Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mua lúa tạm trữ: Lấn cấn đủ bề

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mua lúa tạm trữ: Lấn cấn đủ bề

Hồng Ngọc

Nông dân khó bán được lúa hè thu trong khi các cơ quan chức năng lấn cấn chuyện mua theo giá nào-Ảnh: TL.

(TBKTSG Online) – Mua lúa tạm trữ cho nông dân khi giá lúa gạo xuống thấp là điệp khúc lặp đi lặp lại nhiều năm qua, nhưng đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa quy gạo trong vụ hè thu bắt đầu triển khai từ ngày 15-7, mới thấy cả doanh nghiệp lẫn địa phương lấn cấn đủ bề.

>>Mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo

>>Mua lúa tạm trữ: Đến hẹn lại lên

Hồi đầu năm nay, khi giá lúa đông xuân giảm, các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã tự giác mua lúa gạo tạm trữ trước khi có quyết định của Chính phủ với giá sàn 4.000 đồng/kg lúa khá suôn sẻ. Nhưng với vụ hè thu hiện nay nông dân đang thu hoạch lúa sớm thì tình hình có vẻ xấu hơn nhiều so với vụ đông xuân.

Lại chuyện giá

Quyết định số 993/QĐ- TTg ngày 30-6 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mua 1 triệu tấn quy gạo dự trữ, các doanh nghiệp mua lúa gạo theo giá trị trường, và được hỗ trợ lãi suất 100% bắt đầu từ ngày 15-7 tới ngày 15-11. Tuy nhiên, khác với các đợt mua lúa gạo tạm trữ trước đây, Chính phủ thường giao các bộ ngành phối hợp cùng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tính toán giá sàn mua lúa tạm trữ sao cho nông dân có lãi tối thiểu 30% thì quyết định này không đề cập đến, mà chỉ nói mua theo giá thị trường.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, hiện địa phương đã triển khai kế hoạch mua tạm trữ 95.000 tấn gạo, tức doanh nghiệp mua khoảng 190.000 tấn lúa hè thu với giá sàn (giá tối thiểu) mà VFA đưa ra là 3.500 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện tại các thương lái trên địa bàn đã mua gần 60.000 tấn lúa với giá lúa thường 3.000-3.300 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất lúa thường vụ hè thu tại Cần Thơ theo tính toán của ngành nông nghiệp là 2.950 đồng/kg lúa thường, lúa chất lượng cao thì tới 3.200 đồng/kg.

Nếu tính toán theo giá thị trường thì nông dân bán lúa cho thương lái chỉ đạt tỷ lệ lãi 1,6-3,1%, còn với giá mua mà doanh nghiệp tham gia tạm trữ công bố 3.500 đồng/kg thì làm lúa thường chỉ lãi 15,8%, lúa thơm thấp hơn nhiều. Theo các chuyên gia, do lúa hè thu gặp khó trong khâu phơi sấy, hạt gạo sau xay xát có tỷ lệ bạc bụng, sọc lưng cao nên các doanh nghiệp hạn chế mua.

Trong khi đó, không chỉ Cần Thơ mà gần như toàn vùng ĐBSCL, sản xuất lúa hè thu của nông dân gặp nhiều khó khăn hơn vụ đông xuân do nắng hạn kéo dài, xâm nhập mặn… nên tốn thêm nhiều chi phí trong khâu bơm tát nước, chăm sóc. Ngoài ra, hiện đang bước vào mùa mưa, nông dân thu hoạch vào thời điểm mưa nhiều rất khó bảo quản, tồn trữ, cũng như khó chế biến gạo đạt chất lượng cao cho xuất khẩu.

Tính toán của ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL thì giá thành sản xuất lúa hè thu khoảng 2.900-3.300 đồng/kg, nên để nông dân có tỷ lệ lãi tối thiểu 30% (mức lãi này đủ để nông dân tái sản xuất) thì giá mua lúa tối thiểu phải 4.000 đồng/kg, ngang với mức giá sàn mua lúa tạm trữ vụ đông xuân vừa qua.

Nông dân chờ tới bao giờ?

Khâu tổ chức sản xuất ta chưa tốt, khâu điều hành thị trường (xuất khẩu) cũng chưa tốt, đó là nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Mua lúa tạm trữ như là chữa cháy. Và vì không phòng cháy nên cứ bị cháy, năm nào cũng cứ tạm trữ.

Theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Ngay sau khi VFA gửi văn bản triển khai mua lúa tạm trữ cho 48 doanh nghiệp thành viên của mình ở các tỉnh ĐBSCL hôm 13-7, chính quyền nhiều tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng VFA tính toán lại giá mua lúa tạm trữ sao cho cả doanh nghiệp và nông dân đều không bị thiệt thòi.

Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết tạm thời hiệp hội đề xuất giá mua tối thiểu 3.500 đồng/kg và chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về giá mua lúa, bởi trong Quyết định số 993/QĐ- TTg, Chính phủ không nói cụ thể giá mua.

“Văn bản của Chính phủ nói mua theo giá thị trường thì trước mắt doanh nghiệp chúng tôi vẫn phải mua theo giá thị trường”, ông nói. Còn chuyện giá sàn mua lúa 3.500 đồng/kg do VFA đưa ra, ông Huệ giải thích là vụ đông xuân vừa qua, hiệp hội đã chủ động công bố giá sàn mua lúa phù hợp với tình hình thị trường lúc đó, còn vụ hè thu này giá thành sản xuất cao, nên chính quyền các tỉnh ngại không công bố.

Dù giá tối thiểu mà VFA chỉ đạo các doanh nghiệp của mình là 3.500 đồng nhưng nông dân các tỉnh bán lúa thường cho thương lái, mấy ngày qua dù có khá hơn nhưng vẫn còn khá thấp so với giá sàn. Ông Huệ cho rằng lúa hè thu trà đầu vụ có chất lượng thấp, cộng với giống lúa chất lượng thấp IR 50404 nông dân trồng khá nhiều, doanh nghiệp không mua được nên lúa rớt giá phần nào.

Theo cách giải thích của VFA thì việc mua lúa tạm trữ có gì đó lấn cấn, vừa phải mua theo giá thị trường, có nghĩa giá thấp thì mua thấp, giá cao thì mua cao nhưng cũng chính hiệp hội lại đề xuất giá mua tối thiểu 3.500 đồng/kg, các tỉnh bảo giá lúa thấp hơn giá tối thiểu này thì hiệp hội lại cho là lúa chất lượng thấp, mua không được vì không có đầu ra.

“Quả bóng” giá lúa giờ đây được đá sang cho Chính phủ nhưng nông dân không biết chờ đến bao giờ, bởi trong cuộc họp giữa Bộ Công Thương và VFA với các tỉnh hôm 10-7, dường như Bộ Công Thương không đá động gì nhiều tới giá sàn mua lúa 3.500 đồng/kg mà VFA đưa ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới