Thứ Ba, 2/07/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Một nhà báo đáng mến giờ đã xa xăm

Huỳnh Như Phương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Nhà văn, nhà báo Nguyễn Công Thắng, nguyên biên tập viên Thời báo Kinh tế Sài Gòn, từ trần đến nay vừa tròn hai tháng. Là người làm việc thầm lặng, khi ra đi, anh để lại một khoảng trống với nhiều tiếc thương trong lòng người thân, bè bạn.

Từ nhà giáo đến nhà báo

Sinh năm 1952, nguyên quán Thừa Thiên – Huế, thuở nhỏ Nguyễn Công Thắng đi học ở quê mẹ Quảng Ngãi, trước khi ra Huế vào trường Quốc học rồi lên Đại học Sư phạm. Là học trò của nhà thơ Ngô Kha, anh được truyền cho tư tưởng dấn thân và gắn bó với phong trào sinh viên Huế cho đến ngày hòa bình. Chỉ vài ngày trước khi bị thủ tiêu, Ngô Kha còn bảo Nguyễn Công Thắng chở đi uống cà phê trên dốc Nam Giao, nghe ông đọc thơ phản chiến.

Tốt nghiệp năm 1976, Nguyễn Công Thắng được giữ lại trường làm giảng viên rồi xin chuyển vào dạy ở Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Vì hoàn cảnh gia đình, anh lại chuyển về công tác tại Đài Phát thanh và Truyển hình Quảng Ngãi một thời gian trước khi định cư hẳn ở Thành phố Hồ Chí Minh với nghề làm báo.

Cầm bút từ thời sinh viên, đến khi vào sống và làm việc ở miền Nam, Nguyễn Công Thắng có dịp trải nghiệm nhiều và sáng tác nhiều hơn. Hai tập tản văn Con mắt dọc đường (2008) và Vẩn vơ nơi ga xép (2018) của anh cho thấy bầu nhiệt huyết với xã hội từ thời tuổi trẻ không hề vơi cạn, nay hòa quyện với những chiêm nghiệm và suy tư về đất nước, con người.

Tản văn của Nguyễn Công Thắng đa dạng về đề tài. Anh suy nghĩ về bếp lửa và ý nghĩa của bữa ăn gia đình, về thân phận của những người nhập cư. Anh tái hiện những cảnh đời bất hạnh qua những chuyến đi làm công tác thiện nguyện và bày tỏ nỗi bức xúc trước nạn phá rừng, săn bắt động vật hoang dã dẫn đến hủy hoại môi trường sinh thái. Dưới ngòi bút của anh, những vấn đề nóng bỏng luôn được lý giải và thể hiện bằng một giọng văn điềm tĩnh và ôn hòa.

Chân dung Nguyễn Công Thắng do Võ Thành Lân vẽ

Từ nhà thơ đến người bình thơ

Nếu văn xuôi bộc lộ con người xã hội của Nguyễn Công Thắng, thì thơ biểu hiện con người nội tâm của anh. Tập Ngồi thấy xa xăm và những bài thơ khác (2016) cho ta hình dung một người đàn ông đã vượt qua những mệt mỏi, muộn phiền, vượt qua những bùng cháy nông nổi để lắng lòng mình trước một dáng lụa mềm, một làn sương mờ ảo và một chiếc lá khô rơi ngoài hiên vắng. Đó là tiếng nói của tuổi thơ hồn nhiên và tuổi trẻ đầy khát vọng giờ thấy lại hình bóng mình “lang thang dọc dòng sông mát lành/ qua những cánh đồng mía ngút ngàn nồng nàn thơm ngọt/ qua cái thị xã nhỏ buồn hiu đêm khuya vọng về tiếng súng/ cái thị xã nhỏ miền Trung không chứa hết nỗi bơ vơ của đám trẻ lớn lên thời chiến”.

Nguyễn Công Thắng làm thơ không nhiều, nhưng ở thể thơ nào cũng có bài hay, câu hay. Ngoài thơ tự do, anh còn làm thơ lục bát, thơ năm chữ, bảy chữ. Bài Một mai én nhỏ ý nhị, kín đáo trong ngôn từ: “một mai lạc phố quên đường/ theo con én nhỏ tìm phương mà về/ một mai rồi một mai kia/ thôi con én nhỏ đã lìa đường bay/ một mai còn một mai này/ tìm quên én nhỏ giữa ngày mộng du”.

Bài Đêm nghe sông chảy mang phong vị cổ điến: “chảy mãi quanh đời trong vắng im/ ngày đi sông trải cánh tay mềm/ mười năm ngoảnh lại còn sương khói/ và chút rong rêu giấc mộng chìm// chảy mãi đôi bờ đã lạc nhau/ người qua như bóng lẫn đêm thâu/ tôi về nương náu tình hoa cỏ/ nhớ một thời xanh đã úa màu…”.

Bài hành năm Tuất giọng thơ pha chút hờn dỗi bất bình nhưng rồi cũng làm hòa rất nhanh với cuộc đời: “chim nhạn thiên di, hề, đi tìm nắng ấm/ ta du cư, hề, làm thân mây trôi/ đâu thuở bình yên, mây mùa giông bão/ lòng cũng như mây tan tác ngập trời […]// hành phương Nam, hề, viết thuê, chạy chợ/ hành phương Nam, hề, qua núi qua truông/ em cứ ngoái đầu thêm một lần để nhớ/ ngấn lệ trong tim đọng lại cố hương”.

Năng khiếu của nhà thơ cộng với năng lực phân tích, bình giảng của nhà giáo dẫn đến thành công của Nguyễn Công Thắng trong thể loại bình văn. Anh đã viết những bài bình thơ đặc sắc về những kiệt tác của Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Tế Hanh…, trong đó có những bài được nhà thơ Ngô Thế Oanh chọn đăng trên tạp chí Thơ. Những bài thơ tuyệt bút này tuy đã có nhiều người phân tích, nhưng Nguyễn Công Thắng vẫn đem lại phát hiện riêng của mình khi anh đi sâu cắt nghĩa mối quan hệ giữa cảm hứng và thi pháp ngôn từ trong văn bản. Thiết nghĩ, nếu những bài viết ấy được tập hợp thành sách, bạn đọc sẽ nhận ra một đóng góp nữa của ngòi bút Nguyễn Công Thắng, đặc biệt trên lĩnh vực dạy văn.

Những tác phẩm của Nguyễn Công Thắng

Nỗi đau đời còn lại

Tuy đọc Nguyễn Công Thắng từ lâu, nhưng tôi chỉ quen thân anh khoảng năm năm gần đây. Cả anh và tôi đều kiêng bia rượu, nhưng thỉnh thoảng cũng cụng ly khi họp mặt bạn bè; còn thường thì chúng tôi ngồi với nhau trong một quán cà phê vắng trên đường Hoàng Sa, bên bờ kênh Nhiêu Lộc. Viết được bài gì mới, chúng tôi đều gửi cho nhau đọc trước. Có kinh nghiệm làm biên tập, anh luôn góp ý trên văn bản rất cẩn trọng, thẳng thắn.

Đặc biệt, trong hai năm dịch bệnh, chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại, email, tuần nào cũng gọi cho nhau một lần, hỏi thăm sức khỏe, nhắc nhở nhau tiêm ngừa, thông tin về cách mua thuốc men, thực phẩm. Lần nào đi tái khám ở bệnh viện Chợ Rẫy, Nguyễn Công Thắng cũng báo tin cho tôi, mừng thấy anh hợp với phác đồ điều trị mới. Trước lễ Noel 2021 vài ngày, tôi gọi cho anh, nghe giọng anh yếu, anh bảo mấy hôm nay thấy người mệt quá, không ngờ chỉ ít hôm sau anh ra đi nhẹ nhàng và thanh thản.

Trong những ngày dịch bệnh ở TPHCM lên cao điểm, Nguyễn Công Thắng gửi cho tôi hai bài thơ thế sự rất độc đáo. Nhưng anh dặn tôi chỉ đọc riêng, chưa vội công bố. Nay anh ra đi, tôi xin phép gia đình anh trích một đoạn để giới thiệu với bạn đọc: “Thời ôn dịch ta thu mình, che mặt/ Giấu lo âu sau lớp vải mỏng manh/ Cửa hẹp lại, những khoảnh đời chia cắt/ Trốn vào đâu? Con cúm độc vô hình. […]. Thời ôn dịch thương phận người bèo bọt/ Tan như không trong một cái hắt hơi/ Người khuất mặt không kịp lời vĩnh biệt/ Lửa âm ty đỏ ngùn ngụt giữa trời…”.

Hôm nay ngồi đọc lại những tác phẩm của Nguyễn Công Thắng, nhớ dáng đi cao gầy và mái tóc nghệ sĩ của anh, tôi cảm nhận nỗi đau đời còn thấm đậm trong từng trang viết.

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết hay và cảm động. Nhưng thích nhất là hình ảnh của nhà văn qua nét vẽ của HS VTL quá đẹp. Có lẽ tôi chưa từng nhìn được một bức ảnh trên cả tuyệt vời, bố cục đơn giản mà vô cùng sinh động như vậy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới