Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Những lễ hội văn hóa đặc sắc trong tháng Giêng

T.Đào

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau Tết, nhiều hoạt động lễ hội truyền thống, du xuân khác nhau sẽ còn được diễn ra. Hình thức tổ chức và nội dung các lễ hội đan xen giữa tín ngưỡng dân gian, thờ thần hoàng làng, tín ngưỡng phồn thực… Sau đây là một vài lễ hội nổi bật trên phạm vi cả nước diễn ra trong tháng Giêng.

Lễ hội Chùa Hương đang diễn ra và kết thúc vào cuối tháng 3 Âm lịch

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội văn hóa có thời gian kéo dài nhất ở nước ta. Hoạt động này tổ chức tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Theo thông tin từ TTXVN, phần lễ tại chùa Hương thể hiện sự tín ngưỡng Phật giáo của người Việt. Ngoài cầu bình an cho năm mới, du khách còn được ngồi thuyền, ngắm cảnh sông núi với động Hương Tích, Hinh Bồng, chùa Thiên Trù, Thanh Sơn, Tuyết Sơn…

Lễ hội Cổ Loa kéo dài đến 16 tháng Giêng

Lễ hội Cổ Loa nhằm tưởng nhớ đến vua Thục Phán và được tổ chức đến 16 tháng Giêng. Ảnh: Vương Lộc

Lễ hội Cổ Loa (hay còn gọi là Hội đền An Dương Vương), diễn ra ở làng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội. Lễ hội nhằm tưởng nhớ đến vua Thục Phán có công dựng nước Âu Lạc, xây thành Cổ Loa. Sự kiện có sự tham gia của 8 làng gồm Cổ Loa, Mạch Tràng, Cầu Cả, Săn Giả, Thư Cưu, Đài Bi, Văn Thượng, Ngoại Sát (nay thuộc 3 xã Cổ Loa, Uy Nỗ và Xuân Canh).

Hội có nhiều hoạt động vui chơi như đấu vật, kéo co, leo dây, đánh đu, múa võ, đấu cờ người, chọi gà. Buổi tối, hội tổ chức hát tuồng, ca trù, hát chèo…

Lễ hội Yên Tử diễn ra từ mùng 10 tháng Giêng đến cuối tháng 3 Âm lịch

Tại lễ hội Yên Tử, du khách sẽ được chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm, thăm khu di tích lịch sử Yên Tử, thắng cảnh nổi tiếng thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

Hội xuân truyền thống được tổ chức với nhiều hoạt động như lễ dâng hương cúng Phật, bái Tổ Trúc Lâm, văn nghệ diễn xướng tái hiện sự tích lịch sử, văn hóa tâm linh, những huyền thoại về Tam Tổ Thiền phái Trúc Lâm, lễ khai ấn “Dấu thiêng chùa Đồng” và các hoạt động văn hóa dân gian, múa lân, võ thuật cổ truyền…

Hội Lim diễn ra ngày 13 tháng Giêng

Hội Lim được coi là nét kết tinh của vùng văn hóa Kinh Bắc với những hoạt động lễ và hội gắn với những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của hầu hết lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh.

Đây là dịp để các Liền anh, Liền chị có cơ hội được giao lưu, hát giao duyên, thể hiện giọng ca và truyền thống quan họ ở Bắc Ninh.

Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước với nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng như tục hát thờ hậu. Lễ hội cũng tổ chức nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm…

Hội đền Hùng tổ chức từ mùng 9 đến 13-3 Âm lịch

Lễ hội đền Hùng (hay còn gọi là Giỗ tổ Hùng Vương) được tổ chức chính vào ngày 10-3 Âm lịch. Hoạt động với các nghi thức rước bánh chưng – bánh giày tại đền Hùng (Hy Cương, Phong Châu, Phú Thọ). Trước đó, lễ hội diễn ra với những phong tục như đánh trống đồng của dân tộc Mường, hành hương tưởng niệm các vua Hùng.

Ngoài phần lễ, phần hội của sự kiện còn tổ chức với nhiều trò chơi dân gian như đấu vật, ca trù… Ảnh: Vương Lộc

Ngoài ra, khu vực miền Bắc còn rất nhiều lễ hội khác như Hội Xoan (từ ngày mùng 7 đến mùng 10 tháng Giêng tại làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ), Lễ hội đền Trần (từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng tại đền Trần, thành phố Nam Định), Lễ hội Bà chúa Kho (từ ngày 14 đến hết tháng Giêng tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh), Hội chùa Thầy (từ mùng 5 đến ngày 7-3 Âm lịch tại Chùa Thầy, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội)…

Khu vực miền Trung và miền Nam cũng diễn ra nhiều hoạt động, lễ hội như:

Hội vật làng Sình (Huế) diễn ra vào mùng 9 và 10 tháng Giêng

Lễ hội được tổ chức ở Huế, không chỉ mang yếu tố tâm linh truyền thống mà còn là một hoạt động thể hiện tinh thần thượng võ, lòng dũng cảm, sự tự tin, mưu trí.

Lễ hội Cầu Ngư (các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ) diễn ra trong tháng Giêng

Lễ hội Cầu Ngư (hay còn gọi là Lễ hội Cá Ông) sẽ tái hiện lại phong tục truyền thống thờ cúng Cá Ông theo những truyền thuyết mang nét văn hóa dân gian. Vào tháng Giêng hàng năm, lễ hội sẽ được ngư dân tổ chức với mong muốn cầu cho một vùng trời yên bể lặng, tôm cá đầy khoang.

Lễ hội đền Bà Đen (Tây Ninh) tổ chức từ mùng 10 đến rằm tháng Giêng

Lễ hội đền Bà Đen (hay còn gọi là lễ hội đền Linh Sơn Thánh Mẫu) là một trong những lễ hội đông vui nhất phương Nam. Hàng năm, lễ hội này thường có hàng triệu du khách từ TPHCM và các tỉnh khác ở Nam Bộ đến hành hương, lễ bái.

Trong đó, du khách có thể lưu lại chùa vài ngày, thưởng thức cơm chay, tham quan ở đỉnh núi với độ cao 380 mét, nơi có Miếu Sơn Thần để ngắm mây vờn quanh chân và tận hưởng phong cảnh hùng vĩ của Núi Bà.

Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) từ đêm 23 đến 27-4 Âm lịch

Đây là một trong những lễ hội lớn nhất miền Tây Nam Bộ, được tổ chức tại Miếu Bà Chúa Xứ ở phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An giang.

Lễ hội Bà Chúa Xứ bao gồm năm lễ là Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ xây chầu, Lễ Chánh tế.

Lễ hội miếu Bà Thiên Hậu (Bình Dương)  diễn ra từ 13 đến 15 tháng Giêng

Đây là lễ hội dân gian mang nét văn hoá độc đáo riêng của vùng Ðông Nam Bộ. Cụ thể, tối 13-1 Âm lịch, người dân ở thị xã Thủ Dầu Một bày bàn ra trước nhà để cúng tế, chuẩn bị cho lễ rước Bà. Sáng 14 tháng Giêng, lễ rước Bà được tổ chức theo nghi thức cổ truyền là kiệu Bà được rước đi khắp các đường phố cùng với những đội múa lân, sư tử, rồng. Trong ngày hôm sau, người dân lại về chùa Bà để thắp hương cúng lễ, cầu phúc, cầu lộc cho năm mới. Đây được xem là lễ hội Bà lớn nhất trong số các lễ hội sau Tết ở miền Nam.

Lễ hội Vía Bà (Bình Định) tổ chức từ ngày 17 tháng Giêng

Lễ Vía Bà hằng năm được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng tại Miếu Bà, thuộc thôn Liêm Định, xã Nhơn Phong, thị xã An Nhơn (Bình Định).

Đặc biệt, phần hội diễn ra với sự đóng góp của câu lạc bộ võ cổ truyền cùng các màn biểu diễn võ thuật, biểu diễn lân sư rồng, các trò chơi dân gian chạy việt dã, đập ấm, đẩy gậy, kéo co, hát tuồng…

Được biết, năm 2021, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định về đề án số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Trong đó, giai đoạn từ năm 2023-2025, các đơn vị liên quan sẽ tiến hành số hóa và xây dựng cơ sở dữ liệu về lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; hoàn thiện phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu và cổng thông tin về lễ hội của Việt Nam; đào tạo tập huấn khai thác sử dụng phần mềm. Mục tiêu của đề án là số hóa hết dữ liệu các loại hình lễ hội truyền thống…

Vào tháng 12 vừa qua, Bộ cũng đã ban hành công văn về việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch mừng xuân Quý Mão 2023. Nội dung công văn nêu rõ các địa phương cần thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, đảm bảo các hoạt động lễ hội, vui xuân, kỷ niệm ngày truyền thống… an toàn, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục, tập quán của từng địa phương.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới