Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

MSB đạt chuẩn Basel II trước thời hạn: Chuyển hóa để khởi sắc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

MSB đạt chuẩn Basel II trước thời hạn: Chuyển hóa để khởi sắc

Theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam (MSB) trở thành một trong số ít những ngân hàng thương mại thực hiện Thông tư 41 về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (tuân thủ theo Basel II) trước thời hạn. Đây là một quá trình chuyển hóa tại MSB, để bắt đầu bước vào giai đoạn khởi sắc trong hoạt động.

Ông Huỳnh Bửu Quang – Tổng giám đốc MSB cho biết, ngay từ cuối năm 2018, MSB đã gửi hồ sơ về Ngân hàng Nhà nước đăng ký áp dụng Thông tư 41 trước thời hạn một năm. Hội đồng thẩm định của Ngân hàng Nhà nước rà soát, đưa ra các yêu cầu và MSB đã giải trình, đáp ứng đầy đủ.

MSB đạt chuẩn Basel II trước thời hạn: Chuyển hóa để khởi sắc
Ông Huỳnh Bửu Quang – Tổng Giám đốc MSB

Thưa ông, như vậy, có thể hiểu MSB đã sớm chủ động với việc đáp ứng Basel II – một chuẩn mực vẫn còn nhiều thách thức với nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam?

Nhìn lại trước đây, từ năm 2014, MSB đã được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là một trong 10 ngân hàng đầu tiên thí điểm Basel II. Khi được chọn, chúng tôi đã chủ động chuẩn bị nguồn lực, đầu năm 2015 đã thành lập ban chỉ đạo đề án Basel II, Chủ tịch Hội đồng Quản trị trực tiếp đứng đầu để triển khai.

Khi đó, Basel II là thách thức với thị trường Việt Nam, vì nó còn khá mới. Ngay cả những khái niệm cụ thể trong đó vẫn còn rất mới, cho đến những yêu cầu về thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu,…

Chúng tôi ý thức rất rõ những thách thức lúc đó. MSB không đi theo con đường tư vấn, mà tự nỗ lực chủ động cả quá trình. Bản thân tôi từng trải qua giai đoạn triển khai Basel II với HSBC tại Hồng Kong, khi làm công tác quản trị rủi ro. MSB có đội ngũ mạnh, rất chủ động tìm tòi học hỏi.

Đến 2016 thì MSB đã triển khai thành công hệ thống tự động tính toán trên nền cơ sở dữ liệu, dự án này đòi hỏi sự đầu tư về công nghệ rất nhiều. Sau khi đã triển khai được hệ thống tự động tính toán, thì bắt đầu kiểm toán số liệu từ 2017 để đảm bảo tính chính xác.

Và từ khi Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 41, MSB luôn định kỳ rà soát, đánh giá sự tương thích từ thực tiễn của mình với yêu cầu đặt ra trong thông tư đó; từ đó có lộ trình "lắp ráp từng mảnh ghép yêu cầu" lại với nhau cho khớp.

Chúng tôi đi bài bản như vậy, nên đến quý 3-2018, gần như đạt chuẩn, và cuối 2018, MSB nộp hồ sơ lên Ngân hàng Nhà nước. Từ quí 2-2018, MSB đã thực hiện thí điểm nội bộ Basel II song song với chuẩn mực hiện hành để xem tỷ lệ an toàn vốn của mình như thế nào.

Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) như ông nói cũng đang là một trong những thử thách về yêu cầu đủ vốn khi áp dụng Basel II?

Đúng vậy. Ngoài các phương pháp, quy trình, nền tảng đáp ứng Basel II đòi hỏi năng lực đủ vốn của các ngân hàng thương mại.

MSB có lợi thế, do chính sách quản trị rủi ro luôn duy trì một bảng cân đối có độ thanh khoản cao và cơ cấu vốn rất mạnh. Bộ đệm về vốn mạnh, nên khi áp từ Basel I sang Basel II, tỷ lệ CAR giảm xuống nhưng vẫn vượt trên yêu cầu của chuẩn Basel II đưa ra, tại MSB đạt trên 9% trong khi yêu cầu là 8%.

Đạt chuẩn Basel II đồng nghĩa với việc MSB được công nhận là ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và minh bạch theo chuẩn quốc tế.

Nhưng một tỷ lệ CAR cao thì hiệu quả sử dụng vốn có phần hạn chế đi?

Đương nhiên đó là bài toán mình phải cân đối giữa các mục tiêu khác nhau. MSB tập trung vào những cơ cấu tài sản có hệ số rủi ro thấp hơn, đảm bảo cho tính an toàn hoạt động của ngân hàng nhưng vẫn tạo hiệu quả hợp lý.

Như trên, từ năm 2015, với "khẩu vị rủi ro" đó, có phải vì chuẩn bị cho Basel II mà MSB chủ động chùng xuống về kết quả kinh doanh, so với một số ngân hàng thương mại tương đồng khác?

Cũng không phải là chùng xuống, mà giai đoạn đó thể hiện thay đổi chiến lược của MSB. Đó là giai đoạn ngân hàng chuyển đổi chiến lược và phải mất một thời gian để có những kết quả mà bên ngoài nhìn thấy được. Nó phải chuyển hóa từ bên trong ra bên ngoài.

Trước đây MSB tập trung nhiều cho mảng bán sỉ, nhưng từ 2015 trở đi, bắt đầu tập trung cho bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung vào ngân hàng giao dịch. Khi tập trung vào những phân khúc mới đó thì tăng trưởng ban đầu chậm, vì mình đi lượm bạc cắc, với những khách hàng nhỏ nhỏ, chứ không theo đuổi những khoản vay lớn hàng trăm nghìn tỉ đồng.

Trong nội bộ MSB nhận thấy sự chuyển hóa rất rõ về hoạt động, nhưng đối với bên ngoài thì phải đến một quy mô nhất định mới thấy rõ được.

Trong bốn năm qua MSB cũng đầu tư nhiều cho hoạt động, đặc biệt về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ. Đó cũng là giai đoạn chuyển hóa.

Thứ ba là trong giai đoạn vừa qua ngân hàng cũng tập trung nhiều cho xử lý nợ xấu, tăng cường trích lập dự phòng và có ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận.

Cho đến cuối 2018, MSB bước vào giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ về bán lẻ, về khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô bắt đầu tương đối lớn. Ban đầu chuyển đổi chiến lược nên sẽ chậm hơn, nhưng giờ có cơ sở và nền tảng rồi thì tăng trưởng thể hiện rõ, có cộng hưởng giữa nền khách hàng tích lũy giai đoạn đó với khách hàng phát triển mới.

Các hệ thống công nghệ tập trung đầu tư thời gian qua, giờ đưa vào triển khai cũng bắt đầu phát huy tác dụng. Trong hoạt động xử lý nợ xấu, đặc biệt trong 2018, MSB đã xử lý được nhiều khoản, nhất là sau khi có Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng giúp đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng nói chung.

Thời gian qua MSB cũng đã tập trung nâng cao tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ, xây dựng và phát triển thương hiệu, nhờ đó, chất lượng dịch vụ tăng lên và tỷ lệ hài lòng của khách hàng tăng lên, họ giới thiệu thêm nhiều khách hàng mới. Việc nhận diện thương hiệu cũng tăng lên rõ rệt, nhất là tại địa bàn TPHCM và khu vực phía Nam.

Những thay đổi có sự tổng hòa, thúc đẩy của nhiều yếu tố, giúp hoạt động của MSB khởi sắc, thăng hoa. Cũng giống như chúng ta trồng cây, sau quá trình rút ngắn độ trễ thì đến mùa cho quả ngọt vậy.

Với ngân hàng là vậy, nhưng với khách hàng và đối tác thì Basel II mang lại những lợi ích gì, thưa ông?

Basel II là một chuẩn mực, chứng nhận đảm bảo một tổ chức tín dụng hoạt động với một tỷ lệ an toàn vốn đáp ứng chuẩn mực quốc tế. Như vậy uy tín của tổ chức đó tăng lên. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, họ đặc biệt quan tâm đến điểm này, vì đó là mức độ và cấp độ tuân thủ trong hoạt động. Và đó là niềm tin.

Với khách hàng cá nhân, niềm tin đó cũng khẳng định khi họ giao dịch với một ngân hàng thực hiện và đảm bảo tốt chuẩn mực an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, hoạt động quản trị rủi ro theo chuẩn mực Base II trên thực tế đã mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng. MSB đã phát triển mô hình quản trị rủi ro dựa trên phân tích nâng cao từ cơ sở dữ liệu lớn, giúp ngân hàng đưa ra quyết định chủ động; khách hàng được phản hồi kịp thời, nhanh chóng. Có thể thấy rõ điều đó khi từ cuối năm 2018, MSB đã tiên phong và triển khai thành công giai đoạn đầu việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào việc tìm kiếm và đánh giá khách hàng tiềm năng cho sản phẩm thẻ tín dụng mang lại nhiều tiện ích và trải nghiệm tốt cho khách hàng.

Ở đây, áp dụng Basel II là một điểm cộng về uy tín và niềm tin.

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng. Hiệp ước về vốn Basel II được trình bày như một tập hợp các quy định được đề xuất mà có thể sẽ mang đến một loạt các thách thức về tuân thủ cho các ngân hàng trên thế giới.

 

Mời xem thêm:

MSB muốn tìm nhà đầu tư nước ngoài lớn và mở rộng hoạt động sang châu Âu

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới