(KTSG) - Đó là bức vẽ của một cậu học trò lớp 9, cô giáo chụp lại gửi cho tôi xem. Tỉ mẩn đoán nguồn cơn ý tưởng từ đâu để cậu ấy vẽ ra, rồi tự đặt mình vào cảm thức của lứa tuổi ấy, bỗng thấy bâng khuâng...
- Ngắm tuyết giữa mùa hè tại Australia chỉ từ 0 đồng cùng Vietjet
- Rực rỡ Hội thao mùa hè 2024 từ Nội thất The One
Cậu học trò ấy tên là Phạm Minh Triết, đang học ở ngôi trường nằm trên con đường rợp bóng cây thuộc quận Gò Vấp. Cậu là người sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, bức vẽ cậu đặt tên là “Bếp lửa”, với hình ảnh của hai bà cháu ngồi bên gian bếp đơn sơ đang tỏa khói với ấm nước đang sôi, chẳng bao giờ ăn nhập gì với đời sống đô thị.
Liệu có khi nào cậu về thăm quê ngoại (hay nội) trong một dịp nào đó chứng kiến và vẽ lại? Hoặc có thể cậu đã học một đoạn thơ, xem một bức tranh vẽ nào tương tự, rồi hình dung ra để đẩy đưa nét bút?
Tôi xem đi xem lại bức vẽ bằng chì đơn giản, nhưng với nét phác họa khá tinh tế, đoan chắc một điều là Triết có tâm hồn mộng mơ. Cũng là bao giấc mơ mùa hè của lứa tuổi hoa niên tươi đẹp. Cô giáo quản nhiệm kể: “Gần cuối năm, thi cử đã xong nên cô giáo bộ môn dành ra một tiết để các em mặc sức vẽ những gì mình thích, xem đó là một bộ tranh lưu dấu kỷ niệm mùa hè cuối cùng của bậc học trung học cơ sở, để rồi khi mùa thu đến, các em lại ngồi trên băng ghế của bậc học mới”.
Tự bao giờ, sự hồn nhiên hoa mộng của lứa học trò 14, 15 tuổi hầu như phải đối diện với quá nhiều áp lực, nên khi nghe cô giáo kể vậy, tôi bâng khuâng chợt nghĩ rằng, bây giờ càng có nhiều lớp học dành thời gian để các em bày tỏ cảm xúc, tưởng tượng hay ngắm nhìn một mùa hè đúng nghĩa là mùa hè - của - tuổi - học trò.
Rồi tôi ước ao thêm, nếu như ngành giáo dục có một dự án khuyến cáo các nhà trường thực sự định hướng cho các em một chương trình học, vui và chơi với khoảng thời gian 1-2 tuần, kèm theo những hoạt động ngoại khóa có ý nghĩa riêng biệt về mùa hè, thì sẽ nhận được sự hưởng ứng lớn lao biết nhường nào.
Những giấc mơ mùa hè của lứa tuổi học trò luôn luôn là chỉ dấu khó phai nhòa. Dòng lưu bút, cánh phượng hồng, bức tranh ngộ nghĩnh tặng bạn bè hay gửi cho thầy cô giáo…, tưởng chừng như lướt qua theo thời gian trong bối cảnh nhộn nhịp của đời sống hiện tại. Song, trên những chặng đường đời mai này, nó sẽ là niềm thao thức khi nhớ về. Đẹp một cách thơ ngây trong sáng.
Nghĩ vậy, là vì có một ngày tôi nhận được bức ảnh chụp của lứa học trò 30 năm trước. Các em gửi cho tôi những trang viết trong cuốn sổ tay văn học, bức ảnh sinh hoạt văn nghệ của câu lạc bộ thơ - nhạc tôi thành lập thuở nào, có khi lại là bản ghi âm lời tâm sự, là cảm nghĩ về một mùa hè biệt ly xa lắc xa lơ, hoặc thổ lộ câu chuyện kể về mối tình thầm kín của tuổi học trò, khi bây giờ có nhiều em đã hai thứ tóc trên đầu.
Tất cả, khi nhận được tôi tưởng như bầu trời lung linh sắc đỏ màu phượng vĩ còn đây, chẳng thời gian nào xóa nhòa được. Vì với tôi, và có lẽ không chỉ riêng tôi, những kỷ vật đó luôn trẻ trung tươi tắn như ngày hôm qua đây thôi.
Mới hay, kỷ niệm của tuổi học sinh chưa giây phút nào già!
Nhiều lần, tôi trở về quê nhà để dự hội lớp hoặc nghe qua bạn bè nhiều thế hệ tâm sự về tuổi thanh xuân, sau mỗi lần gặp gỡ. Dường như trong các buổi họp mặt hàn huyên ấy, bóng dáng của đời sống lo toan dạt trôi đâu mất. Chẳng ai là quan, chẳng ai là lính. Và cũng chẳng ai bày tỏ nỗi băn khoăn về những cơ cực mà mình từng nếm trải, hay những thuận lợi trên bước đường đời qua mấy chục năm.
Tất cả, chỉ dành cho kỷ niệm thuở học trò. Nghịch ngợm, dấu yêu, dỗi hờn và đôi khi kèm chút nổi loạn… Những câu chuyện kể ấy đã đưa thầy cô đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cảm xúc lâng lâng rất khó tìm thấy được, sau khi trở về với cuộc sống đời thường.
Vì vậy, khi hồi ức xen lẫn miên man tâm tưởng với bức vẽ của cậu học trò trong tháng 5 này, tự dưng trong tôi hoài niệm một quá khứ của riêng mình. Từ đó, mong ước làm sao cho các em có mùa hè tươi đẹp hơn.
Để cho kỷ niệm mùa hè ấy lặn vào giấc mơ nhiều năm sau, mỗi khi các em nhớ về!