Thứ sáu, 27/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mua sắm kết hợp giải trí sẽ ‘dẫn dắt’ sự phát triển của thương mại điện tử?

Minh Duy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Người tiêu dùng tiếp tục trông đợi vào những đợt giảm giá lớn lên trên các sàn thương mại điện tử nhưng cũng kỳ vọng vào những đổi mới khác của các sàn trong thời gian tới. Trong đó, có đổi mới để đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa và mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) - một hình thức bán hàng được đánh giá là trực quan, tạo không khí vui vẻ hơn khi mua sắm.

Những nội dung trên có trong nghiên cứu trực tuyến được ủy quyền bởi công ty chuyển phát nhanh FedEx Express. Cuộc nghiên cứu được thực hiện vào tháng 7 rồi, bởi Harris Interactive ở 11 thị trường, gồm Úc, Hồng Kông, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

Ở mỗi thị trường, có 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ, có ít hơn 250 nhân viên tham gia vào thương mại điện tử cùng với 500 người tiêu dùng, riêng Ấn Độ là 1.000 người trên 18 tuổi được thăm dò.

Thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ

Với kênh mua sắm trực tuyến, khách hàng đang mong đợi những đổi mới trong việc cá nhân hóa, giải trí kết hợp mua sắm điện và đa dạng kênh thanh toán. Ảnh minh họa: TL

Theo nghiên cứu trên, những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Ấn Độ, Malaysia, Philippines và Việt Nam lạc quan nhất về sự tăng trưởng của lĩnh vực thương mại điện tử. Trong đó, có đến 94% doanh nghiệp trong nhóm này tại Việt Nam dự đoán, thương mại điện tử sẽ tiếp tục bùng nổ và dần đóng vai trò quan trọng hơn với mức độ tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 năm tới.

Người tiêu dùng cũng có ý kiến tương tự, có đến 9/10 người tiêu dùng Việt Nam cho biết đã mua hàng trên các sàn thương mại điện tử nhiều hơn trong 3 năm qua. Phần lớn (87%) trong số khách hàng dự đoán, hình thức này sẽ chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng chi tiêu cho mảng bán lẻ của họ trong 3 năm tới.

Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam 2022, vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số thuộc Bộ Công thương phát hành trong tháng 9 này cũng có những thông tin tương tự về thị trường.

Theo đó, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 16,4 tỉ đô la Mỹ vào năm nay, tăng gấp đôi so với năm 2017. Số người mua sắm trực tuyến tăng từ 33,6 triệu người vào năm 2017 lên 54,6 triệu người vào năm 2021. Giá trị mua sắm của một người cũng tăng từ 186 lên 251 đô la Mỹ sau 5 năm.

Vào năm 2021, Việt Nam có hơn 58,2% người dùng internet mua sắm qua mạng hàng tuần, không thu kém là bao so với trung bình của toàn cầu là 58,4%.

Nhu cầu giải trí - mua sắm sẽ dẫn dắt thị trường?

Cũng theo nghiên cứu được ủy quyền bởi FedEx Express, tuy ngày càng có nhiều người mua sắm trên các sàn thương mại điện tử nhưng người tiêu dùng vẫn còn chưa thật sự hài lòng với kênh mua sắm này. Thêm vào đó, thị trường phát triển nhanh đang kéo theo các nhu cầu mới của khách hàng, trong đó có nhu cầu cá nhân hóa và mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment)

Dữ liệu khảo sát cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đánh giá, việc giao hàng mất quá nhiều thời gian là điểm đau khách hàng (pain point) số một (59%), tiếp theo là quy cách xử lý hàng bị hoàn trả (47%).

Khách hàng kỳ vọng, đơn hàng sẽ được giao trong khoảng từ ba ngày đến một tuần nhưng cũng cho biết trong trường hợp không thể nhận hàng nhanh thì vẫn sẽ hài lòng nếu dịch vụ giao vận uy tín.

Người tiêu dùng, gồm người tiêu dùng ở Việt Nam và trong khu vực tiếp tục mong đợi những lễ hội mua sắm với các đợt săn hàng giảm giá lớn trên các sàn thương mại điện tử cùng những đổi mới khác của sàn.

Trong đó, có đổi mới trong việc cá nhân hóa, giải trí kết hợp mua sắm và phương thức thanh toán đa dạng để nâng cao trải nghiệm mua trực tuyến. Thêm vào đó là những cách thức giúp người tiêu dùng tìm được đúng sản phẩm cần tìm và mua sắm thuận tiện hơn.

Ông Kawal Preet, chủ tịch khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Đông và Châu Phi (AMEA) của FedEx Express, cho rằng mua sắm trực tuyến ngày càng được ưa chuộng cũng khiến cho sở thích và xu hướng của người tiêu dùng ngày càng trở nên tinh tế hơn.

"Hơn bao giờ hết, trải nghiệm của khách hàng, đã trở thành động lực chính thúc đẩy những đổi mới trong các giải pháp vận chuyển của chúng tôi và cả cách các nhà bán lẻ điện tử tương tác với khách hàng”, ông nói trong bản thông tin gửi đến các cơ quan truyền thông.

Mua sắm kết hợp giải trí là xu hướng mới được nhắc đến trong thời gian gần đây. Đây là hình thức thương mại dựa trên nội dung có tính chất giải trí và định hướng người tiêu dùng.

Với hình thức thương mại này, thay vì chỉ tìm kiếm, so sánh giá để đi đến quyết định mua hay không như thường thấy trên các sàn điện tử, người tiêu dùng có thể xem livestream giới thiệu sản phẩm của người bán hàng và đặt hàng. Việc này được đánh giá là trực quan, tạo không khí vui vẻ và giúp khách hàng ít tốn thời gian hơn để quyết định mua hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới