Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Giũ bỏ tiếng xấu lập dị nơi công sở

Vỹ Du

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trong môi trường làm việc, không ai muốn mang tiếng xấu là người lập dị. Nhưng không phải lúc nào cũng tránh được lời ra tiếng vào, có khi rất tiêu cực. Vậy làm thế nào để giũ bỏ tiếng xấu đó?

Ví dụ như, một người có thói quen thay đổi kế hoạch vào phút chót, thường xuyên xuất hiện với trang phục không thích hợp, hay quên tin nhắn hoặc một bức email quan trọng – cứ vài lần như thế, có thể bạn sẽ dần dần mang tiếng xấu là người lập dị trong mắt các đồng nghiệp. Và đã mang tiếng xấu theo kiểu này cũng có nghĩa là người ta sẽ xa lánh bạn trong công việc.

Theo Mary Abbajay – giám đốc Careerstone, một tổ chức tư vấn phát triển kỹ năng lãnh đạo – người mang tiếng xấu lập dị nơi công sở có thể đánh mất niềm tin từ người khác vào việc họ có khả năng theo đuổi đến cùng cam kết mình đã đưa ra – nghĩa là đồng nghiệp sẽ tìm cách loại bỏ người đó trong các kế hoạch quan trọng. Abbajay cho biết trong môi trường công sở, một người thành công phải xây dựng được niềm tin từ mọi người xung quanh rằng mình là một đồng nghiệp biết giữ lời. Mang tiếng là người không thể tin tưởng sẽ không có lợi cho con đường sự nghiệp. 

Dù không dễ dàng gì giũ bỏ được tiếng xấu là người lập dị, vẫn có thể sửa chữa. Cần bắt đầu lấy lại sự tin tưởng của đồng nghiệp bằng cách tìm ra lý do vì sao mình lại mang tiếng lập dị như vậy. 

Dưới đây là bốn tình huống dẫn đến tiếng xấu lập dị tại nơi làm việc, theo sau là các biện pháp giúp bạn chứng minh mình không phải là một người như thế.

Nếu đã mang tiếng là người luôn dự họp trễ, phải nghiêm khắc với bản thân về giờ giấc ngay từ lúc này

Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến bạn mang tiếng là người lập dị là thói quen thiếu kỷ luật và xem thường thời gian của đồng nghiệp.

Rachel Wilkerson Miller, tổng biên tập tạp chí Self, cho biết nhiều người bị mang tiếng lập dị đơn giản chỉ vì họ thường xuyên đến dự họp trễ. Theo Miller, [nhiều ngươi bảo] trễ vài phút thì có gì mà quan trọng; tuy nhiên, nếu cứ trễ giờ thường xuyên bắt người khác ngồi chờ, thì phải nghiêm túc xem lại mình và lên kế hoạch [để đúng giờ].

Một khi đã mang tiếng đi trễ thường xuyên, ngay từ lúc đó, cần nghiêm khắc với bản thân và chứng minh với người khác rằng mình sẽ đến đúng giờ. 

Miller khuyên chúng ta phải đúng giờ dù giấc ngủ trưa có quý báu đến đâu, cũng như phải hết sức để ý đến giờ giấc các buổi họp dự kiến kết thúc năm phút trước khi tan tầm, hoặc tránh xa các đồng nghiệp hay tám chuyện vì họ có thể làm mất thêm 10 phút vô bổ và gây trễ giờ. 

Cũng cần nói rõ ràng với mọi người đang hiện diện nếu phải rời một buổi họp để dự một cuộc họp khác. Miller gợi ý cách nói như sau nếu phải rời một buổi họp trước giờ kết thúc: “Tôi vô cùng xin lỗi mọi người. Tôi phải dự một cuộc họp khác”. 

Một khi đã cố hết sức mà vẫn trễ giờ, có thể làm nhẹ đi phần nào bằng cách nhận lỗi về mình. Theo Miller, nên thành thật xin lỗi người dự họp và cám ơn họ vì đã chờ. Như vậy, người khác sẽ hiểu rằng mình hoàn toàn có ý thức về vấn đền này và tạo cảm xúc tốt hơn từ phía họ. 

Nếu đã mang tiếng lập dị và bị xa lánh, phải cố gắng từng chút một thực hiện các công việc còn bỏ dở trước đây

Một khi đã có cảm giác bị đồng nghiệp xa lánh hay bỏ rơi, nếu muốn lấy lại sự tin tưởng của họ, cần làm những bước nhỏ để tiếp tục xúc tiến một kế hoạch hay một dự án còn dang dở trước đó. Theo nhà tâm lý học Lauren Appio, phải bắt đầu từ nhưng việc nhỏ nhất. Ví dụ như, một người không quan tâm đến việc trả lời một bức email đã mấy tuần lễ. Nếu vậy, hãy bắt đầu bằng cách mở email, đọc nó và soạn thư trả lời. Cố gắng lấy lại tình trạng thăng bằng để trở về với công việc.

Cần tâm niệm rằng chính mình chứ không ai khác phải chịu trách nhiệm về điều tiếng lập dị mình đã gây ra. Một khi đã ý thức được và sửa sai, nên phát ra tín hiệu như vậy với người khác.

Nếu đã mang tiếng là người hay thay đổi, nên viết ra các ý tưởng của mình và nói cho mọi người biết điều đó 

Giám đốc Careerstone Abbajay cho rằng quá bốc đồng và thường xuyên thay đổi ý kiến rất dễ dẫn đến tiếng xấu lập dị. Để các đồng nghiệp biết về các ý tưởng của mình, Abbajay cho rằng nên nói ra các ý tưởng đó ngay trong giai đoạn suy nghĩ về chúng hay trong giai đoạn động não (brainstorming).

Theo Abbajay, nên giảm bớt bốc đồng bằng cách giải thích lý do đằng sau các yêu cầu và ý tưởng của bạn. Dành chút thời gian để suy nghĩ về các tác động lên người khác cũng như về tiếng xấu của mình.

Và nếu ý thức được mình hay thay đổi, cần dành thời gian để ghi lại các ý tưởng, cả mặt tốt và mặt xấu, để cho người khác thấy mình đã có kế hoạch tốt và sẵn sàng trao đổi với họ về kế hoạch đó.

Nếu đã mang tiếng là người cầu toàn, cần chuẩn bị bài diễn văn có tính chất động viên về giá trị của sự giúp đỡ để phát biểu cùng mọi người

Cầu toàn mọi việc rất dễ khiến bạn tránh xa các ý kiến của đồng nghiệp trừ phi họ nói đúng ý bạn, theo nhà tâm lý học Appio. Trong đó, tự cảm thấy xấu hổ về khả năng của mình là một nguyên nhân thường bị người có tiếng lập dị bỏ qua.

Nếu một người lo ngại liệu rằng mình có thiếu năng lực dưới mắt người khác hay không, người đó thường cố gắng tự mình giải quyết một vấn đề thay vì nêu ra vấn đề đó với mọi người. Tuy nhiên, đương sự nhiều khả năng sẽ bước vào vòng lẩn quẩn “cầu toàn – trì hoãn – lẩn tránh”. Kết cuộc sẽ dẫn đến nỗi xấu hổ sâu đậm hơn.

Appio giải thich rằng một khi đã sa vào chu kỳ lẩn quẩn nêu trên, các vấn đề vướng mắc trở nên trầm trọng hơn, khiến bạn phải trì hoãn lâu hơn và khiến đồng nghiệp càng cảm thấy rối rắm về các mục tiêu của bạn.

Tình trạng này dẫn đến việc bạn cứ phải tránh xa những ai liên quan đến một dự án đang thực hiện nhằm tránh phải đối mặt với sự xấu hổ và bối rối của chính mình. Ngoài ra, bạn còn có thể lún sâu vào ngõ cụt khi cố gắng tự mình giải quyết vấn đề mà không có đường lùi.

Nếu đang lâm vào tình cảnh “được ăn cả, ngã về không” đó, Appion khuyên chúng ta nên loại bỏ suy nghĩ “bế quan tỏa cảng” bằng cách trình bày rõ ràng giải thích của mình qua một bài diễn văn có tính chất động viên người khác. Nếu không, hãy tự nhủ rằng bản thân mình có thể tin tưởng được và rất cần sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Biết cách chia sẻ vấn đề khó khăn với người khác sẽ giúp bạn lấy lại niềm tin từ đồng nghiệp. 

_____________

(nguồn tham khảo chính: www.huffpost.com)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới