Chủ Nhật, 22/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mưa chiêm bao

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mưa chiêm bao

Công Thắng

(TBKTSG Online) - Với hơn bốn mươi bài thơ “viết từ năm 17 tuổi đến 60 tuổi” được in trong “Mưa chiêm bao” (NXB Phương Đông), ta bắt gặp một Nguyễn Khắc Nhượng rất khác với hình ảnh một nhà báo sắc sảo lâu nay: một cái tôi trữ tình, đa cảm, thường đi về trong cõi hoài niệm, nhớ thương với nỗi cô đơn là bạn đồng hành. Bởi vậy mà cứ quay quắt mãi với những bóng hình yêu dấu đã mù xa, mà cứ ám ảnh mãi với những cuộc chia tay biền biệt:

Ta mọc trên đồi cao

Hồn người phiêu lũng thấp

Khàn hơi mà gọi nhau

Lạc giữa trời và đất

(Giữa lòng thung lũng)

dù đôi khi nhận ra đó chỉ là “hương ảo”:

Trời tháng giêng cùng lạc dấu giày

Em qua bên ấy buồn bên đây

Khóc em một chút hương còn lại

Hương ảo vô thường lọt kẽ tay

(Tháng giêng hương ảo)

Và buồn sao, ngay cả có em chăng ta cũng chỉ mỗi mình; ấy là lúc “ta đứng bên vực thẳm”, trên ranh giới tử sinh. Không ít lần anh nói đến “sầu xương thịt”:

Miên man mưa gọt sầu xương thịt

Hồn cũng căm căm rét trở mùa

(Mộ ca)

nhưng đó cũng là lúc anh nhận ra chính mình:

Cạnh hố sâu quả tim chợt hồi sinh

Để nhận ra mình trong cơn phiền muộn

(Thơ gởi tình nhân)

nhận ra cơn đại mộng nhân thế:

Những buồn vui một thuở

Chỉ là giấc chiêm bao

Sóng phế hưng lớp lớp

Tan tụ tự khi nào

(Vĩ thanh)

Một cảm giác bình yên, khiến anh nhẹ lòng, và đắm mình vào cái mênh mang của thiên nhiên đất trời:

Hoa rụng quanh bàn chân

Lòng trong như sương sớm

Uống một giọt sương tan

Lung lay hồn cổ thụ

(Mờ sáng lên đồi).

Vâng, chỉ là lãng đãng chiêm bao dù mưa - cảm - xúc rất thật.   

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới