Thứ hai, 28/04/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mũ bảo hiểm dỏm vẫn cứ tràn lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mũ bảo hiểm dỏm vẫn cứ tràn lan

N.Anh - M.Tâm

Mũ bảo hiểm dỏm vẫn cứ tràn lan
Mũ bảo hiểm làm bằng nhựa tái chế bị lực lượng chức năng phát hiện. Ảnh: N.Ánh

(TBKTSG Online) – Chỉ mất hai phút để lắp ráp xong một chiếc nón bảo hiểm với các bộ phận rời kém chất lượng, bán ra thị trường dễ dàng, thu được lợi nhuận lớn… Trong khi đó, công tác quản lý, xử phạt nón bảo hiểm dỏm lại còn nhiều điều bất hợp lý. Thực tế này gây khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

Đó là những thông tin được đưa ra tại buổi trao đổi về chất lượng mũ bảo hiểm do  Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Công ty nhựa Chí Thành V.N tổ chức ngày 27-9 tại TPHCM.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho hay, những chiếc nón bảo hiểm bán ngoài vỉa hè với giá 30.000 đồng được các cơ sở sản xuất theo kiểu mua các bộ phận riêng lẻ như gáo, dây, xốp về lắp ráp. Chỉ trong vòng hai phút, một chiếc nón bảo hiểm đã được ráp xong. Mỗi ngày, mỗi cơ sở sản xuất không phép này có thể cho ra lò một số lượng lớn mũ bảo hiểm. Các vật liệu dùng để sản xuất mũ bảo hiểm này đều không đạt chất lượng: gáo bằng nhựa tái chế, giòn, dễ vỡ, mũ chỉ có một lớp nhựa và một lớp xốp…

Theo ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật  Tiêu chuẩn  Đo lường  Chất lượng 3 (Quatest 3), trong 2 năm qua không có lô mũ bảo hiểm từ nước ngoài nào được nhập khẩu nên có thể nói thị trường mũ hảo hiểm hiện nay là do doanh nghiệp trong nước nắm giữ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lại phải cạnh tranh gay gắt với mũ bảo hiểm dỏm, không đảm bảo chất lượng từ các cơ sở sản xuất chui. Hàng loạt doanh nghiệp theo đó đã ngưng sản xuất. Đến nay, hiện chỉ còn khoảng 15 doanh nghiệp sản xuất duy trì được chất lượng.

Ông Lưu Song Hùng, Giám đốc Công ty Chí Thành V.N cho biết, bản thân hoạt động sản xuất kinh doanh của Chí Thành đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng mũ bảo hiểm kém chất lượng được bày bán tràn lan như hiện nay. Theo ông Hùng, sản lượng năm 2010 của Chí Thành đã giảm xuống mức bằng 30% của năm 2009, số lao động từ mức 800 người cũng đã phải cắt giảm xuống còn 250 - 300 người.

Tuy nhiên, việc quản lý, xử phạt nón bảo hiểm kém chất lượng đến nay vẫn chưa thể thực hiện tốt do vướng quy định, hạn chế về nhân lực. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho hay, các cơ sở sản xuất nón bảo hiểm thường xuyên thay đổi địa điểm để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Nhiều loại mũ bảo hiểm biết là vi phạm quy định nhưng không thể bắt được. Ví dụ mũ bảo hiểm thời trang, người sản xuất thường lách bằng cách ghi trên bao bì sản phẩm mũ dành cho người đi bộ, cho người đánh gôn, đi xe đạp… nên cơ quan chức năng đành chịu. Với các điểm bán mũ bảo hiểm kém chất lượng trên các vỉa hè, lề đường, lực lượng quản lý thị trường thường khó bắt phạt bởi không đủ lực lượng và đây cũng là trách nhiệm của chính quyền phường, xã.

Chưa hết, việc xử phạt đối với trường hợp hàng không đạt chất lượng theo quy định vẫn còn bất hợp lý. Theo quy định, đối với hàng trong nước không đạt chất lượng khi bị phát hiện sẽ được trả về nơi sản xuất để tái chế, không được tiêu hủy. Nếu bắt ở các công ty sản xuất, việc trả lại (sau khi đã tạm giữ trong lúc chờ kết quả kiểm tra chất lượng) là có thể thực hiện được. Tuy nhiên, nếu bắt hàng dỏm tại các cửa hàng thì khó có thể biết nguồn gốc xuất xứ thực sự của sản phẩm cũng như không thể chắc chắn hàng này có được tái chế hay không do không thể giám sát.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới