Thứ Tư, 2/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

MSVC giúp sản xuất lúa tiết kiệm 40% lượng nước và 15% lượng phân bón

Trung Chánh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Tham gia dự án “Chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường (MSVC)” đã giúp hoạt động sản xuất lúa gạo của nông dân tiết kiệm được 40% lượng nước và 15% lượng phân bón N-P-K (đạm- lân- kali) sử dụng – theo thông tin từ hội thảo tổng kết về dự án này.

Sản xuất lúa tiết kiệm 40% lượng nước và 15% lượng phân bón nhờ tham gia MSVC – Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Ban tổ chức hội thảo “Tổng kết dự án chuỗi giá trị lúa gạo cho nông hộ nhỏ theo định hướng thị trường – sáng kiến phát triển sản xuất lúa gạo khu vực châu Á – giai đoạn 2” diễn ra ở thành phố Cần Thơ hôm nay 21-9 cho biết thông qua dự án nêu trên đã có 150.000 tấn lúa đạt tiêu chuẩn quốc tế được sản xuất, góp phần thúc đẩy xuất khẩu gạo Việt Nam tới các thị trường lớn trên thế giới như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU).

Theo Ban tổ chức, các nông hộ nhỏ tham gia dự án đã ghi nhận điểm đánh giá tăng hơn 50% theo tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP- Sustainable Rice Platform). Đây là bộ tiêu chuẩn gồm 46 tiêu chí được đo lường theo nhiều chỉ số khác nhau, trong đó chú trọng đến các yếu tố về kinh tế, xã hội và môi trường.

Cụ thể, đối với yếu tố về kinh tế, phải đảm bảo được năng suất và giá thành, trong khi yếu tố môi trường thì chú trọng kiểm soát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phù hợp. Còn với yếu tố xã hội, bộ tiêu chí này tập trung đảm bảo các vấn đề như an toàn thực phẩm, an toàn sức khoẻ cho người lao động…

Cũng theo Ban tổ chức, một số nông dân tham gia mô hình trình diễn của dự án MSVC đã giảm tới 40% lượng nước sử dụng và 15% lượng phân bón N-P-K khi chuyển từ tưới ngập liên tục theo phương pháp truyền thống sang kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ và tưới nhỏ giọt.

Ông Mohit Agarwal, Tổng giám đốc Olam Agri Việt Nam – đơn vị đã đưa ra sáng kiến MSVC – cho biết có được thành công trên là nhờ việc thực hành canh tác bền vững của người nông dân và sự hỗ trợ của các đơn vị, địa phương liên quan.

Ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng những thành công và bài học từ dự án sẽ góp phần hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình chỉ đạo, xây dựng và điều chỉnh chính sách để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trong cả nước.

Ông German Mueller, Quản lý dự án MSVC của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), kỳ vọng chuỗi giá trị lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long sẽ tiếp tục nhân rộng canh tác theo tiêu chuẩn SRP, hướng tới mục đích cung cấp gạo chất lượng cao cho người tiêu dùng và tăng thêm giá trị từ việc sản xuất lúa gạo.

MSVC là một sáng kiến của Olam Agri Việt Nam, GIZ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam. MSVC được triển khai từ 2018 đến 2022 tại bốn địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long là An Giang, Đồng Tháp,  Bạc Liêu và Cần Thơ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới