Mua sắm qua mạng xã hội ở TPHCM chiếm 50% mua hàng trực tuyến
Chí Thịnh
(TBKTSG Online) - Theo số liệu từ Sở Công Thương TPHCM, mức chi tiêu của người dùng trên mạng xã hội chiếm gần 50% tổng giá trị hàng hóa mua sắm trên mạng.
Theo số liệu khảo sát của Sở Công Thương TPHCM trong năm 2019, các hộ gia đình tại thành phố chi tiêu cho mua hàng qua mạng xã hội chiếm khoảng 49% tổng mức mua sắm trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo kết quả khảo sát tình hình ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) năm 2019 từ Sở Công Thương TPHCM, tỷ lệ doanh nghiệp có website TMĐT chiếm 33,1% (giảm 2,3% so với năm 2018); các website TMĐT đạt cấp độ 4 (giao dịch trực tuyến) chiếm 2,4% (tăng 0,4% so với năm 2018)…
Đặc biệt, hoạt động sử dụng mạng xã hội (ví dụ như Facebook) để mua sắm chiếm tới 61,4% (giảm 2,4% so với năm 2018). Tổng giá trị hàng hóa các hộ gia đình mua hàng trực tuyến là 13,4 triệu đồng/hộ, trong đó, chỉ riêng việc mua sắm qua mạng xã hội đã tiêu tốn khoảng 6,5 triệu đồng (khoảng 49%) của mỗi hộ gia đình trong năm 2019.
Facebook và website hiện được đánh giá là hai kênh bán hàng được sử dụng nhiều và có hiệu quả trong số các kênh bán hàng hiện nay. Ảnh minh hoạ: Công ty Sapo |
Theo kết quả nghiên cứu của Facebook và Tập đoàn tư vấn Boston (Boston Consulting Group - BCG) công bố vào cuối năm ngoái, trong số 9 quốc gia được khảo sát, Việt Nam và Thái Lan là hai quốc gia đi đầu về nhận thức và ứng dụng mua bán hàng qua nền tảng đối thoại (ứng dụng nhắn tin/thoại trên mạng).
Trong khi đó, một số chuyên gia công nghệ đánh giá rằng hoạt động mua bán trên các diễn đàn, mạng xã hội… như hiện nay rất khó kiểm soát; các “chợ” bán hàng trên mạng chủ yếu là hoạt động tự phát hoặc chịu sự quản lý của các công ty công nghệ/tập đoàn công nghệ xuyên biên giới. Có thể nói, việc bán hàng trên mạng theo kiểu tạo topic (chủ đề) mua bán trên các diễn đàn, bán hàng qua nhóm Facebook (Group)… không đăng ký kinh doanh theo cách thức hộ gia đình/doanh nghiệp mở cửa hàng/website bán hàng.
Trước đó, cơ quan thuế tại TPHCM đã triển khai công tác rà soát thuế với cá nhân bán hàng qua Facebook từ năm 2017 dựa vào sự sàng lọc từ hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục thuế. Sau đó, từ danh sách này, cơ quan thuế tiến hành rà soát số điện thoại, địa chỉ đăng ký của chủ tài khoản để tiến hành gửi thư mời họ đến làm việc.
Thông qua cách thức này, ngành thuế chỉ muốn tiếp xúc và tìm hiểu xem việc kinh doanh qua mạng của những người này như thế nào, họ đã kê khai thuế chưa… Công việc rà soát các cá nhân bán hàng trên Facebook hiện thời được giao cho các chi cục thuế quận, huyện thực hiện.
Người tiêu dùng đang quen dần với việc mua hàng qua Facebook Có thể nói, như mô hình chợ Facebook hiện thời đang tập trung vào nhóm khách hàng cá nhân, các mẫu tin rao vặt trên mạng nhiều hơn so với các cá nhân/doanh nghiệp đang kinh doanh trên các sàn giao dịch TMĐT B2C. Hoạt động bán hàng trên Facebook đang mang tính “giáo dục”, tập người dùng làm quen với mua bán trực tuyến. Mọi người sẽ làm quen với việc bán hàng trên Facebook và khi có ý định lập doanh nghiệp kinh doanh thì bắt đầu với fanpage và quay lại câu chuyện chạy quảng cáo trên Facebook để bán được hàng. |
Mời đọc thêm: