Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một năm sau động đất, Nepal vẫn ngổn ngang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một năm sau động đất, Nepal vẫn ngổn ngang

Phúc Minh

Một năm sau động đất, Nepal vẫn ngổn ngang
Nepal tan hoang sau trận động đất 7,8 độ richter ngày 25-4-2015. Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Đúng 1 năm sau thảm họa động đất, thủ đô Kathmandu (Nepal) vẫn tiêu điều. Một số tòa nhà phải chống đỡ để tránh đổ sụp. Người dân vẫn tiếp tục sống giữa đống đổ nát của các ngôi nhà cũ. Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 10 tỉ đô la Mỹ, tương đương 1/2 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này.

Ngày 25-4-2015, trận động đất 7,8 độ richter tại Khathmandu đã khiến gần 9.000 người thiệt mạng, 22.000 người bị thương và hơn 900.000 ngôi nhà bị phá hủy.

Trận động đất cũng đã biến 100 di tích thành đống đổ nát và làm hư hỏng 560 công trình khác, trong đó có nhiều ngôi đền hàng trăm tuổi và các cung điện hoàng gia tuyệt đẹp tại thung lũng Kathmandu nổi tiếng với du khách khắp nơi trên thế giới.

Đến nay, khoảng 4 triệu người vẫn phải sống trong các khu lều tạm, do động đất đã san phẳng nhà cửa của họ. Những người bị mất nhà cửa đang chờ sự giúp đỡ vì họ không thể tự xây lại nhà do các khó khăn về kinh tế, cũng như các quy định phức tạp của chính phủ đối với những trường hợp đủ điều kiện nhận hỗ trợ động đất. Họ cũng phải cầu nguyện trong các túp lều dựng tạm vì tu viện và các ngôi chùa tại đây đều đã bị phá hủy.

Hoạt động phục hồi các công trình cổ diễn ra khá chậm chạp. Hoạt động chạm khắc và mạ vàng các công trình cổ chủ yếu được làm theo phương pháp thủ công. Theo đánh giá của giới chuyên gia, phải mất 2 năm nữa để hoạt động tu bổ các công trình trở lại trạng thái ban đầu được thực hiện xong.

Ngành du lịch, một trong những ngành mũi nhọn trong nền kinh tế Nepal, bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau động đất, đến nay vẫn chưa hồi phục. Hiện là thời điểm diễn ra các hoạt động leo núi tại Nepal nhưng lượng khách đăng ký đi leo núi như mọi năm đã giảm mạnh. Chủ tịch Hội leo núi Nepal Tshering Sherpa nói: “Trận động đất gây ra tác động không chỉ với người dân khu vực, với cộng đồng leo núi thì khi nền kinh tế chậm lại thì mọi thứ cũng bị chậm lại”.

Nepal là nước nghèo nhất tại khu vực Nam Á, với 28 triệu dân có mức thu nhập chưa đến 1,25 đô la Mỹ/ngày.

Biểu tình vì phục hồi chậm chạp sau động đất

Người dân Nepal biểu tình trước tòa nhà chính phủ ở thủ đô Kathmandu. Ảnh: Reuters

Người dân chỉ trích chính phủ Nepal chậm trễ trong công tác khắc phục hậu quả động đất. Một người dân Nepal cho biết: “Hầu hết chúng tôi nhận thực phẩm, lều bạt, tôn lợp mái nhà từ một số tổ chức dân sự cũng như tổ chức quốc tế chứ không phải từ chính phủ. Những động thái cứu trợ của chính phủ rất chậm chạp và gần như chỉ có ít người nhận được sự trợ giúp từ phía nhà nước”.

Ngày 25-4, nhiều người dân Nepal đã tuần hành trước tòa nhà chính phủ tại Kathmandu, kêu gọi nhà chức trách chung tay với người dân đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc đất nước sau trận động đất tàn phá Nepal cách đây một năm.

Các nhà chức trách Nepal đã mở cửa tòa nhà chính phủ cho khoảng 200 người biểu tình và tiến hành buổi lễ tưởng niệm một năm sau thảm họa động đất.

Chính phủ Nepal cho biết khó khăn tài chính là lý do chính khiến công tác khắc phục và tái thiết sau động đất hầu như giẫm chân tại chỗ suốt năm qua. Nepal cần ít nhất 2 tỉ đô la Mỹ để xây dựng lại nhà cửa, trường học, bệnh viện, cũng như tôn tạo các công trình lịch sử bị động đất tàn phá.

Nhật bổ sung ngân sách tái thiết các khu vực bị động đất

Trước đó vào ngày 24-4, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã chỉ đạo Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso soạn thảo ngân sách bổ sung nhằm tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hai trận động đất mới đây nhất tại đảo Kyushu, tây nam Nhật Bản. Thủ tướng Abe tin tưởng Quốc hội sẽ thông qua dự thảo này trong kỳ họp kết thúc vào ngày 1-6.

Khoản ngân sách bổ sung nói trên chủ yếu nhằm cung cấp chỗ ở cho những người phải sơ tán và giúp các nạn nhân trận động đất tái thiết cuộc sống.

Trước đó, hai trận động đất 6,5 độ richter tối ngày 14-4 và 7,3 độ richter ngày 16-4 đã khiến ít nhất 48 người thiệt mạng và khoảng 1.100 người khác bị thương.

Động đất Ecuador: số người thiệt mạng vượt 650

Hậu quả động đất tại thành phố Pedernales, Ecuador. Ảnh: Reuters

Theo số liệu mới nhất do cơ quan cứu nạn Ecuador công bố ngày 24-4, số người thiệt mạng trong trận động đất 7,8 độ richter ngày 16-4 tại nước này  lên đến 654 người. Ngoài ra, còn khoảng 16.600 người bị thương, 58 người mất tích và hơn 26.000 người bị mất nhà cửa.

Phát biểu trên truyền hình ngày 23-4, Tổng thống Ecuador Rafael Correa nói: “Đất nước đang bị khủng hoảng, thiệt hại động đất được thẩm định lên đến 2-3 tỉ đô la Mỹ”.

Từ ngày 26-4, Quốc hội Ecuador sẽ bắt đầu thảo luận khả năng tăng thuế tạm thời để có thể đầu tư vào việc tái thiết những khu vực bị nạn, trong khi giá dầu vẫn giảm mạnh.

Liên hiệp quốc (LHQ) kêu gọi quốc tế hỗ trợ khẩn cấp 72,2 triệu đô la Mỹ cho 350.000 nạn nhân động đất tại Ecuador trong 3 tháng tới. Ngày 22-4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cam kết cho chính phủ Ecuador vay 150 triệu đô la Mỹ để cung cấp cơ sở y tế (như bệnh viện dã chiến) cho người bị nạn. Ngày 23-4, Pháp thông báo gửi đến Ecuador 30 quân nhân phu trách an ninh dân sự và 21 tấn thiết bị, trong đó có 4 máy xử lý nước để cung cấp nước sạch cho các nạn nhân.

Đọc thêm:

>> Động đất Ecuador: 413 người thiệt mạng, tổn thất hàng tỉ đô la

>> Nhật: hàng loạt nhà máy đóng cửa sau động đất

>> Nepal: khó khăn kinh tế chồng chất sau động đất

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới