(KTSG Online) - Cảnh tượng đám đông chen lấn tại các trung tâm mua sắm ở Mỹ để được mua những món hàng giảm giá sốc vào ngày Thứ Sáu Đen (Black Friday) ở Mỹ dường như đã trở thành dĩ vãng. Xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến cộng với lạm phát cao bào mòn thu nhập của người tiêu dùng khiến sự kiện này trở nên trầm lắng hẳn trong năm nay.
- Lạm phát không ảnh hưởng nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ của giới nhà giàu
- Mua sắm kết hợp giải trí sẽ dẫn dắt sự phát triển của thương mại điện tử?
Các nhà bán lẻ của Mỹ đã tung ra những mặt hàng giảm giá mạnh để giải phóng hàng tồn kho vào Thứ Sáu Đen (25-11) vừa qua. Tuy nhiên, khách hàng chỉ phản hồi với lưu lượng khiêm tốn, khiến triển vọng lợi nhuận của nhiều chuỗi bán lẻ trong mùa mua sắm Giáng sinh này bị hoài nghi.
Một ngày bình thường như bao ngày
Vào cuối buổi sáng 25-11, quang cảnh ở trung tâm thương mại Stamford Town Center ở bang Connecticut khá vắng vẻ, với chỉ một vài khách mua ở gian hàng trang sức Kay Jewellers và gian hàng thời trang Forever 21. Tại một đại siêu thị của Walmart gần Dallas, bang Texas, một đôi vợ chồng dường như thích thú với việc không có đám đông chen lấn khi họ mua quà cho con cháu. Tại khu mua sắm Stonestown ở San Francisco, bang California, khách mua sắm cũng thưa thớt.
“Cảm giác như một ngày bình thường”, Miguel Martinez, 35 tuổi, nói khi đi ngang qua một siêu thị của chuỗi bán lẻ Target ở Chicago, bang Illinois. Martinez cho biết anh đang cắt giảm chi tiêu truyền hình cáp và Netflix để mua quà cho bốn đứa con của mình. Anh mô tả đợt giảm giá Thứ Sáu Đen là “khá tốt”.
Người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu, nhưng họ đang ngày càng thận trọng hơn sau khi phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong bốn thập niên. Họ cũng đang theo dõi sát sao hơn chương trình khuyến mãi của các nhà bán lẻ, vốn vẫn còn lượng tồn kho khổng lồ sau khi không dự báo được sự xói mòn nhu cầu. Những nhà bán lẻ này đang cố gắng gây sự chú ý của người tiêu dùng bằng cách đưa ra mức giá giảm sâu nhất kể từ trước đại dịch Covid-19.
Mức tăng trưởng khiêm tốn
Melissa Minkow, Giám đốc chiến lược bán lẻ tại Công ty tư vấn kỹ thuật số CI&T, nhận định mùa mua sắm cuối năm ở Mỹ có thể sẽ chứng kiến mức tăng trưởng khiêm tốn hoặc ngang bằng so với năm ngoái. Bà Minkow cho rằng tình hình trên vẫn là điều khả quan khi dẫn chứng triển vọng trái ngược ở Anh, nơi lạm phát cao đã khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu đáng kể. Tuy nhiên, các đợt giảm giá mạnh vào Thứ Sáu Đen có thể sẽ siết chặt biên lợi nhuận của các nhà bán lẻ.
“Lợi nhuận sẽ không xuất hiện ở những nơi mà các nhà bán lẻ mong muốn. Điều đó một phần là do họ không thể chuyển tất cả chi phí do lạm phát sang cho người tiêu dùng”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Theo Adobe Analytics, chi tiêu mua sắm qua thương mại điện tử vào Ngày Lễ tạ ơn (24-11) ở Mỹ tăng 2,9%, lên 5,29 tỉ đô la Mỹ. Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ lạm phát gần 8% của Mỹ trong 12 tháng kết thúc vào tháng 10. Công ty phần mềm Salesforce cho biết mức giảm giá trung bình cho hàng hóa tiêu dùng vào Thứ Sáu Đen năm nay lớn hơn 30%, tăng từ mức 28% của Thứ Sáu Đen năm ngoái và gần với mức 33% vào năm 2019. Các mức giảm giá lớn nhất xuất hiện ở các mặt hàng gia dụng, quần áo, sức khỏe và chăm sóc sắc đẹp.
Rob Garf, Phó Chủ tịch phụ trách bán lẻ tại Salesforce, nói: “Mọi người đơn giản là mua ít sản phẩm hơn vì đồng tiền của họ không còn nhiều giá trị như trước đây”.
Hàng thời trang trung cấp bị ngó lơ
Tại Trung tâm thương mại Crossgates ở Albany, New York, gian hàng của các thương hiệu thời trang giá rẻ và các nhà bán lẻ hàng cao cấp có lượng người qua lại nhiều nhất, trong khi các cửa hàng trung cấp lại vắng vẻ.
Thương hiệu Old Navy của Gap giảm giá 60% cho hầu hết các sản phẩm. Dòng người xếp hàng trước gian hàng Old Navy dài đến nỗi một số người mua sắm phải quay đầu ngay khi họ mới bước vào.
Các gian hàng thời trang phân khúc cao cấp hơn như Lululemon Athletica cũng thu hút các đám đông. Trong khi đó, các gian hàng của thương hiệu thời trang trung cấp như Urban Outfitters hay Banana Republic của Gap chỉ có một số ít khách mua sắm.
Lưu lượng khách ổn định tại một số nhà bán lẻ cho thấy nhiều người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chi tiêu mạnh mẽ. Một siêu thị điện máy của Best Buy gần sân bay quốc tế Dallas-Fort Worth (bang Texas) có nhiều ô tô đỗ ngay trước cửa ra vào để lấy các tivi lớn và các mặt hàng điện tử khác. Grapevine Mills, một trung tâm mua sắm giảm giá gần đó, đông đúc đến mức một số khách hàng phải bỏ đi.
Nhưng những đám đông như thế dường như là một ngoại lệ. Người xếp hàng tính tiền tại khu bán đồ chơi của cửa hàng bách hóa ở Macy's ở Stamford, bang Connecticut, không phải chờ đợi dù nhân viên thu ngân ở đây đã chuẩn bị phục vụ nhiều người mua sắm hơn. Một siêu thị của Walmart ở vùng ngoại ô Dallas cũng có nhân viên thu ngân sẵn sàng phục vụ mà khách không cần xếp hàng. Điều này tạo ra cảm giác thoải mái cho đôi vợ chồng Veronica Gonzalez và Carlos Garcia.
Gonzalez nói: “Thật tốt khi bạn không cần phải đến vào lúc 5 giờ sáng và mọi thứ mà chúng tôi đang tìm kiếm đang còn sẵn ở đây”.
Những Black Friday náo nhiệt chỉ còn là quá khứ?
Kỷ nguyên của đám đông trong ngày Thứ Sáu Đen đã dừng lại với đại dịch Covid-19 và có lẽ nó sẽ không quay trở lại khi nhiều người tiêu dùng mua sắm trực tuyến hơn và phân bổ các chi tiêu của họ trong một thời gian dài hơn.
Theo dữ liệu của Adobe Analytics, người tiêu dùng Mỹ chi 9,12 tỉ đô la Mỹ mua sắm trực tuyến trong Thứ Sáu Đen năm nay. Con số này tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái với thiết bị điện tử là nhân tố đóng góp chính, có mức tăng trưởng doanh số 221% so với mức trung bình mỗi ngày trong tháng 10. Đồ chơi là một mặt hàng đắt khách khác, tăng 285% doanh số, cũng như thiết bị tập thể dục, tăng 218%.
Edward Yruma, nhà phân tích bán lẻ tại Piper Sandler, cho biết trong một báo cáo: “Bầu không khí ồn ào lịch sử của Thứ Sáu Đen tại các trung tâm mua sắm có thể chỉ còn là quá khứ”.
Bên trong những đám đông vừa phải vào ngày Thứ Sáu Đen là những người khách hàng như Therese Pociask, 60 tuổi, người đang mua sắm tại siêu thị Target ở Chicago cho cơ sở chăm sóc trẻ nhỏ của bà. Trong giỏ hàng của bà là một gói quà sữa tắm trị liệu muối của thương hiệu Epsom Salt, cuộn phim cho máy ảnh Fujifilm Instax, ba con khủng long nhồi bông và một bộ đồ chơi xếp hình.
Pociask cho biết bà đã dự định chi khoảng 2.000 đô la Mỹ trong những ngày lễ cuối năm, tương đương với năm ngoái. Nhưng với lạm phát cao, ngân sách của bà không còn nhiều như trước nữa.
Bà nói: “Tôi đang cố gắng duy trì trong phạm vi ngân sách của mình, nhưng tôi thấy mình phải chi nhiều hơn để mua cùng một lượng sản phẩm như năm ngoái”.
Nhìn chung, Liên đoàn bán lẻ quốc gia Mỹ (NRF), dự báo doanh số bán hàng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm ở Mỹ, bao gồm cả thương mại điện tử, sẽ tăng từ 6-8%, lên mức 942,6- 960,4 tỉ đô la Mỹ trong hai tháng cuối năm. Mức tăng trưởng này thấp hơn mức tăng 13,5% của năm ngoái và mức tăng 9,3% vào năm 2020.
Theo Bloomberg, CNBC