Thứ bảy, 3/05/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Một thời chưa xa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Một thời chưa xa

Thành Trung

Công nhân dệt phải đi đóng gạch, gọi là "làm ca 3" tại Nam Toàn, Nam Trực, Nam Định

(TBKTSG) - Cột mốc nổi bật trên con đường thiên lý của đoàn tàu kinh tế Việt Nam chính là Đổi mới.

Là sử gia kinh tế hàng đầu Việt Nam, tác giả nhiều đầu sách nghiên cứu kinh tế có giá trị, trong cuốn Phá rào trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới (NXB Tri thức 2009), Giáo sư Đặng Phong đã đưa ra 20 điển cứu (case studies) trong tổng số gần 100 trường hợp “phá rào” trong kinh tế ở Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới, để làm nổi bật sự tương tác giữa tư duy, tư tưởng với thực tế, từ đó làm hoàn thiện hơn nhận thức và các chính sách kinh tế trong một thời kỳ rất quan trọng của đất nước.

Từ “nhân sâm”

Giáo sư Đặng Phong có một lời khuyên: không nên nhìn mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa (XHCN) bằng con mắt phê phán tuyệt đối, bởi nó có cái hay, cái nhân bản của nó. Chế độ công hữu, theo ông, không có bóc lột, nó phát triển vì lợi ích của dân tộc, vì đất nước và người lao động. Mô hình này được thiết kế nhằm đạt đến mục đích đó và trên thực tế, nó đã thành công trong một giai đoạn nhất định.

Tuy nhiên, Giáo sư Đặng Phong cũng chỉ ra nhược điểm lớn nhất của mô hình kinh tế XHCN là nó không có khả năng tự phê phán và điều chỉnh. Ông đúc kết: “Nó đã được định hình như thế là cứ thế mà đi. Nó là một cơ thể không cho bác sĩ khám và chẩn bệnh, và đến lúc gần chết rồi thì mới ngã ngửa ra: tôi chết rồi, mình mắc bệnh nặng rồi”.

Ở Việt Nam, mô hình này chớm xuất hiện từ năm 1951, với “mậu dịch quốc doanh”, rồi hệ thống ngân hàng quốc gia, sau đó là hợp tác hóa... Nó nhanh chóng được thực hiện trên cả nước vào năm 1976, với Đại hội Đảng lần thứ IV.

Công trình nghiên cứu của Giáo sư Đặng Phong cho thấy ngay từ những năm 1960, “cơ thể” kinh tế XHCN đã bộc lộ những bệnh tật và đã có những phản ứng đề kháng mà “khoán Kim Ngọc” ở Vĩnh Phúc năm 1966 là một dạng phản ứng của nông dân đối với cơ chế hợp tác xã (HTX).

Nhưng tại sao cái cơ thể này không chết, dù có bệnh? Giáo sư Đặng Phong lý giải bởi vì cơ thể ấy được tiếp “nhân sâm” - các khoản viện trợ từ Liên Xô (cũ) và các nước XHCN suốt mấy chục năm trời. Ông kể, thời ấy viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam rất lớn, có lúc chiếm tới một nửa ngân sách nhà nước. Và điều cần nói là, khi ấy ta bán hàng viện trợ của khối “anh em XHCN” nhưng lại coi là thu nhập của thương nghiệp.

Thế mới có chuyện, “nhân sâm” viện trợ nuôi công nghiệp nên luôn có lãi, các xí nghiệp không bị lỗ, còn nộp lợi nhuận cho Nhà nước.

Đến “cai sữa”

Theo Giáo sư Đặng Phong - người dành nhiều năm đi sâu nghiên cứu mô hình kinh tế XHCN - nếu Liên Xô và các nước XHCN không cắt giảm viện trợ thì ở Việt Nam không thể có “phá rào”, và cũng chẳng có Đổi mới hoặc là rất chậm. Ông gọi giai đoạn khối XHCN cắt giảm viện trợ cho Việt Nam, diễn ra trong năm 1977-1978, là “cai sữa”.

Sau giải phóng miền Nam, nguồn viện trợ từ Liên Xô và các nước XHCN giảm dần, có nước cắt toàn bộ. Trong giai đoạn này, hàng hóa giảm đi trung bình còn một nửa, có vật liệu giảm 60-70%. Tình cảnh đất nước chẳng khác một thanh niên đang tuổi ăn tuổi lớn, trước kia mỗi bữa ăn hai bát cơm mà vẫn chưa thấm, giờ lại bị cắt chỉ còn một bát. Ký ức của nhà sử học 70 tuổi còn vẹn nguyên, tất cả các xí nghiệp công nghiệp trên cả nước đều đói nguyên liệu tới mức có nguy cơ đóng cửa, một nửa số công nhân thiếu việc làm, không có lương. Các xí nghiệp phải cho công nhân đi… chăn bò, xuống các HTX xin đất trồng ngô, trồng sắn.

Nông nghiệp cũng thiếu vật tư, phân bón giảm còn 30%, xăng còn khoảng một nửa và phải mua. Theo Giáo sư Đặng Phong, khó khăn lớn nhất thời “cai sữa” là giá áp dụng theo cách tính của khối Hội đồng tương trợ kinh tế mà Việt Nam là thành viên từ tháng 8-1978. Đã gia nhập thì phải theo luật chơi chung của khối. Trong đó có luật về giá, áp dụng một chế độ giá gọi là “giá trượt”. Tức là lấy giá bình quân trong năm năm trên thị trường quốc tế để làm giá cho năm thứ sáu.

Năm 1978, giá thóc Nhà nước mua của nông dân là 32 xu, đó là giá nghĩa vụ. Trong khi giá thị trường là 2 đồng rưỡi. Người nông dân bán bằng một phần mười giá thị trường, người ta sẽ đồng ý nếu bán lại cho họ xăng dầu rẻ, phân bón rẻ, theo giá trợ cấp. Nhưng, Nhà nước không có những mặt hàng đó (vì bị cắt viện trợ) thì làm sao cưỡng đoạt được người ta. Cho nên khi đó có những mệnh lệnh bắt buộc cán bộ đảng viên phải bán thóc. Hệ quả là năm 1979, lượng thóc Nhà nước thu mua cho bộ đội, cán bộ TPHCM chỉ còn một nửa. Đó là năm duy nhất trong lịch sử TPHCM phải ăn hạt bo bo vì không có gạo. Mà bo bo cũng do Liên Xô viện trợ.

“Cai sữa” còn kéo dài nhiều năm sau đó. Từ đây, nó dẫn đến việc vai trò của Nhà nước không còn như trước nữa, vì không có đủ hàng bán cho dân nên không thể bắt dân bán lúa giá rẻ được. “Xí nghiệp dệt mà không được cung cấp sợi, xí nghiệp sợi mà không được cung cấp bông, thì làm sao Nhà nước bắt các xí nghiệp đó phải nộp vải cho Nhà nước, để bán cho nhân dân? Muốn xí nghiệp sản xuất mà Nhà nước không cấp nguyên vật liệu thì xí nghiệp phải mua ngoài, và bán ngoài chứ không nộp cho Nhà nước”, Giáo sư Đặng Phong nói.

Đó cũng là lý do ra đời của hiện tượng “phá rào”, các xí nghiệp, địa phương tìm cách bung ra để sống còn.

“Phá rào”: chuyện ông Ba Hơn

Giáo sư Đặng Phong đã đi nhiều nơi, gặp nhiều nhân chứng lịch sử như “ông khoán hộ” Kim Ngọc ở Vĩnh Phúc và nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Văn Hơn (Ba Hơn) để lấy tư liệu viết sách. “Tôi chọn trong cuốn này 20 trường hợp “phá rào” trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp... tiêu biểu về thủ thuật phá rào ở Việt Nam, nghệ thuật làm thế nào vượt đèn đỏ, hoặc lợi dụng đèn vàng mà vượt ngã tư”, ông giải thích.

Thật ra, theo Giáo sư Đặng Phong, phải hiểu “phá rào” như những “mũi đột phá” đầy can đảm, những cuộc đấu trí gian khổ, trầy trật và rất sáng tạo mà các tập thể, cá nhân đã tiến hành để vượt qua những hàng rào quy chế lỗi thời. Nhưng cái “hàng rào” do con người dựng nên là gì, để rồi chính con người lại phải phá bỏ khi nhận ra nó không còn phù hợp?

Theo Giáo sư Đặng Phong, đó chính là các thể chế, nguyên tắc của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung được hình thành ở Liên Xô rồi nhanh chóng lan sang các nước trong khối XHCN. Ở Việt Nam, mô hình này xuất hiện ở miền Bắc vào đầu thập niên 1960. Nhưng khi ấy nó đã bộc lộ nhiều nhược điểm. Các phong trào “ba xây, ba chống”, “cải tiến quản lý hợp tác xã”… được phát động một thời, là để khắc phục nhược điểm của mô hình ấy.

Những cuộc phá rào đã giúp tháo gỡ nhiều nút thắt trong cuộc sống và sản xuất vào “đêm trước Đổi mới”. Một số nhà kinh tế thời đó đã đề xuất các sáng kiến mang tính đột phá như đa phương hóa xuất nhập khẩu, vận dụng quy luật giá trị trong việc hình thành giá thu mua. Có địa phương sớm nhận ra khiếm khuyết của mô hình HTX nông nghiệp nên chủ động áp dụng cơ chế khoán để tháo gỡ. Có nơi phải làm “lén lút” như trường hợp Kiến An, Hải Phòng năm 1962.

Một nguyên tắc chung mà Giáo sư Đặng Phong ghi nhận: những người đi đầu đều là anh hùng thời chiến đầy vẻ vang và “ngực đầy huy chương”, tức là có “áo chống đạn” mới dám làm. Vì nếu không chắc chắn sẽ thất bại. Do vậy, trong công cuộc “phá rào” của Việt Nam gần như hoàn toàn vắng bóng các nhà kinh tế.

Trong nông nghiệp có một trường hợp mà Giáo sư Đặng Phong tâm đắc là nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Văn Hơn. Ông đã dám làm một việc theo Giáo sư Đặng Phong là “tày đình” - giải tán các tập đoàn máy kéo. Đây là mô hình từ các trạm máy móc, máy kéo của Liên Xô, phục vụ các HTX, nông trường. Mô hình này tập hợp, trưng mua (thực chất là tịch thu) mọi loại sức kéo, máy móc của các chủ tư nhân để đưa vào tập đoàn máy kéo phục vụ các HTX. Giáo sư Đặng Phong cho biết, các máy kéo bị hư hỏng, gỉ sét, dầm mưa dãi nắng ở sân kho, hiệu quả sử dụng trong nông nghiệp kém. Nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế quản lý - tài sản tập thể nên “cha chung không ai khóc”.

Chuyện chiếm dụng công quỹ, sửa ít khai nhiều, ăn cắp thiết bị phụ tùng thường xuyên xảy ra khiến máy móc ngày càng xuống cấp. Đi kèm là sự nhũng nhiễu của thợ lái khi xuống làm đất cho các tập đoàn, tình trạng cày dối, bừa dối diễn ra phổ biến.

Đứng trước thực trạng ách tắc của các tập đoàn máy kéo, một số tỉnh như An Giang, Long An quyết định “phá rào”. Bí thư Tỉnh ủy Ba Hơn đã dựa vào quy chế tập thể hóa để phi tập thể hóa nhằm giải tán tập đoàn máy kéo. Trong văn bản thành lập các trạm máy kéo quy định máy móc đưa vào tập đoàn phải được xác định giá trị bằng tiền và ban lãnh đạo tập đoàn có trách nhiệm thanh toán cho các chủ máy theo giá do ủy ban vật giá tỉnh quy định, để máy trở thành tài sản tập thể. Các chủ máy có thể tham gia trong tập đoàn. Tuy nhiên, quy định chỉ trên giấy tờ, thực tế đa số các tập đoàn không có vốn nên không thanh toán được cho chủ máy.

Ông Ba Hơn biết chuyện này và ra lệnh “củng cố các tập đoàn máy kéo”. Trong đó, nêu lý do vì tình hình rất cần sức kéo nên phải huy động trạm máy kéo phục vụ tốt, nhưng để phục vụ tốt, tập đoàn phải thanh toán tiền cho các chủ cũ, để chủ cũ sửa sang máy móc. Tập đoàn nào chưa thanh toán được tiền thì tạm trả lại máy cho chủ cũ để kịp thời phục vụ nông nghiệp. Thế là xong. Chỉ thị là “củng cố các tập đoàn máy kéo” nhưng thực chất là xóa bỏ toàn bộ các tập đoàn máy kéo một cách đúng luật.

Thay cho lời kết

Trong cuốn sách “Phá rào”, Giáo sư Đặng Phong dùng những lời tri ân trang trọng nhất cho những người một thời từng đứng mũi chịu sào trong các cuộc phá rào. Một câu hỏi: Tại sao phải đột phá? Từ bối cảnh nền kinh tế Việt Nam những năm 1976-1986, Giáo sư Đặng Phong đi tìm lời giải từ chính những trường hợp phá rào mà ông đưa vào sách. Đó là khoán ở Vĩnh Phúc với ông Kim Ngọc, đột phá ở Nhà máy Dệt Nam Định và Nhà máy Thuốc lá Vĩnh Hội, là chuyện Long An “dám” bỏ tem phiếu để chuyển sang cơ chế một giá hay An Giang phá giá mua lúa và làm rung chuyển hệ thống “giá chỉ đạo”…

Kết quả của các cuộc phá rào trong công nghiệp là các xí nghiệp công nghiệp được quyền mua hàng hóa của nhau, chứ không phải chỉ có một nguồn mua duy nhất từ Nhà nước. Các xí nghiệp được vay ngoại tệ ở ngân hàng ngoại thương để tự nhập nguyên vật liệu về sản xuất và bán một phần ra thị trường.

Trong thương nghiệp, kết quả là mặt bằng giá được nâng lên và xuất hiện một loại giá sát với giá thị trường, gọi là giá thỏa thuận. Kết quả của “phá rào” trong xuất nhập khẩu là vào năm 1980, Nhà nước cho phép địa phương được quyền xuất nhập khẩu, trước đó chỉ trung ương mới có quyền. Trong nông nghiệp, cơ chế khoán được áp dụng trong toàn bộ hệ thống các HTX trên cả nước.

Giáo sư Đặng Phong rút ra một số bài học. Thứ nhất, ông cho rằng, quá trình đột phá, hay phá rào, ở nước ta bắt nguồn từ đòi hỏi của cuộc sống, là quá trình phản ánh cái logic của mối quan hệ từ thực tiễn đến tư duy, từ tư duy đến chính sách và theo nguyên tắc của Mạnh Tử “Dân vi quý, xã tắc thứ chi”.

Thứ hai, các cuộc đột phá đều nhận được sự đồng thuận rất cao từ các cấp lãnh đạo thực sự vì dân, vì nước. Trong điều hành kinh tế, cần phản ứng nhanh nhạy với cái mới, phải có các kênh thông tin và cơ chế đưa ra quyết sách tối ưu, tránh tình trạng tư duy và chính sách kinh tế trì trệ, lạc hậu khiến người ta phải phá rào để tìm đường đi.

Theo Giáo sư Đặng Phong, trên thế giới chưa ghi nhận trường hợp phá rào nào như ở Việt Nam, kể cả ở Trung Quốc hay Cuba. Do đó, Nhà nước cần làm sao để các hàng rào chính sách, cơ chế tự nó khuyến khích người dân, doanh nghiệp tuân thủ, làm giàu theo đúng luật chứ không phải “phá rào” để tự cởi trói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới