Mua áo ấm ở Đà Lạt
![]() |
Một cửa hàng ở ga Đà Lạt. |
(TBKTSG Online) – “Mỗi lần lên Đà Lạt, tôi rất thích thú khi ghé vào các hàng áo ấm, nhất là đồ đan len”, chị Hằng, một phụ nữ khoảng 40 tuổi ở Nha Trang, tâm sự. Theo chị Hằng thì khắp các tỉnh thành trong nước mà chị đã đến, chưa nơi nào có nhiều quần áo chống lạnh đa dạng loại hàng, đa dạng kiểu dáng và cũng đa dạng giá như ở Đà Lạt.
Việc mua sắm hàng chống lạnh ở Đà lạt cũng là cái thú của khách du lịch. Điều thường gặp là khi bạn đi Đà Lạt, luôn được người thân hay bạn bè dặn dò là thấy đồ lạnh đẹp, rẻ thì mua hộ. Hoặc đôi khi trên dọc đường lang thang ra chợ, ghé vào các điểm du lịch, bạn dễ dàng bị “hút” vào các dãy hàng bán đồ lạnh này. Thậm chí, có khi vì đẹp và rẻ, bạn mua cho mình dăm cái, để khi đem về xứ… nóng, lại cất vào tủ để làm kỷ niệm.
Nói vậy, nhưng mua sắm ở Đà Lạt, bạn cũng có thể… mắc bẫy nếu không biết trả giá hoặc tìm mua đồ lạnh đúng chỗ đáng tin cậy.
Hàng đồ lạnh ở Đà Lạt bán nhiều nơi giống như là hàng mứt đặc sản, nghĩa là tới chỗ nào cũng gặp. Tuy nhiên, như chị Hằng cho biết thì nếu gặp món ưa thích thì mua ngay nếu giá tương đối hợp lý, bởi thường rất khó tìm được một chiếc giống y vậy ở nơi khác.
Khu bán hàng tập trung nhất chính là tầng hai chợ Đà Lạt. Cả một khu vực bán hàng râm ran những lời mời chào và choáng ngợp với số lượng và chủng loại hàng hóa đa dạng. Tại chợ Đà Lạt, khu chính trung tâm Hòa Bình hoặc vào cửa hàng mua sắm ngay đường lên cầu thang là loại hàng hóa có giá trên 100 ngàn đồng.
![]() |
Một góc chợ đêm Đà Lạt. |
Với thái độ niềm nở, ân cần, những người bán hàng tỏ ra rất thân thiện, chiều khách; họ luôn vui vẻ để cho khách hàng mặc sức chọn lựa, lục tung mọi thứ để tìm cho được món hàng ưng ý. Nhưng “mật ngọt chết ruồi” – cổ nhân đã nói – thật khó lòng bỏ đi nếu chưa mua một món hàng nào đó. Có điều là khách mua sẽ rất dễ bị hớ vì họ thường nói thách rất cao, có khi gấp đôi giá bán hoặc hơn thế nữa. Có lẽ vì thế, nhiều người ngại đến các điểm này để mua sắm.
Ban đêm, còn có hai khu chợ bán hàng chống lạnh khác cũng đầy ắp hàng hóa. Khu thứ nhất là chợ đồ cũ ngay khoảng trống đường cầu thang vào tầng hai chợ Đà Lạt. Khu chợ này tồn tại khá lâu, gọi là bán đồ cũ nhưng cũng có nhiều loại hàng mới. Có người gọi khu này là chợ la, bởi vì người ta trải bạt rồi đổ hàng thành đống cho khách lựa, người bán luôn miệng rao liên tục theo thói quen.
![]() |
Đồ chống lạnh bán khắp mọi nơi ở Đà Lạt, nguồn hàng ngày càng lẫn lộn đủ kiểu, đủ loại. |
Do lựa hàng dưới ánh đèn đường nhạt nhòa, nên đôi khi mua được chiếc áo đem về nhà mới phát hiện những lỗi nhỏ mà khi chọn không thấy. Giá hàng ở chợ la từ vài chục ngàn đến tối đa là một trăm ngàn đồng. Theo kinh nghiệm mua hàng ở đây thì có nhiều món chủ bán hàng chỉ bớt 5-10 ngàn hoặc tối đa là 20 ngàn đồng. Trả giá bán được là họ bán liền, chứ không kỳ kèo.
Ngược với chợ la là chợ chạy (khi có xe quản lý đô thị xuất hiện thì ôm đồ chạy) nằm dọc trên đường vào chợ. Ở đây có ánh đèn sáng trưng, hàng hóa cũng đa dạng, chủ yếu là đồ len, móc do chính người Đà Lạt đan. Hàng ở chợ chạy có thể trả giá thoải mái, trả như thế nào thì người bán hàng cũng ngọt miệng cám ơn, họ kỳ kèo từng ngàn đồng để bán cho được hàng.
Nếu muốn mua hàng len, đồ lạnh có kiểu dáng lạ, thậm chí là không sợ đụng hàng, theo người có kinh nghiệm thì nên đến những sạp hàng ở các khu du lịch ở Đà lạt. Ở khu Chùa Tàu, tôi đã mua ba chiếc áo khoác nữ đan len khá đẹp với giá chỉ có 160 ngàn đồng, so với giá mời mua là 350 ngàn đồng. Tại các cửa hàng trên đường Hàm Nghi, đường vòng khu Hòa Bình hoặc trên đường Bùi Thị Xuân… là hàng hiệu, có niêm yết giá cụ thể, cũng luôn có một số hàng giảm giá từ 30-40% cho khách tùy ý chọn lựa. Giá một chiếc áo tại đây đôi khi chỉ 30 – 40 ngàn đồng.
![]() |
Vừa bán hàng vừa đan len là cảnh thường gặp ở Đà Lạt. |
Hàng đồ lạnh ở Đà Lạt do chính người Đà Lạt đan, cứ như một chiếc khăn quàng móc phải hết hơn một búp len, chưa kể công, giá vốn đã là 12 ngàn đồng, vậy mà giá bán đôi khi chỉ 16.000 đồng/chiếc thì quả thật quá rẻ.
Phụ nữ Đà Lạt, hầu như ai cũng thạo việc đan, móc đồ len. Đối với nhiều người, đan móc len như là một nghề tay trái, làm trong lúc nhàn rỗi hoặc khi trông coi cửa hàng; có khi là các bạn sinh viên nữ đan kiếm thêm tiền.
Mua hàng len đan tay và những chiếc khăn, chiếc áo lạnh do chính tay người Đà Lạt làm bán ra vốn là cái thú của nhiều người khi có dịp đặt chân lên thành phố cao nguyên thơ mộng này.
Thế mà gần đây dường như đã xuất hiện rất nhiều hàng lạnh sản xuất từ Trung Quốc với kiểu dáng, màu sắc và lối rao bán rất khác với hàng thủ công của người Đà Lạt.
Bài và ảnh: KHUÊ VIỆT TRƯỜNG