Thứ Tư, 22/03/2023, 17:18
33 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Mùa dịch Covid-19, tài xế giao thức ăn không tiếp xúc người nhận

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mùa dịch Covid-19, tài xế giao thức ăn không tiếp xúc người nhận

Chí Thịnh

(TBKTSG Online) – Thay vì phải nhận đồ ăn trực tiếp từ tài xế GrabFood, chị Ngọc Mai có thể yêu cầu “giao hàng gián tiếp” ngay trên ứng dụng Grab; đây là một sáng kiến trong mùa dịch bệnh Covid-19.

Mùa dịch Covid-19, tài xế giao thức ăn không tiếp xúc người nhận
Thay vì tiếp xúc trực tiếp với shipper, người dùng có thể yêu cầu giao hàng gián tiếp, nhận hàng tại điểm giao nhận… Ảnh minh hoạ: Thành Hoa.

Trong mùa dịch bệnh Covid-19, đứng trước sự lo ngại của khách hàng khi phải tiếp xúc với shipper (tài xế giao hàng) khi đặt mua hàng trực tuyến, mua thức ăn qua điện thoại thông minh… một số doanh nghiệp đã nghĩ ra cách thức giao hàng gián tiếp, nhận hàng mà không cần tiếp xúc với shipper.

Grab Việt Nam vừa chính thức triển khai hình thức giao hàng gián tiếp (Contactless Delivery) – phương thức giao hàng mới dành cho dịch vụ GrabFood (đặt thức ăn trực tuyến) nhằm giảm thiểu việc tiếp xúc trực tiếp giữa đối tác tài xế với khách hàng. Phương thức này được triển khai đầu tiên tại Hà Nội và tiếp tục được mở rộng quy mô đến các tỉnh, thành phố khác có dịch vụ GrabFood từ ngày 20-3.

Khi sử dụng dịch vụ GrabFood, khách hàng sẽ có thêm tùy chọn điểm giao món là trước cửa nhà, tại quầy tiếp tân của toà nhà hay bất kỳ vị trí nào thuận tiện cho việc nhận món và thông báo ngay cho người giao thức ăn thông qua cuộc gọi miễn phí hoặc tin nhắn trên ứng dụng Grab (GrabChat). Đối tác tài xế sẽ đặt thức ăn tại vị trí đã được chỉ định, thông báo đơn hàng đã đến qua cuộc gọi hoặc GrabChat, và đứng chờ khách ở khoảng cách 2-3m.

Theo Grab Việt Nam, trong trường hợp địa điểm của khách hàng (nơi nhận thức ăn) không có vị trí thuận tiện cho việc tiếp nhận món ăn, đối tác tài xế sẽ tiến hành đặt thức ăn trên túi GrabFood và lùi về sau khoảng 2-3m để đảm bảo an toàn theo yêu cầu của khách.

Thực tế, trên thị trường xuất hiện những cách thức giao hàng không tiếp xúc khi người tiêu dùng mua hàng trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Như Lazada Việt Nam cung cấp dịch vụ điểm lấy hàng tự động qua tủ khóa thông minh (Smart Locker); người dùng chọn điểm nhận hàng gần nhất (gần điểm giao hàng) được Lazada đề xuất. Khi hàng đặt mua về tới điểm giao nhận, Lazada sẽ gửi thông báo kèm mã OTP (mật khẩu dùng một lần) đến số điện thoại người mua hàng. Sau đó, người mua tới điểm giao nhận, mở khóa tủ bằng mã OTP và 4 số cuối điện thoại để lấy hàng mà không cần phải trực tiếp gặp gỡ shipper như trước đây.

Theo Lazada Việt Nam, cách thức nhận hàng không tiếp xúc với nhân viên giao nhận được triển khai trên 20 địa điểm tại Hà Nội và TPHCM; khách hàng có thể đặt yêu cầu khi đặt mua sản phẩm.

Trước đó, công ty giao nhận AhaMove cũng ra mắt dịch vụ "mua hộ” (giữa tháng 2-2020); nhằm giúp người tiêu dùng mua một số sản phẩm ở cửa hàng gần nhất. Khách hàng có thể yêu cầu tài xế Ahamove mua giùm các loại khẩu trang, nước rửa tay, bình xịt khử khuẩn…, những sản phẩm hạn chế việc lây nhiễm Covid-19.

Theo thông tin Công ty Ahamove, dịch vụ “mua hộ” này hiện được áp dụng tại khu vực TPHCM.

Mời đọc thêm

Doanh số thực phẩm đóng gói tăng hơn 50% trong mùa Covid-19

Thị trường giao nhận: Sân chơi “nóng bỏng”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới