Thứ sáu, 8/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mùa hè với những ‘đồng nghiệp bất đắc dĩ’

Thanh Tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Nhiều học trò thành phố đi qua mùa hè nơi công sở của cha mẹ. Chúng có mặt trong văn phòng, cố gắng hợp tác như cha mẹ dặn dò và trở thành những đồng nghiệp nhí bất đắc dĩ.

1. Bạn thân của tôi là nhà quản lý cấp cao ở một tập đoàn đa quốc gia làm việc tại TPHCM với công việc khá linh động nên bạn có thể làm từ xa. Thật hay là vậy bởi hè về hoặc khi chồng bạn đi công tác xa dài ngày, bạn thường thu xếp làm việc tại nhà. Bé lớn rồi đến bé nhỏ, công việc xem chừng đã quen nếp, thuần thục lắm nhưng bạn bảo “cũng nhiều phen dở khóc dở cười”.

Vừa rồi, đang lúc tập trung thảo luận với các đồng nghiệp quốc tế trong một cuộc họp video, đứa con học mầm non của bạn đột ngột chạy vào phòng và gọi mẹ nhờ giúp đỡ. Đến khi cô bé thấy các cô chú xuất hiện trên màn hình thì tò mò chạy lại xem, bé tự nhiên chào hỏi các đồng nghiệp của mẹ và ngỏ ý “bé cũng muốn họp một chút”.

May mắn thay, bé lớn học tiểu học - cũng đang nghỉ hè - đã phát hiện kịp thời và chạy vào phòng bế em ra ngoài để mẹ tiếp tục cuộc họp. Bạn nói phòng họp trực tuyến hôm đó phải dừng lại mất vài ba phút và bạn đã xin lỗi các đồng nghiệp dù họ tỏ ra rất vui vẻ, lịch sự và còn đùa “họ vừa gặp đồng nghiệp nhí nhất từ trước tới giờ!”.

2. Anh sếp của tôi ở công ty luật là một người Úc gốc Việt rất đẹp trai nhưng nghiêm nghị và lúc nào nét mặt cũng đăm chiêu như thể đang suy nghĩ một vấn đề gì đó. Vào làm hai năm ở công ty mà tôi hiếm khi thấy anh nở một nụ cười, nhiều khi bọn nhân viên nhiều chuyện thắc mắc “anh có cư xử với vợ anh như vậy không ta”.

Tuần trước, anh đến công ty làm việc cùng chiếc xe nôi và đứa con tám tháng tuổi, kèm theo lỉnh kỉnh sữa, bỉm và vẫn thế: nghiêm nghị. Cả đám nhân viên trố mắt mà không dám hỏi han gì. Văn phòng yên ắng như mọi hôm cho đến lúc em bé trong xe nôi thức giấc và bắt đầu lên tiếng. Em bé khóc mà khóc to không ngừng nghỉ và từ chối cái bình sữa khiến anh sếp thường ngày chỉn chu, nghiêm nghị của chúng tôi bối rối giải thích do mẹ có việc đột xuất cần giải quyết, còn anh chưa kịp xin nghỉ phép.

Cuối cùng, sếp nghe theo một lời đề nghị trong đám nhân viên: bồng bé lên vỗ về. Ông bố trẻ ôm con đi tới lui trong phòng làm việc, miệng hát nho nhỏ một điệu dân ca dỗ dành em bé. Nhìn sếp lúc đó không giống như anh sếp mà thường ngày chúng tôi gặp.

3. Một người bạn khác làm việc tại một tòa nhà văn phòng trên đường Hàm Nghi, ngay trung tâm thành phố. Con trai anh hè này lên lớp 5, và anh không yên tâm để con ở nhà một mình trong khi nơi làm việc của vợ anh không tiện để mang con theo. Trên thành phố không có ai thân quen để gửi, nên anh đành đem con đi làm cùng.

Sáng, anh chở con đến văn phòng, cho vào ngồi cùng anh trong phòng làm việc, giao cho con chiếc iPad và thỉnh thoảng liếc mắt kiểm tra xem con đang xem chương trình gì. Trưa, hai cha con cùng nhau đi ăn. Gặp nhân viên, anh giới thiệu thằng bé là “đồng nghiệp bất đắc dĩ” của mình, khiến ai cũng cười. Ăn trưa xong, anh cho thằng bé nằm ngủ trên chiếc ghế dài trong phòng làm việc rồi đến chiều hai cha con cùng nhau về nhà. Có hôm thằng bé ngủ trưa dậy, không thấy ba mình đâu, mặt lơ ngơ láo ngáo chạy ra phòng hỏi mấy cô chú “ba con đâu rồi”. Nhìn rất thương.

Những ngày hè này, nếu bạn ra ngoài ăn trưa, sẽ thấy một hình ảnh quen thuộc: một phụ huynh đi cùng một học sinh tuổi mầm non hay tiểu học. Mùa hè nơi thành phố lớn này là vậy, những bạn nhỏ này nghỉ hè nhưng không thể “về quê nội hay ngoại” vì nhiều lý do đều theo phụ huynh đến công ty mỗi ngày và trở thành “những đồng nghiệp bất đắc dĩ” của ba mẹ và của các cô chú đồng nghiệp của ba mẹ.

Nhiều bạn đồng nghiệp của tôi cũng từng là những đứa trẻ đi qua mùa hè nơi cha mẹ làm việc vì không được ở nhà một mình. Họ cũng nói nhờ vậy mà trở nên dạn dĩ khi lớn lên đi làm và được gặp lại các đồng nghiệp cũ của cha mẹ. Đến lượt mình họ từ đồng nghiệp nhí trở thành những đồng nghiệp nhỏ tuổi bên cạnh những người này.

Bây giờ nhiều công ty lớn còn có cả những khu vực riêng cho trẻ con cho những dịp như vậy. Những trải nghiệm đi làm cùng ba mẹ này kể ra cũng sẽ trở thành những ký ức đẹp giúp cho các con trưởng thành. Hy vọng là vậy.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ở thành phố thì đành chịu mang con theo,
    chứ mình ở quê thì gửi ông bà, cho ra đồng, lên núi
    chứ có con bên cạnh khó làm việc lắm à

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới