Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Một tuần ‘đi tàu lượn’ của chứng khoán toàn cầu

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa trải qua một ‘chuyến tàu lượn’, bị bán tháo mạnh vào đầu tuần nhưng đến cuối tuần thì phục hồi gần như tất cả mất mát.

Dữ liệu việc làm gây vọng của Mỹ trong tháng 7 đã làm dấy lên nỗi lo nền kinh tế lớn nhất thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, khiến nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã bình tâm hơn khi đón nhận thông tin về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần mới nhất ở Mỹ ít hơn dự kiến.

Một nhà giao dịch theo dõi bảng điện ở Sàn giao dịch chứng khoán New York trong phiên giao dịch bán tháo hôm 5-8. Ảnh: AP

Chốt phiên giao dịch hôm 9-8, Phố Wall tăng điểm, giúp phục hồi phần lớn mất mát của nhà đầu tư trong một tuần giao dịch đầy biến động, với những phiên giao dịch tồi tệ nhất và thăng hoa nhất trong gần 2 năm.

Hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cùng tăng 0,5% trong phiên giao dịch cuối tuần, trở lại mức điểm gần bằng so với cuối tuần trước.

Mức tăng trong phiên giao dịch hôm thứ Sáu đưa điểm số của S&P 500 lên mức cao hơn 4% so với mức thấp nhất trong phiên giao dịch hoảng loạn hôm 5-8. Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trong phiên giao dịch đầu tuần do lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế Mỹ sau khi đón nhận báo cáo việc làm ảm đạm trong tháng 7, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,3% và số việc làm mới thấp hơn dự kiến.

Dù phục hồi phần lớn mức giảm hôm 5-8 nhưng các chỉ số này vẫn thấp hơn mức điểm trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 7 vào hôm 2-8. S&P 500 và Nasdaq Composite cần tăng thêm lần lượt 2% và 2,7% để trở về mức điểm khi khi đợt bán tháo bắt đầu.

“Thị trường chưa hoàn toàn thoát khỏi khó khăn”, Beata Manthey, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn cổ phần châu Âu của ngân hàng Citigroup nói.

Những tín hiệu tốt hơn về sức khỏe của thị trường lao động Mỹ đã thúc đẩy sự phục hồi của Phố Wall trong hai ngày qua.

Hôm 8-8, Bộ Lao động Mỹ cho biết, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp, phản ánh mức độ cắt giảm việc làm, giảm nhanh hơn dự kiến. Trong tuần kết thúc hôm 3-8, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ giảm xuống  233.000 so với 250.000 vào tuần trước đó. Con số này thấp hơn mức dự báo 240.000 của các nhà kinh tế.

Chứng khoán châu Âu cũng tăng điểm trong phiên 9-8, với chỉ số Stoxx Europe 600 (theo dõi cổ phiếu của 600 công ty có vốn hóa lớn tiêu biểu ở châu Âu) tăng 0,6%. Chỉ số Cac 40 của Pháp tăng 0,3%, trong khi Dax của Đức tăng 0,2% và FTSE 100 của Anh tăng 0,3%. Chỉ số Stoxx Europe 600 đang có điểm số cao hơn một chút so với cuối tuần trước.

Chứng khoán châu Á cũng phục hồi, với chỉ số Topix của Nhật Bản đóng cửa cao hơn 1%, trong khi chỉ số Kospi của Hàn Quốc và Hang Seng của Hồng Kông tăng 1,2%.

Chứng khoán Nhật Bản chứng kiến làn sóng bán tháo mạnh nhất hôm 5-8, với chỉ số Topix giảm 12%. Chỉ số này phục hồi hôm sau đó, tăng mạnh nhất trong một ngày kể từ năm 2008. Tính đến hôm 9-8, chỉ số Topix đang ở mức điểm thấp hơn 3% so với thời điểm đóng cửa một tuần trước đó.

Naoya Fuji, nhà chiến lược cổ phiếu của Nomura Securities, nhận định thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ tiếp tục biến động. Tuy nhiên, thu nhập doanh nghiệp mạnh mẽ, hoạt động mua lại cổ phiếu và quản trị doanh nghiệp tốt hơn đã giúp thị trường Nhật Bản phục hồi sau cú sốc bán tháo hôm 5-8.

Chỉ số S&P 500 của thị trường chứng khoán Mỹ tăng  0,5% trong phiên 9-8, phục hồi gần như tất cả mất mát trong phiên 5-8. Ảnh: Financial Times

“Báo cáo không tốt về tình trạng việc làm của Mỹ vào tuần trước khiến thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc. Vì vậy, thị trường bình ổn nhờ dữ liệu tốt hơn dự kiến về số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ cũng là điều hợp lý”, Kristina Hooper, giám đốc chiến lược thị trường toàn cầu của Công ty quản lý tài sản Invesco nói.

Giờ đây, nhà đầu tư chuyển hướng chú ý sang hai báo cáo dữ liệu kinh tế khác của Mỹ vào tuần tới. Đó là báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7, công bố hôm 14-8 và báo doanh số bán lẻ tháng 7 một ngày sau đó. Các nhà kinh tế dự báo, CPI tháng 7 sẽ tăng 0,2% so với tháng trước, đảo ngược mức giảm 0,1% trong tháng 6. Doanh số bán lẻ tháng 7 dự kiến tăng 0,4% sau khi đứng im trong tháng 6.

“Mối lo ngại chính của thị trường tài chính vẫn là nguy cơ thắt chặt đáng kể các điều kiện tài chính, có thể khiến khu vực tư nhân tăng tốc sa thải nhân sự”, Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng của hãng kiểm toán EY nói.

Mark Haefele, giám đốc đầu tư của UBS Global Wealth Management nhận xét, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm đã giúp làm vơi bớt nỗi lo suy thoái.

“Thị trường đang chú ý đến dữ liệu lạm phát và doanh số bán lẻ sắp tới (của Mỹ), có thể dẫn đến biến động mạnh trong tương lai”, ông nói thêm.

Theo Financial Times, AFP

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới