(KTSG Online) – Còn vài ngày nữa là Tết nguyên đán, các điểm kinh doanh hàng hóa “chạy nước rút” với đa dạng sản phẩm, mặt hàng phục vụ nhu cầu mua sắm. Ở nhiều kênh bán như trực tuyến, điểm truyền thống ước tính lượng hàng tiêu thụ dịp cuối năm nay có tăng nhưng không bằng so với mọi năm.
Chợ, siêu thị "hồi hộp" chờ mùa mua sắm cận Tết
Ghi nhận tại Saigon Co.op, năm nay tổng giá trị nguồn hàng thiết yếu phục vụ Tết của Saigon Co.op lên đến 10.000 tỷ đồng, tăng từ 20-50% tùy theo nhóm hàng so với tháng kinh doanh bình thường. Phần lớn ngân sách ưu tiên cho trữ lượng các nhóm hàng bình ổn thị trường gồm gạo, đường, dầu ăn, thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản… còn lại dành cho các mặt hàng thực phẩm, phi thực phẩm khác và các loại đặc sản Tết.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc vận hành hoạt động Co.opmart kiêm giám đốc Marketing Saigon Co.op chia sẻ năm nay đơn vị kỳ vọng sức mua và lượt khách tăng khoảng 20-30% so với tháng kinh doanh bình thường, tăng 50% so với ngày thường. Mức tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh mứt kẹo, bánh chưng bánh tét, giỏ chả, dưa hành củ kiệu, trái cây trưng bày mâm ngũ quả, các mặt hàng đồ dùng, may mặc tăng nhẹ hơn so với những năm trước.
Để hàng hóa dồi dào nhưng vẫn đảm bảo giá cả không leo thang ngày Tết, đơn vị đã thực hiện nhiệm vụ bình ổn giá cả thị trường giai đoạn cao điểm mua sắm của người dân trong 3 tháng diễn ra Tết Giáp Thìn. Hệ thống khẩn trương phát triển mạng lưới, khai trương những điểm bán. Cụ thể doanh nghiệp có 2 Co.opmart mới tại Tiền Giang và An Giang vào cuối tháng 12-2023; 10 Co.op Food mở mới quận 9, Tân Phú, Gò Vấp (TPHCM), Bình Dương, Biên Hòa.
Bên cạnh đó, chương trình Tết của siêu thị sẽ có hoạt động giảm giá từ 50-100% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết. Chuỗi chương trình này kéo dài đến sát Tết Nguyên đán, đặc biệt trong mười ngày cận Tết tiếp tục giảm giá sâu hơn để giảm áp lực mua sắm cho người dân; đồng thời duy trì song song các chương trình khuyến mãi tặng quà, tặng điểm thưởng mức cao, tặng phiếu quà tặng, đại diện siêu thị cho hay.
Ghi nhận tại một vài điểm bán lẻ hàng hóa khác tại TP Thủ Đức, chị Minh Tâm, chủ của cửa hàng tạp hóa đã trải qua hơn 10 mùa Tết tâm sự tuy hàng hóa được nhập về giảm bớt so với năm trước khoảng 20%, nhưng mặt hàng phục vụ Tết tiêu thụ còn chậm.
“Trước đây khách thường mua rất nhiều quà Tết, bánh kẹo mứt đem về quê vì đây là khu gần các xóm trọ, nhưng năm nay họ chỉ mua ít đồ khô với mức chi tiêu từ 300-500.000 đồng. Các loại liễn, chi tiết trang trí Tết giảm hẳn 40% dù giá không tăng so với những năm trước. Bây giờ tiểu thương hồi hộp chờ những ngày cuối sát Tết”, chị nói.
Tại các siêu thị nhỏ khác, đại diện cũng cho biết các loại thịt heo, rau củ tươi bán để làm món Tết cũng chậm hơn năm ngoái khoảng 10-30% nên cửa hàng liên tục đẩy giá khuyến mãi về cuối ngày để nhập hàng mới. Chủ siêu thị hy vọng bán hết hàng Tết, tránh tồn kho vào những ngày cuối cùng nhờ gia tăng thêm hoạt động quảng cáo, thu hút lôi kéo người dân mua sắm trước cửa hàng.
Thương mại điện tử “nóng” nhưng chưa đủ nhiệt
Chia sẻ với Kinh Tế Sài Gòn Online, đại diện Metric, một nền tảng chuyên phân tích thống kê dữ liệu thương mại điện tử (E-commerce), nhìn nhận thị trường thương mại điện tử (TMĐT) 3 tháng cuối năm 2023 tăng 34% so với cùng kỳ 2022 chỉ tính trên 4 sàn shopee, lazada, tiki, sendo.
Người tiêu dùng trong nhiều năm gần đây đã dần quen với việc mua sắm, chuẩn bị tết trên các sàn TMĐT vì tính tiện lợi và áp dụng được nhiều mã ưu đãi thay vì hình thức mua sắm truyền thống như lâu nay.
Tuy nhiên, quí 4-2023 các ngành hàng đều giảm doanh thu so với quý liền kề là quí 3-2023, thực tế cho thấy người tiêu dùng không dồn dập sắm tết như trước đây mà mua sắm trải dài ổn định trong cả năm.
Theo số liệu thống kê 2 năm 2022 và 2023, thời trang nữ, thời trang nam, thời trang trẻ em và bách hoá thực phẩm là 4 nhóm ngành hàng phát triển mạnh trong thời điểm cuối năm âm lịch. Cụ thể, 2 tháng trước Tết âm lịch 2023, thời trang nữ tăng trưởng 26%, thời trang nam tăng trưởng 39%, thời trang trẻ em tăng 29% và bách hoá thực phẩm tăng 16% so với 2 tháng liền kề trước đó.
Theo Metric, trong khoảng thời gian còn lại trước Tết Nguyên đán 2024, đây vẫn là những ngành hàng tạo nên sức bật cho thị trường TMĐT. Báo cáo của Metric cho thấy, 3 ngành hàng có mức tăng trưởng vượt bậc so với các ngành khác trên thương mại điện tử là ngành giỏ quà, hàng quà tặng Tết, đồ uống có cồn và giải khát tăng 16% so với Tết 2023, ngành hàng trang trí nhà cửa và thực phẩm Tết có mức tăng trưởng ấn tượng hơn 50% trong Tết 2024.
Thực tế, hoạt động kinh doanh mua bán online trên sàn thương mại điện tử, website nhà bán lẻ và cả trên mạng xã hội đang có sự tăng trưởng, nhộn nhịp hơn so với các mùa khác trong năm. Tuy nhiên, số lượng nhà bán hàng lẫn sản lượng bán đều tụt giảm, nhưng cũng có được sự hưởng ứng của người tiêu dùng vì phong tục tập quán mong muốn có những điều mới mẻ, tươi đẹp trong những ngày đầu năm mới.
Từ đại diện nền tảng Haravan, ông Nguyễn Mạnh Tấn cho rằng nguyên nhân hoạt động mua sắm tết năm nay chậm hơn mọi năm, nằm ở việc túi tiền người tiêu dùng đã eo hẹp hơn so với năm 2022. Tình hình kinh doanh chung của đa phần doanh nghiệp không được tốt, các khoản lương thưởng cũng ít và chậm hơn, dẫn đến người tiêu dùng còn dè dặt trong vấn đề mua sắm. Mặc dù các nhà kinh doanh, doanh nghiệp trên thương mại điện tử ra sức khuyến mãi sâu và nhiều.
Qua khảo sát của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (Vecom), nếu tính tổng quát, thương mại trên kênh trực tuyến của 2023 tăng trưởng 20% so với năm 2022. Từ hành vi mua hàng của người tiêu dùng đã quen mua sắm online, doanh nghiệp cũng theo đó mà thích nghi với sự chuyển dịch này, khách hàng ở đâu thì họ bán hàng, tiếp thị ở đó.
Chính vì vậy, trong năm qua, tuy có rất nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ rời bỏ sàn thương mại điện tử vì gặp khó khăn tài chính và vận hành, nhưng cũng có rất nhiều doanh nghiệp trung và lớn đang nắm bắt cơ hội để tiếp cận khách hàng trẻ mạnh mẽ hơn bao giờ hết, ông Mạnh Tấn đánh giá.