(KTSG Online) – Mua thanh long từ nông dân với giá chỉ hơn 1 đô la Mỹ/kg, khi đưa qua tới Mỹ bán với giá 20 đô la/kg. Thế nhưng, doanh nghiệp xuất khẩu vẫn không có lãi, vì sao?
Tại hội nghị trực tuyến “Thúc đẩy xuất khẩu nông sản qua vận tải đường biển” diễn ra chiều 12-1, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết hàng nông sản xuất khẩu nói chung và trái cây nói riêng mang lại giá trị cho doanh nghiệp rất thấp.
Theo ông, đơn vị này bao tiêu thanh long cho nông dân với giá hơn 1 đô la Mỹ/kg, khi đưa qua tới Mỹ bán với giá gần 20 đô la Mỹ/kg. “Người dân Mỹ chấp nhận bỏ ra gần 20 đô la Mỹ để ăn 1 kg thanh long Việt Nam, nhưng thật sự chúng tôi nhận lại không được bao nhiêu, chúng tôi đang rất mang tiếng”, ông nói.
Ông Tùng cho biết một số nông dân có người nhà bên Mỹ đã ra chợ chụp hình thùng thanh long của đơn vị này để phản ánh mức giá chênh lệch rất lớn giữa mua và bán. “Nhưng, người ta không hiểu chúng tôi phải trả giá cước vận tải rất cao, chúng tôi không thể giải thích hết cho nông dân, thành ra, chúng tôi là những doanh nghiệp mang tiếng là gian thương”, ông nói.
Theo ông Tùng, dù chênh lệch giữa giá mua và bán rất cao, nhưng doanh nghiệp không có lãi do giá cước vận tải tăng rất nhanh.
Cách đây không lâu, đơn vị này đặt container loại 20 feet đi Mỹ với giá 15.000 đô la Mỹ, nhưng hiện đã nhảy vọt lên 16.500 đô la Mỹ. “Hiện nay, cứ mỗi tháng giá container lại tăng thêm 2.000-3.000 đô”, ông nói. Giá cước tăng quá cao khiến đơn vị này phải nợ đối tác bên Mỹ gần 300 container gạo chưa thể giao hàng được.
Trong khi đó, các hãng hàng không cũng tăng giá cước vận chuyển hàng hoá, nhất là với những đường bay xa. “Trước đây, đi Mỹ chỉ 3,5 đô la Mỹ/kg, nhưng hiện nay đã nhảy vọt lên 8,2 đô la Mỹ/kg”, ông dẫn chứng.
Trước bối cảnh giá cước vận tải tăng liên tục và chưa biết khi nào dừng, ông Tùng cho rằng hàng hoá Việt Nam sẽ không thể cạnh tranh được với hàng hoá các nước. “Tình trạng giá cước logistics như hiện nay sẽ khiến chúng ta mất luôn cả thị trường, tức chúng ta sẽ đánh mất công sức, nỗ lực mở cửa thị trường Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) để thay thế một phần thị trường Trung Quốc”, ông Tùng nhận xét.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng, trong hai năm qua, dịch bệnh Covid-19 đã tác động lớn đến vận tải xuất khẩu, chi phí đã tăng gấp nhiều lần so với trước đây, trong đó, riêng cước vận tải biển đã tăng 400-500%.
Mặt khác, tình trạng thiếu hụt container lạnh phục vụ cho xuất khẩu hàng nông sản, nhất là trái cây cũng đã khiến ngành hàng này gặp không ít khó khăn như thực tế đã diễn ra thời gian qua.
Không ai ăn thanh long Việt Nam bên này cả . Người Việt có thanh long từ Thái, người Mỹ không ăn thanh long Việt . Costco đang lỗ sặc gạch vì thanh long Việt không bán được.