Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Một trần thuật trong mù sương

Nguyễn An Nam

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đến Tây Bắc, khi đứng trước một đại cảnh sương mù nhấm chìm những rẻo đường, phiên chợ, bản làng hay ngay cả những dãy núi hùng vĩ..., du khách từ các đô thị có thể có chung cảm nhận rằng phận người trong bức tranh đó thật nhỏ nhoi, nhạt mờ và thuộc về quên lãng. Tây Bắc trở đi trở lại trong ký ức những du khách là vậy.

Cũng có thể, chúng ta - những du khách, lờ mờ nhận thấy họ - những người Mông (H’Mông) trên các rẻo cao của miền sơn cước, đang sống trong miền thời gian và không gian khác, một “cảnh giới” khác. Họ có sinh hoạt và phong tục nằm bên ngoài những chi phối và quy phạm của xã hội toàn cầu hiện đại.

Tây Bắc đi vào văn học, âm nhạc, phim ảnh... thường mang sắc thái dị biệt qua các câu chuyện hiếu kỳ. Người ta vẫn thường thấy là theo cách này cách khác, cuộc sống của người nơi đây được tái tạo và phản ánh từ những “cái nhìn đến từ bên ngoài”, những kiểu “diễn dịch văn hóa”. Những chợ tình, tục kéo vợ, cướp vợ hay tục uống rượu ở chợ phiên..., mọi thứ vốn lạ lại thêm phần lạ hóa nhờ sự thêu dệt để đáp ứng các tiêu chí mà đa số chúng ta cần nơi những câu chuyện đường xa.

Nhưng có một cách kể khác về một câu chuyện quen

Phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (tựa tiếng Anh: Children of the Mist) của đạo diễn trẻ người Tày tên Hà Lệ Diễm cũng có thể chìm trong dòng diễn ngôn các phim về tục tảo hôn của đồng bào Tây Bắc, hoặc sa vào các thông điệp tuyên truyền như các phim truyền hình nặng tính giáo điều. Nhưng suốt 92 phút của bộ phim này đã không dễ bị nhấn chìm theo “những cái nhìn đến từ bên ngoài”, mà tác giả phim đã tự đặt mình vào trong đời sống một gia đình Mông ở Sapa để kể câu chuyện bước ngoặt trưởng thành của một bé gái Mông cùng những chọn lựa đầy mâu thuẫn của họ. Hà Lệ Diễm đã ở trong ngôi nhà của nhân vật và trở thành “người nhà” để đưa góc máy đi vào những chuyển biến trong đời sống tâm lý của nhân vật.

Với thủ pháp Varan (cách làm phim tài liệu đề cao sự chân thực, yếu tố tự nhiên), thì cái nhìn, tiếng nói của người làm phim được đặt trong khung cảnh không tô vẽ hay thêu dệt. Người xem không còn chờ đợi “sự lạ hóa” nữa mà sẵn lòng đón nhận một sự thực như đời sống vốn là. Một sự thật được kể lại một cách kiên trì và nhẫn nại từ chính người trong cuộc. Sự kiên trì nhẫn nại đó kéo dài hơn hai năm.

Di - cô bé 13 tuổi đang học năm cuối cấp ở một trường trung học cơ sở tại Sapa - là trung tâm câu chuyện. Cô bé có thể một mình lên rẫy phát cỏ, trồng ngô, nấu cám lợn giúp mẹ. Và như các bạn gái cùng lớp, cô có thể đưa ra một lý do ất ơ để vắng mặt trong lớp học. Cô có một tài khoản Facebook và có thể chat, gửi hình ảnh làm quen với các bạn trai cùng trang lứa trong vùng, kể cả “thả thính” và buồn bã khi thấy bạn trai Facebook cặp kè một bạn gái khác trong phiên chợ mùa xuân... Công nghệ đang phá tan những lớp sương mù hoang lạnh để trao những cơ hội bình đẳng cho những đứa trẻ miền núi.

Nhịp chuyển giá trị

Cha của Di, một người đàn ông luôn xuất hiện trước ống kính với tình trạng khướt rượu, lè nhè như nhiều người đàn ông Tây Bắc khác. Mẹ Di, một phụ nữ Mông luôn trong chiếc áo thun cũ có đề chữ “Du lịch Tây Bắc” (chiếc áo này có lẽ bà được một đoàn du khách nào đó tặng hoặc mua được ở một phiên chợ hàng xôn). Bà, từ một chuyến du xuân nào đó trong quá khứ, đã yên bề gia thất nhờ tục kéo vợ. Bà nhìn đứa con gái đầu lòng có chồng con cũng nhờ tục này. Và bây giờ, bà sẵn lòng cho đứa con gái thứ hai là Di đi du xuân để một gã trai làng nào đó kéo về làm vợ theo cái tục lệ quen thuộc ấy.

Đám trai làng Mông “choai choai” đến phiên chợ mùa xuân để chơi các trò dân gian, rồi nếu thích con gái, nó sẽ rủ rê và “kéo” về nhà mình ở lại, sau đó thì nói người làm mai mối và đưa cha mẹ sang “nhà gái” dạm hỏi, và bắt vợ.

Di - cô gái tuổi mới lớn có chút ham chơi và bắt đầu biết rung động - cũng được kéo đi như vậy. Và cô đã khóc trong cuộc điện thoại gọi cho mẹ từ nhà của bạn trai. Người mẹ chỉ có một kinh nghiệm tự vệ truyền cho con gái, đại ý “mày đừng có ngủ với thằng ấy mà hãy đòi ngủ với chị gái của nó”. Cũng là bà, trong vô vàn âu lo, bà phải dò la tung tích thằng bé họ Thào đã bắt con gái mình là ai, và vẫn không quên đặt ra một câu hỏi thường tình: “Nhà thằng ấy giàu có không?”.

Trong mỗi nhân vật đều có sự giằng xé giữa phong tục, lối nghĩ truyền thống với các chọn lựa mang tính hiện đại; giữa những luật tục hằn lên nếp sống với các can thiệp tư duy của xã hội văn minh. Rõ nét nhất là ở chàng thiếu niên đi bắt vợ có tên Thào A Vàng. A Vàng được học hành để biết mình cần phải “làm người tử tế”, để có lúc phản tư nói trước ống kính máy quay: “Hình như nước đi này có gì sai sai”. Nhưng lại cũng chính A Vàng gần như “nằm lì” ở nhà Di, muốn bắt Di về làm vợ.

Cảm giác “sai sai” khi hết thảy mọi người có thể soi chiếu sự việc dưới nhãn quan hiện đại, nhưng hấp lực của truyền thống và hủ tục lại cuốn họ vào một màn tranh đoạt con người, suýt chút nữa thì trở nên man rợ, khi những người lớn trong gia đình Thào A Vàng giằng kéo và khiêng cô gái 13 tuổi ra khỏi bậc cửa trong tiếng la hét phản kháng của cô bé. Những cú hất tay đập mạnh vào ống kính máy quay tạo cảm giác của một trận xô đạp dữ dội.

Chính quyền, công an, giáo viên... đã xuất hiện. Họ không can dự vào truyền thống nhưng “tuyên truyền vận động” để mong có thể thay đổi cách nhìn của người trong cuộc. Họ hiểu câu “phép vua thua lệ làng” khi chạm vào điểm tế nhị của luật tục.

Nhưng chính Di đã thắng lực trì kéo của truyền thống. Cô muốn tiếp tục đi học, chỉ với một mục đích: thoát nghèo! Thật đơn giản, khuôn mặt cô bé rạng rỡ trước ống kính máy quay khi nói về tương lai: “Di muốn làm ra thật nhiều tiền”.

Một trong những cảnh cuối của bộ phim là một đại cảnh sương mù phủ vây núi đồi Phanxipăng thơ mộng và tráng lệ, đã và sẽ làm say lòng bao du khách đến với Tây Bắc. Nhưng cũng trong cái mịt mùng đó có cô gái Mông ngồi trên một tảng đá nhìn xuống con vực. Cô không mặc trên mình bộ thổ cẩm sặc sỡ mà trong bộ trang phục hiện đại như những bạn bè trang lứa ở các đô thị văn minh, khoác áo đồng phục của trường trung học, chân mang đôi giày thể thao mới tinh. Cô trở về căn nhà của mình trong một mùa xuân vắng lặng.

Hình ảnh đó phải chăng là một chọn lựa, một mong muốn lạc quan khi nhà làm phim khéo léo đặt vào nhân vật một ý niệm về nữ quyền, xa hơn là nhân quyền, và gửi đi một mong muốn chính đáng: cá nhân cô gái, chứ không phải ai khác hay một luật tục bảo thủ nào, quyết định cuộc đời cô.

Câu chuyện của Di có thể là một điển cứu, xét về khía cạnh dân tộc học. Và nếu cũng nhìn ở góc độ dân tộc học, người làm phim trong vai nhà du khảo đã tìm ra một cách ghi chép chân thực để truyền tải một chuyện phim có thông điệp xã hội mạnh mẽ.

Đoạt nhiều giải thưởng quốc tế, trong đó có giải “Phim tài liệu quốc tế xuất sắc nhất” tại Liên hoan phim DocAviv, giải “Đạo diễn xuất sắc” tại Liên hoan phim tài liệu Amsterdam 2021, và mới đây đứng vào top 15 phim tài liệu xuất sắc nhất của giải Oscar 2023 là những gì xứng đáng cho một cách làm phim dấn thân, một lối kể chuyện từ bên trong đầy tính thuyết phục của một nhà làm phim trẻ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới