Mua WhatsApp với giá kỷ lục, Facebook muốn gì?
Thái Bình
![]() |
Jan Koum (phải) và Brian Acton - hai nhà sáng lập WhatsApp, đã trở thành tỷ phú sau khi công ty của họ được Facebook mua lại với giá 19 tỉ đô la. Ảnh: New York Times |
(TBKTSG Online) - Sự kiện Facebook mua lại dịch vụ nhắn tin WhatsApp với giá 19 tỉ đô la Mỹ đã gây một cú sốc lớn trên các thị trường tài chính và công nghệ; giá cổ phiếu của Facebook trên sàn chứng khoán New York lập tức giảm 4%, từ 68,88 đô la xuống còn 66,24 đô la Mỹ/cổ phiếu.
Có khá nhiều chuyên gia cho rằng, mức giá 19 tỉ đô la của thương vụ này là “quá hớp” nếu so với vụ tập đoàn Rakuten Inc. (Nhật Bản) mua lại một dịch vụ tương tự là Viber với giá chỉ 900 triệu đô la vào tuần trước. Điều gì ẩn đằng sau thương vụ “khủng” này?
Đằng sau thương vụ này còn có một điều khá lý thú: Jan Koum – một thanh niên Ukraina di cư sang Mỹ lúc 16 tuổi, phải sống nhờ vào trợ cấp xã hội và tem phiếu lương thực, song nhờ nỗ lực sáng tạo tuyệt vời đã phút chốc trở thành tỷ phú đô la, hoàn thành giấc mơ, gần như cùng con đường mà Mark Zuckerberg của Facebook đã đi qua. |
WhatsApp là gì?
WhatsApp là một ứng dụng nhắn tin trên điện thoại di động ra đời năm 2009, hiện có 55 nhân viên, trong đó có 32 kỹ sư phần mềm. Theo số liệu từ Sequoia Capital – quỹ đầu tư mạo hiểm duy nhất đổ tiền xây dựng WhatsApp – dịch vụ này hiện có 450 triệu người dùng, số người dùng đã tăng gấp đôi trong vòng chín tháng qua và bình quân mỗi ngày có thêm 1 triệu người đăng ký. Trong số này, 70% sử dụng WhatsApp ít nhất một lần mỗi ngày – cao hơn tỷ lệ 61% của Facebook. Theo trang mạng OnDevice, WhatsApp là dịch vụ nhắn tin được sử dụng nhiều nhất trên mạng, mỗi ngày xử lý khoảng 50 tỉ tin nhắn văn bản, 600 triệu tấm ảnh, 100 triệu tin nhắn video.
Khác với Viber, WhatsApp chạy được trên hầu hết các nền tảng di động chính như Windows, iOS (Apple), Android (Google), Blackberry v.v… và người sử dụng WhatsApp có thể nhận được tin nhắn ngay cả khi không kết nối Internet, chỉ cần có sóng điện thoại di động. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng của WhatsApp vì hầu hết các phần mềm nhắn tin khác như iMessage (Apple), Facebook Messenger (Facebook), Viber… đều đòi hỏi người nhận tin phải có kết nối Internet và hầu như chỉ chạy trên một vài nền tảng di động nào đó.
WhatsApp cũng không “chèn” quảng cáo vào màn hình như đa số các ứng dụng trên điện thoại di động mà người dùng chỉ phải trả phí mỗi năm 0,99 đô la Mỹ sau khi được miễn phí sử dụng một năm. Hiện WhatsApp vẫn là công ty tư nhân, chưa phát hành cổ phiếu và chưa công bố doanh thu và lợi nhuận, nhưng nếu lấy giá mua mà Facebook đưa ra để chia đều cho số nhân viên WhatsApp thì mỗi nhân viên nhận được tới 345 triệu đô la, cao gấp hàng trăm lần so với con số 1,25 triệu đô la Mỹ mà mỗi nhân viên Facebook làm ra.
Đắt hay rẻ?
So với mức giá 900 triệu đô la của vụ sáp nhập Rakuten-Viber tuần trước thì có thể nói giá 19 tỉ đô la cho WhatsApp là quá đắt, vì cả Viber và WhatsApp có dịch vụ tương tự nhau và cùng có số người sử dụng khoảng 400-500 triệu người. Tuy nhiên, nếu so với Twitter – một dịch vụ quảng bá tin nhắn khác, có khoảng 250 triệu người sử dụng, đã niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán New York với giá trị vốn hóa khoảng 30 tỉ đô la Mỹ - thì 19 tỉ đô la cho WhatsApp là có thể hiểu được.
Giá trị chủ yếu của các mạng xã hội, dịch vụ di động nằm ở số lượng người sử dụng (users); ai có đông users hơn thì người đó thắng. Facebook - mạng xã hội lớn nhất thế giới, có 10 năm tuổi, hiện có hơn 1,2 tỉ users, giá trị của Facebook trên thị trường chứng khoán hiện ở mức 171,6 tỉ đô la Mỹ; bình quân mỗi người xài Facebook “đóng góp” cho mạng này 150 đô la giá trị. Tính theo per-user basic này, mỗi người dùng WhatsApp đóng góp 40 đô la Mỹ, tương đương với các mạng xã hội khác. “WhatsApp đang trên đường tới mục tiêu kết nối 1 tỉ người. Dịch vụ nào đạt tới mốc đó đều có giá trị hết sức to lớn”, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg. Khối lượng người sử dụng đồ sộ của Facebook, được cộng thêm gần nửa tỉ users của WhatsApp, sẽ tạo ra một giá trị lớn khủng khiếp. Xét về phương diện này, mức giá 19 tỉ đô la của WhatsApp là không đắt.
Facebook muốn gì?
![]() |
So sánh sự phát triển số người sử dụng trong 4 năm đầu tiên của một số dịch vụ di động chính. |
Trong thông cáo phát ra ngay sau khi thông tin mua lại WhatsAp được công bố, Chủ tịch Facebook Mark Zuckerberg giải thích động cơ của thương vụ này: “Sứ mệnh của chúng tôi là làm cho thế giới ngày càng cởi mở hơn, kết nối chặt chẽ hơn. Chúng tôi làm điều này bằng cách xây dựng các dịch vụ giúp cho mọi người chia sẻ mọi loại nội dung với mọi nhóm người mà họ muốn. WhatsApp giúp chúng tôi tiếp tục phát triển một dịch vụ mà mọi người trên thế giới đều muốn dùng hàng ngày”.
Đằng sau những lời lẽ đao to búa lớn có tính chất PR này, nhiều người cho rằng, mục đích của Facebook rất cụ thể: thống trị hoạt động giao tiếp giữa người và người trên thế giới mạng; tiến dần từ chỗ một mạng xã hội tổng hợp sang các dịch vụ chuyên biệt hơn như chia sẻ hình ảnh và video, nhắn tin và hội thoại (chat) trên nhiều nền tảng di động khác nhau. Facebook cũng nhắm tới đối tượng khách hàng chỉ muốn chia sẻ thông tin tới từng người cụ thể hoặc tới từng nhóm nhỏ thay vì tới cộng đồng, đông đảo nhưng khá phức tạp, trên Facebook.
Hiện Facebook đã khá thành công với Facebook Messenger – phần mềm nhắn tin chỉ xếp thứ hai sau WhatsApp về số người dùng – nhưng Facebook Messenger chỉ hoạt động được trên nền Facebook và đòi hỏi phải có kết nối Internet. Để khắc phục điểm yếu này, năm ngoái Facebook đã đề nghị 3 tỉ đô la mua lại đối thủ SnapChat nhưng bị SnapChat từ chối.
Về doanh thu, các chuyên gia của hãng tư vấn Deloitte cho rằng, hiện số tin nhắn trao đổi mỗi ngày trên nền Internet di động nhiều gấp đôi so với số tin nhắn trên mạng viễn thông truyền thống nhưng chưa tạo ra nhiều doanh thu cho nên đây là một lĩnh vực kinh doanh có triển vọng lớn. Tuy vậy, ông Mark của Facebook nói rằng, trong tương lai gần Facebook chưa nhắm tới doanh thu từ dịch vụ WhatsApp mà chỉ muốn tập trung vào phát triển nó, cho đến khi đạt được “nhiều tỉ” users.
Cuối cùng, nhiều chuyên gia cho rằng, mua lại WhatsApp, Facebook muốn “phòng vệ từ xa”, không muốn để cho một dịch vụ di động phát triển cực nhanh như vậy ngoài tầm kiểm soát và trở thành đối thủ cạnh tranh của Facebook. Các chuyên gia lưu ý rằng, trong 4 năm từ ngày thành lập, WhatsApp đã thu hút số người dùng nhiều gấp ba lần số người đăng ký sử dụng Facebook trong bốn năm đầu tiên của mạng xã hội này. Chính Mark Zuckerberg cũng thừa nhận “Không ai trong lịch sử của thế giới này có thể làm được điều tương tự [như sự phát triển vượt bậc] như WhatsApp”. Và như vậy, việc mua lại WhatsApp có thể là một bước đi rất khôn ngoan, mang tính chiến lược tầm xa của ông chủ Facebook.