(KTSG Online) – Hiện giá vé máy bay đến những địa điểm du lịch tại các nước châu Á, châu Âu và Mỹ trong mùa cao điểm hè đã bắt đầu tăng từ 20-35% so với trước.
- Gỡ nốt những rào cản cho du lịch quốc tế
- Hàng không ‘tung’ ra hàng triệu vé phục vụ nhu cầu đi lại, du lịch trong mùa hè này
Đại diện Công ty cổ phần Dịch vụ Vận chuyển Thế giới (WorldTrans) cho biết hiện giá vé bay đi và đến Việt Nam tăng từ 20-35% so với thời điểm trước dịch do nhu cầu đi lại tăng và ảnh hưởng bởi giá nhiên liệu. Theo vị này, các tour - tuyến du lịch châu Âu như Anh, Đức, Úc được khách hàng ưa chuộng vào thời điểm này.
“Hiện nay đường vé bay từ TPHCM - Hàn Quốc có giá từ 9 đến 13 triệu đồng/vé; đường bay TPHCM - châu Âu có giá trung bình từ 18 triệu đến 27 triệu đồng/vé và TPHCM - Mỹ có giá vé khoảng 41 đến 51 triệu đồng/vé”, vị này nói.
Cùng với đó, giá vé máy bay được niêm yết trên trang web của hãng Vietravel Airlines cũng cho thấy vé bay đang tăng theo từng ngày, đơn cử với đường bay TPHCM - Singapore vào ngày 30-6 có giá là 2,4 triệu đồng/vé và tiếp tục tăng dần đến mức hơn 4 triệu đồng/vé vào ngày 8-7. Tương tự, đường bay TPHCM - Hà Lan vào đầu tháng 7 chỉ có giá hơn 20 triệu đồng/vé nhưng đến cuối tháng đã tăng gấp đôi khoảng 42 triệu đồng/vé.
Chị Trần Mai Quyên, ở quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết đang lưỡng lự trước kế hoạch du lịch đến Hàn Quốc của bản thân vào đầu tháng 7 tới. “Khi nghe tin Hàn Quốc chính thức cấp lại visa du lịch cho khách du lịch trở lại tôi rất vui vì đã chờ đợi chuyến đi này từ lâu. Tuy nhiên, khi nhìn vào giá vé máy bay tôi thực sự choáng vì vé bay cao hơn nhiều so với trước đây”, chị Quyên kể.
"Một người bạn của mình muốn du lịch đến Bali (Indonesia) nhưng sau khi xem giá vé cũng đã quyết định hủy chuyến đi vì vào cùng thời điểm này năm 2019 vé bay chỉ có giá khoảng 4 triệu đồng/vé nhưng hiện tại giá vé cho đường bay này là hơn 11 triệu đồng/vé", chị Quyên nói thêm.
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, lượng khách quốc tế trong tháng 5 đã đạt xấp xỉ 650 ngàn khách, tăng 45,87% so với tháng 4.
Trong đó, vận chuyển của hãng hàng không Việt Nam đạt 254,2 ngàn lượt khách, tăng 58,2% so tháng 4 và vận chuyển của hãng hàng không nước ngoài đạt 395,6 ngàn lượt khách tăng 38,8% so tháng 4. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, bay quốc tế có 590,9 ngàn lượt hành khách, tăng 904,2% so 5 tháng đầu năm 2021.
Mặt khác, đối với các hãng hàng không, nhiên liệu là chi phí khai thác lớn nhất, chiếm từ 30% đến 60% chi phí trung bình trong một năm.
Do đo, từ khi xung độ Nga - Ukraine xảy ra vào cuối tháng 2 vừa qua đã khiến giá nhiên liệu trên thế giới tăng, đặc biệt là giá nhiên liệu Jet A1 tăng cao và đây cũng là nguyên nhân chính khiến giá vé máy bay tăng theo.
Tháng 4 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã có đề xuất gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt chủ trương điều chỉnh mức tối đa giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa. Cục này đề xuất điều chỉnh mức trần khung giá dịch vụ về mức quy định thời điểm năm 2014 (tăng trung bình 3,75% so với khung giá quy định hiện hành).
Theo Cục Hàng không Việt Nam, nếu bình quân giá nhiên liệu năm 2022 duy trì ở mức 130 đô la Mỹ/thùng, chi phí vận chuyển của các hãng cũng sẽ tăng thêm khoảng 15.000 tỉ đồng.
Đại diện các hãng hàng không cũng đã nêu ra những khó khăn của các đơn vị khi đối mặt với giá nhiên liệu tăng trên Báo Giao Thông hồi tháng 4, đơn cử nếu giá nhiên liệu bay duy trì ở mức 130 đô la Mỹ/thùng cho cả năm 2022, chi phí nhiên liệu tăng thêm của Bamboo Airways sẽ tăng thêm khoảng 3.200 tỉ đồng, với Vietnam Airlines là 5.700 tỉ đồng, Vietjet là 5.200 tỉ đồng và Vietravel Airlines là 310 tỉ đồng.