên cơ sở kết quả rà soát, ban này sẽ đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành văn bản phù hợp, hiệu quả để xử lý các bất cập, vướng mắc pháp lý ngay tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10-2024.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã họp phiên thứ nhất, xác định mục tiêu, nguyên tắc, phạm vi, nội dung rà soát, xử lý vướng mắc và hướng giải quyết. Theo đó, phạm vi rà soát gồm một số luật cần sửa đổi mang tính chất cấp bách nhất, các luật đã có lộ trình sửa đổi tới năm 2025.

Nội dung rà soát, sửa đổi tập trung vào việc đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, các bộ, ngành trung ương tập trung thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước (xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật); khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác, trong đó có đầu tư nước ngoài.

Sau khi rà soát, sẽ đề xuất xây dựng một luật sửa đổi nhiều luật theo trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc, trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất, trên nguyên tắc: cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, được đa số đồng tình, ủng hộ thì đưa vào luật, tiếp tục thực hiện; đối với những vấn đề mới, chưa có quy định hoặc đã có quy định nhưng bị thực tiễn vượt qua thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Thời gian qua, những vướng mắc, sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật không chỉ cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân mà còn là nguồn cơn chính khiến cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm.

Có thể nói đây là một mũi tên với ba đích đến: giảm chồng chéo pháp luật; khắc phục tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm; và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thời gian qua, những vướng mắc, sự chồng chéo, mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật không chỉ cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân mà còn là nguồn cơn chính khiến cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám nghĩ, không dám làm. Khi các quy định pháp luật nhất quán, rõ ràng và tường minh, hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ trơn tru, thuận lợi hơn; cán bộ cũng sẽ dám làm vì họ không còn phải gánh chịu những rủi ro pháp lý khi thực thi công vụ. Điều này chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Nhìn rộng hơn, bên cạnh việc tìm ra sự vênh lệch và làm cho các luật, dự luật được thống nhất hài hòa, điều quan trọng là cần xây dựng các nguyên tắc, chính sách “để các đạo luật tuy luôn thay đổi song chúng cần đồng tâm”, như TS. Phạm Duy Nghĩa, trường Đại học Fulbright Việt Nam, từng nói.

Đồng thời, cũng nên nghĩ đến việc xây dựng nguyên tắc xử lý sự vênh lệch giữa các đạo luật “bởi nếu có bằng phẳng trên giấy, song sự vênh lệch rất có thể xuất hiện trong quá trình thực thi”. Đề xuất của vị chuyên gia này là một gợi mở quan trọng, có thể giúp đảm bảo sự nhất quán của chính sách, sự thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, từ đó tạo lập hành lang pháp lý đầy đủ và thông suốt để kiến tạo phát triển bền vững đất nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới