Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một nửa số lâm trường quốc doanh làm ăn thua lỗ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một nửa số lâm trường quốc doanh làm ăn thua lỗ

Thùy Dung

Một nửa số lâm trường quốc doanh làm ăn thua lỗ
Đổi mới, sắp xếp lại các lâm trường quốc doanh vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

(TBKTSG Online) – Sau hơn 6 năm thực hiện, chủ trương sắp xếp đổi mới lâm trường quốc doanh (LTQD) vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn ngoài việc đổi tên các LTQD thành các ban quản lý rừng hoặc các công ty lâm nghiệp. Trong khi đó, đến 50% số LTQD làm ăn thua lỗ.

Hơn nữa, nội dung quan trọng hàng đầu làm căn cứ để sắp sếp lại loại hình tổ chức quản lý rừng này là rà soát đất đai và thu hồi một phần trả lại cho địa phương và người dân lại chưa được thực hiện.

Tại buổi tọa đàm về “Thực trạng và xung đột trong quản lý, sử dụng đất rừng giữa lâm trường quốc doanh với người dân địa phương” diễn ra ngày 10-5, ông Phan Đình Nhã, Viện Tư vấn phát triển (CODE) cho rằng quá trình thực hiện thu hồi đất đai sau rà soát diễn ra rất chậm.

Đến năm 2011, cả nước bàn giao được khoảng 702.000 héc ta, chiếm 63,2% nhưng chủ yếu cũng chỉ mới thực hiện ở bước thống kê, rà soát phân loại trên sổ sách, việc bàn giao trên thực tế hầu như chưa được thực hiện. Do vậy, hầu hết các địa phương chưa triển khai tổ chức giao lại cho các đối tượng có nhu cầu, đặc biệt là các hộ và cộng đồng dân cư tại địa phương từ nguồn quỹ đất này.

“Điều này đã dẫn tới xung đột nghiêm trọng giữa LTQD và người dân do người dân không có đất rừng để quản lý, trong khi LTQD lại sở hữu một tài sản quá lớn nhưng làm ăn lại không hiệu quả. Mỗi năm có hơn 100 nghìn héc ta rừng bị mất và có tới gần 50% các LTQD làm ăn thua lỗ.”, ông Nhã nói.

Ông Phạm Mậu Tài, Giám đốc Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo (RDPR) cho hay, qua điều tra trên địa bàn tại hai xã Trường Sơn và Trường Xuân, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), nơi quản lý diện tích rừng lớn khoảng 91.464 héc ta, chiếm 91,5% đất lâm nghiệp của huyện, việc rà soát đất đai của LTQD chỉ thu hồi và giao lại cho địa phương khoảng 1.553 héc ta đất rừng. “Đây là con số quá ít so với nhu cầu sản xuất của các hộ dân đang thiếu đất”, ông Tài bức xúc.

Địa phương tổ chức giao lại quỹ đất này, nhưng người dân không nhận vì không đảm bảo điều kiện sản xuất như quá xa khu dân cư, đất xấu… Sau rà soát, sắp xếp đổi mới LTQD, tình trạng thiếu đất sản xuất của các hộ dân và cộng đồng dân cư địa phương ở huyện Quảng Ninh vẫn chưa được giải quyết. Mâu thuẫn trong vấn đề quyền quản lý sử dụng đất rừng, quyền tiếp cận tài nguyên rừng giữa người dân và các LTQD, ban quản lý rừng có nguy cơ gia tăng và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống và an ninh xã hội vùng biên giới.

Theo ông Phan Đình Nhã, trong 10 năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đổi mới LTQD nhưng đều không đạt hiệu quả. Nguyên nhân là do tiến trình tổ chức thực hiện mới chỉ quan tâm đến tổ chức, cơ cấu lại các LTQD theo hướng “bình mới – rượu cũ” để thúc đẩy nhanh việc giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho LTQD, công ty lâm nghiệp mà bỏ qua nội dung quan trọng nhất là rà soát đất đai của LTQD và giải quyết tình trạng chồng lấn quyền quản lý đất rừng cũng như mâu thuẫn trong sử đụng đất rừng giữa LTQD và người dân địa phương.

Chính vì vậy, sau thời gian thực hiện sắp xếp đổi mới tài nguyên rừng và đất rừng của LTQD chưa hiệu quả, rừng vẫn bị chặt phá, đất rừng vẫn bị lấn chiếm, tranh chấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều lâm trường gặp nhiều khó khăn. Đổi mới và phát triển LTQD chưa có tác động tích cực đối với kinh tế xã hội địa phương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới