(KTSG Online) - Chi phí đầu vào tăng cao trong bối cảnh lạm phát, bên cạnh đó là chính sách kiểm soát chặt nguồn vốn tín dụng và trái phiếu vào lĩnh vực bất động sản khiến cho nhóm doanh nghiệp ngành này gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
- Nguy cơ nợ xấu bất động sản hình thành từ hơn 200 ngàn tỉ đồng trái phiếu đáo hạn
- Dòng tiền lướt sóng ‘mất đà’ trên thị trường bất động sản
Công ty Đầu tư Phát triển Xây dựng (mã chứng khoán: DIG) công bố kết quả kinh doanh quý 2-2022 với doanh thu thuần đạt 575,3 tỉ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh bất động sản là 380,6 tỉ đồng - giảm 17,7%, doanh thu bán thành phẩm đạt 95 tỉ đồng - tăng 10%, doanh thu xây lắp đạt 64,3 tỉ đồng – tăng gấp 2 lần.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán giảm 16,8% giúp biên lợi nhuận thuần được cải thiện từ 35% lên 42%. Giá trị lợi nhuận thuần đạt 242 tỉ đồng, tăng 12,4%.
Doanh thu tài chính đạt 25,8 tỉ đồng, tăng 5,5 lần so với cùng kỳ nhờ lãi tiền gửi ngân hàng tăng. Chi phí tài chính đạt 125,7 tỉ đồng, tăng 6,6 lần do chi phí lãi vay tăng mạnh.
Chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 41,7 tỉ đồng, tăng 10,3%. Chi phí bán hàng đạt 14,6 tỉ đồng, giảm 73%.
Kết quả, doanh nghiệp ghi nhận lãi sau thuế quý 2-2022 ở mức 81 tỉ đồng, tăng 52,2%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, DIC Corp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế ở mức 1.094 tỉ đồng và 96,2 tỉ đồng, lần lượt giảm 2% và tăng 48%.
Với kết quả này, doanh nghiệp mới thực hiện 21,9% chỉ tiêu doanh thu và 9,6% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2022.
Lý giải điều này, lãnh đạo DIC Corp cho rằng đây là kết quả chung với các doanh nghiệp bất động sản do lợi nhuận thường được ghi nhận vào các quý cuối năm. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng bởi các chính sách tài khóa ở tầm vĩ mô trong 6 tháng đầu năm, những khó khăn chung đến từ sự tác động của cuộc khủng hoảng chính trị Nga - Ukraine và nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán: DXG) kết thúc quý 2-2022 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ở mức 1.549 tỉ đồng, giảm 56% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu bán căn hộ và đất nền đạt 775,6 tỉ đồng - giảm 66,6%, doanh thu môi giới bất động sản đạt 557,1 tỉ đồng - giảm 21%, doanh thu từ hợp đồng xây dựng đạt 129 tỉ đồng - giảm 5%.
Trong kỳ, giá vốn hàng bán của doanh nghiệp giảm 52,9% khiến biên lợi nhuận gộp chỉ đạt 51,2%, giảm 3,8%. Giá trị lợi nhuận gộp đạt 792 tỉ đồng, giảm 59,4%.
Trừ các chi phí gồm chi phí quản lý doanh nghiệp (272 tỉ) đồng, chi phí tài chính (116 tỉ đồng), chi phí bán hàng (274 tỉ đồng), lợi nhuận sau thuế quý 2 của Đất Xanh còn hơn 262 tỉ đồng, giảm 45%.
Theo ban lãnh đạo Đất Xanh, việc các dự án chưa bàn giao, chưa kịp ghi nhận doanh thu trong kỳ khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 2-2022 của doanh nghiệp giảm sâu so với cùng kỳ năm trước.
Công ty cổ phần đầu tư Năm Bảy Bảy (mã chứng khoán: NBB) ghi nhận doanh thu ở mức 93,37 tỉ đồng trong quý 2-2022, giảm 76,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, doanh thu kinh doanh bất động sản, vốn chiếm 90% cơ cấu doanh thu, chỉ đạt 83 tỉ đồng - giảm 78%.
Giá vốn hàng bán quý 2-2022 của doanh nghiệp giảm 81,6% so với cùng kỳ năm 2021, giúp biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 36,4% lên 51%. Tuy nhiên, giá trị lợi nhuận gộp chỉ đạt 47,65 tỉ đồng, giảm 66,5%.
Doanh thu tài chính đạt 40,3 tỉ đồng - giảm 67,2%, chi phí tài chính đạt 54,4 tỉ đồng - giảm 30,8%.
Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đạt 8,57 tỉ đồng, giảm 59,9%. Lợi nhuận khác âm 13,93 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ dương 5,38 tỉ đồng.
Như vậy, hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp - chi phí tài chính - chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp) của doanh nghiệp lỗ 15,26 tỉ đồng trong quý 2-2022, trong khi cùng kỳ lãi 42,36 tỉ đồng.
Với việc ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức 0,41 tỉ đồng trong quý 2-2022, giảm 99,7%, thì Năm Bảy Bảy đã thoát lỗ nhờ ghi nhận doanh thu tài chính.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (mã chứng khoán: NVL) và Công ty cổ phần Vinhomes (mã chứng khoán: VHM) đều ghi nhận lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm 2021
Novaland ghi nhận gần 2.660 tỉ đồng doanh thu thuần và gần 1.651 tỉ đồng doanh thu tài chính trong quý 2-2022, lần lượt tăng 4,5% và 24% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp chỉ đạt 772,3 tỉ đồng, giảm 41,18% do không còn ghi nhận lợi nhuận khác với giá trị hơn 1.600 tỉ đồng như cùng kỳ năm 2021.
Vinhomes ghi nhận doanh thu thuần quý 2 ở mức 10.232 tỉ đồng và lãi ròng xấp xỉ 509 tỉ đồng, mức thấp nhất tính từ năm 2018.
Công ty cổ phần đầu tư và phát triển du lịch Vinaconex (mã chứng khoán: VCR) tiếp tục báo lỗ 5,75 tỉ đồng trong quý 2, qua đó nâng nâng lỗ lũy kế lên gần 246 tỉ đồng do không ghi nhận doanh thu, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tiếp tục gia tăng.
Khác với các doanh nghiệp trên, Công ty cổ phần đầu tư phát triển Nhà Đà Nẵng (mã chứng khoán: NDN) và Công ty cổ phần Licogi 14 (mã chứng khoán: L14) lần lượt ghi nhận lợi nhuận âm hơn 114 tỉ đồng và 346 tỉ đồng trong quý 2-2022 do không bù đắp được chi phí tài chính phát sinh khi giá trị danh mục đầu tư chứng khoán suy giảm mạnh.
Một thống kê của Công ty chứng khoán VNDirect với 1.045 doanh nghiệp niêm yết trên ba sàn gồm HOSE, HNX, UPCoM - chiếm 93,7% giá trị vốn hóa thị trường – cho thấy các doanh nghiệp bất động sản có có quý thứ ba liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng giảm. Riêng quý 2-2022, lợi nhuận ròng của nhóm doanh nghiệp ngành này giảm 35,8%.
Trước đó, chia sẻ về khó khăn của các doanh nghiệp và thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho biết thị trường hiện có nhiều biểu hiện bất ổn như tình trạng tắc nghẽn pháp lý kéo dài, đẩy doanh nghiệp rơi vào cảnh đầu tư, phát triển dự án nhưng không biết ngày “về đích”. Ngoài ra, giao dịch bất động sản bắt đầu trầm lắng. Khách hàng mua nhà và cả chủ đầu tư dự án nhà ở rất khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Bên cạnh đó, các nguồn vốn vào bất động sản đều đang "tắc". Cụ thể, vốn tín dụng - được xem là bà đỡ của doanh nghiệp, chiếm 80-85% vốn vào thị trường - đang bị "kiểm soát".
Vốn từ thị trường trái phiếu đang bị hạn chế vì các yếu tố an toàn dòng tiền. Còn vốn từ khách hàng là nguồn vốn tốt nhất, hiệu quả nhất thì doanh nghiệp phải bảo đảm tất cả các điều kiện đều đúng, đủ mới có thể bán hàng cho khách hàng, trong khi đây là điều cực kỳ khó vì nhiều vướng mắc pháp lý.
Về triển vọng lợi nhuận của ngành bất động sản, SSI Research dự báo lợi nhuận ròng của các chủ đầu tư có thể bị ảnh hưởng trong giai đoạn 2023-2024 do các dự án xây dựng trong giai đoạn 2021-2022 có chi phí quỹ đất, chi phí tài chính và chi phí xây dựng cao hơn. Cụ thể, chi phí nguyên liệu đầu vào như xi măng, thép hiện đã tăng 7-15% so với cuối năm 2021.