Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mũ bảo hiểm và chuyện còn lại

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mũ bảo hiểm và chuyện còn lại

(TBKTSG) – Không phải ngẫu nhiên mà hai bản thông cáo mới đây của hai tổ chức quốc tế về tình hình đội mũ bảo hiểm ở Việt Nam đều cảnh báo rằng các quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đang bỏ sót một đối tượng quan trọng là trẻ em.

Báo cáo của chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng lần thứ nhất do Nhóm khuyến khích đội mũ bảo hiểm Việt Nam (VHWC) – mô hình kết hợp giữa các tổ chức và doanh nghiệp quốc tế thúc đẩy việc đội mũ bảo hiểm do Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) khởi xướng – thực hiện hai năm qua cho biết các bậc phụ huynh “nói không” còn nhiều hơn so với người chưa lập gia đình trước câu hỏi: “Liệu trẻ em ở mọi lứa tuổi có nên đội mũ bảo hiểm?”. Theo nghiên cứu của VHWC, nguyên nhân chính khiến các bậc cha mẹ không đội mũ bảo hiểm cho con khi đi xe gắn máy xuất phát từ những thông tin không chính xác, chẳng hạn, đội mũ gây thương tích cho vùng cổ của trẻ.

Tiến sĩ Jean-Marc Olivé, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, khẳng định không có bằng chứng khoa học nào cho thấy đội mũ bảo hiểm gây ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của trẻ. Ông nhấn mạnh, luật pháp phải thể hiện tính nghiêm minh, không có bất cứ ngoại lệ nào, nên trẻ em cũng phải đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định.

Câu chuyện trẻ em và mũ bảo hiểm đã làm nảy sinh không ít băn khoăn về Nghị quyết 32. Thực tế quy định trẻ em dưới 16 tuổi không bị phạt vi phạm hành chính bằng tiền, và không có chế tài áp dụng đối với người lớn chở trẻ em trên xe mà không cho trẻ đội mũ bảo hiểm là một rào cản lớn đối với việc thi hành luật đội mũ bảo hiểm.

Sau thành công ban đầu, nhiều kẽ hở pháp lý dần hé lộ. Những kẽ hở lớn dần lên và hé mở một vấn đề lớn hơn: các nhà làm chính sách chưa thực sự thấu hiểu tâm lý, thói quen và hành vi tham gia giao thông của người dân nên chỉ tập trung vào chuyện bắt người đi xe gắn máy đội mũ bảo hiểm mà quên mất một khía cạnh then chốt: ý thức tôn trọng luật pháp của nhiều người rất kém. Thế nên, Nghị quyết 32 chỉ bắt người lái xe đội mũ, không bắt đội cho trẻ em ngồi sau, không bắt đội mũ thì phải cài quai hay không quy định tiêu chuẩn mũ nên khi Nghị quyết đi vào cuộc sống thì bị… vênh.

Độ vênh ngày càng lớn, có nguy cơ biến mọi nỗ lực tuyên truyền, vận động, răn đe phải đội mũ, rồi hàng núi tiền đổ ra sản xuất mũ bảo hiểm trở thành công cốc nên lại phải có… thông tư ban hành bổ sung, kéo theo hàng loạt những hệ lụy. Thông tư số 23/2008/TT-BCA-C11 của Bộ Công an có hiệu lực từ tháng 11-2008 cho phép cảnh sát giao thông phạt người lái xe gắn máy và người ngồi sau không cài quai mũ bảo hiểm đúng quy cách tới 200.000 đồng.

Hoặc, khảo sát của Hiệp hội Người tiêu dùng an toàn Việt Nam đầu năm 2008 cho thấy, 80% mũ bảo hiểm trên thị trường không đạt chuẩn quốc gia, rồi dư luận báo chí lên tiếng, thế là Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia mới lục tục triển khai dán tem chứng nhận chất lượng, báo hại các nhà sản xuất nhỏ ít vốn trót nhập mũ Trung Quốc giá rẻ phải cắn răng chịu lỗ. Giá mà các nhà làm chính sách chịu khó lấy ý kiến rộng rãi hơn và ban hành quy định đội mũ chặt chẽ ngay từ đầu thì người dân và doanh nghiệp đã bớt khổ.

Lợi ích to lớn của mũ bảo hiểm đối với sinh mạng con người là không thể phủ nhận. Phân tích của WHO tại các bệnh viện về những người đi xe gắn máy bị chấn thương cho thấy tỷ lệ thương tích ở đầu giảm 16% trong ba tháng đầu thực hiện luật đội mũ bảo hiểm so với ba tháng trước đó. Tuy nhiên, những con số thống kê hay lời kêu gọi, mặc dù có ý nghĩa nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi, vẫn là không đủ để 100% người dân tự giác đội mũ cho mình và con cái. Luật pháp chỉ có thể được thượng tôn nếu đi kèm với nó là các chế tài và hình phạt nghiêm khắc chứ không thể chỉ là tuyên truyền cổ động.

THÀNH TRUNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới