Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Một nửa số người lao động tại Libya đã về nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một nửa số người lao động tại Libya đã về nước

Thanh Thương tổng hợp

Niềm vui của lao động khi trở về nước. Ảnh: TTXVN.

(TBKTSG Online) – Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều nay 5-3, ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động nước ngoài, Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho biết, đến thời điểm này chỉ còn không đến 200 lao động còn ở sâu trong lãnh thổ Libya, số còn lại đã ra đến biên giới để đến các nước thứ ba, hoặc đã trở về nước. Đã có hơn 5.000 lao động về đến Việt Nam.

Ông Hải cũng cho biết đối với số lao động còn nằm sâu trong lãnh thổ Libya, hiện, Đại sứ quán Việt Nam tại Libya, các đối tác và chủ sử dụng lao động Việt Nam cũng đã liên lạc được và đang triển khai đưa lao động ra biên giới. Đến thời điểm này vẫn chưa có thông tin nào về trường hợp công dân Việt Nam bị thương vong do sự mất ổn định về chính trị và xã hội ở Libya.

Tại Tunisia, nơi đang có hàng nghìn lao động Việt Nam chờ về nước, Tổ chức di dân quốc tế (IOM) đã nhận được công hàm chính thức từ trụ sở chính ở Geneva (Thụy Sĩ) và yêu cầu trực tiếp của đoàn công tác Việt Nam sang Tunisia về việc giúp đỡ hai chuyến bay, mỗi chuyến có khả năng chuyên chở tối thiểu 250 người về Việt Nam. IOM đã tiếp nhận đề nghị này và đang xem xét phương án di chuyển lao động.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, có hơn 1.000 lao động Việt Nam làm việc cho ba công ty của nước này, nhưng hiện chỉ có một công ty thu xếp vé cho lao động về nước; hai công ty còn lại do gặp khó khăn nên không thể mua vé cho lao động. Việt Nam nhưng đã đề nghị IOM chia sẻ kinh phí để bố trí một chuyến bay đưa lao động về đồng thời đề nghị IOM sắp xếp, bố trí một chuyến bay khác với kinh phí của Chính phủ Việt Nam.

Tại biên giới Algeria giáp với Libya, nơi đang có 292 lao động Việt Nam bị kẹt từ hai tuần qua, đang thiếu lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, IOM cũng đang gặp khó khăn khi tiếp cận họ do không có văn phòng đại diện tại Algeria. Trong khi đó, đại sứ quán Việt Nam và người của Cục quản lý lao động vẫn chưa tiếp cận được khu vực này.

Về những lao động đi bằng đường thủy, Công ty Vinaconex Mex cho biết chuyến tàu chở 1.121 người lao động từ Malta về Hải Phòng sẽ mất 10 ngày. Tàu này do chủ sử dụng lao động Brazil thuê để đưa lao động về Việt Nam bằng đường biển. Mọi thông tin liên lạc với tàu là rất khó, vì vậy thời gian cập cảng Hải Phòng không thể biết chính xác.

Theo kế hoạch của Vietnam Airlines, đến ngày 7-3 sẽ có 9 chuyến bay tới các nước lân cận Libya để di chuyển lao động. Trong ngày 6-3 sẽ có hai chuyến bay tới Djerba (Tunisia) và Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), ngày 7-3 có hai chuyến bay cách nhau hai giờ cùng tới Djerba để nhanh chóng đưa người lao động Việt Nam hồi hương. Tính đến nay, Vietnam Airlines đã đưa được gần 1.000 lao động về VN qua cửa ngõ Cairo (Ai Cập) và Djerba (Tunisia).

Hôm nay (5-3), chuyến bay mang số hiệu VN8682 (đã cất cánh từ sân bay Nội Bài vào ngày 4-3) sẽ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, đưa thêm hơn 300 người lao động VN về nước.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới