Thứ năm, 23/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mục đích cuối cùng của dạy và học sử là gì?

PGS.TS. Nguyễn Minh Hòa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vậy là mọi chuyện cuối cùng đã ngã ngũ. Theo Nghị quyết 63 của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải “thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn, một cách hợp lý”. Nhưng với cách dạy và học sử như lâu nay, mọi cải tiến đều vô ích.

Ngày 11-7-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kế hoạch thực hiện môn lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình lịch sử phần bắt buộc cấp trung học phổ thông.

Vấn đề là dạy cho học sinh cái gì, và mục đích cuối cùng (được gọi là tối thượng) thì thế hệ trẻ có được cái gì bổ ích cho họ và cho cả nước nhà.

Tôi là cha của hai đưa con, ông của vài đứa cháu. Một năm chúng có ít nhất hai lần thi cử môn sử là thi hết học kỳ 1 và hết năm (từ lớp 10-12). Nhận từ cô giáo một đề cương ôn thi đã soạn sẵn cho bốn đề thi (tức là bốn phương án khác nhau, học sinh sẽ phải thi một trong bốn hoặc được trộn qua lại), mỗi đề thi 25 câu, như vậy tổng số câu học thuộc là khoảng 100 câu lớn và chứa trong nó là hàng trăm câu nhỏ hơn. Thế là cha con, ông cháu bò ra học ngày đêm kéo dài hai tuần.

Phải công nhận, trẻ em bây giờ khá thông minh, chúng nén vào trong đầu được hầu hết các sự kiện, năm, tháng, tên nhân vật, con số, diễn tiến sự việc, thậm chí cả những câu bình luận mà cô giáo soạn sẵn (nhiều câu cũng tức cười). Yêu cầu là phải thuộc đúng như kịch bản cô soạn sẵn, không được sai và không được thêm bớt.

Buổi sáng thi xong, tối về hỏi lại, chúng hầu như không còn nhớ một chút nào nữa, mọi sự kiện trôi tuột đi đâu mất, giống như nước chảy lá môn hay nói cách khác là chúng giống như chưa bao giờ tiếp xúc với những thông tin như thế lần nào. Đứa trẻ nào cũng thế. Thật kinh ngạc. Đó không phải là chúng cố tình quên, hay thiếu ý thức chính trị mà là hệ quả của kiểu nhớ thụ động, nạp đầu vào theo kiểu nhập liệu không phân loại và theo kịch bản của người khác.

Có một sự thật là chúng không thích học sử theo kiểu như bây giờ mà các học giả soạn ra.

Để trở thành một giảng sư và nhà nghiên cứu đại học, tất nhiên tôi cũng phải học môn sử thời phổ thông, và tôi thích lịch sử nước nhà cũng như sử thế giới. Năm 1976, tôi thi vào ngành sử và đậu, nhưng do yêu cầu của tổ chức tôi phải theo học ngành chính trị học của trường Đại học Tổng hợp TPHCM.

Thật ra trí nhớ sử của tôi nếu chiếu theo chương trình đào tạo phổ thông ban hành thì còn rất nhiều lỗ hổng, tôi không nhớ được trình tự sự kiện, năm tháng, ngày sinh của các nhà lãnh đạo. Nhưng tôi yêu thích sử theo một cách khác.

Tôi rất mê các câu chuyện lịch sử về các nhân vật mà tôi yêu thích và các chi tiết lịch sử mà tôi ấn tượng. Tôi vô cùng yêu và ngưỡng mộ nhà Trần, bởi một triều đại tồn tại 175 năm với 12 đời vua (cái này nhờ tra Google), hơn thế nữa đánh thắng giặc phương Bắc hung hãn những ba lần thì phải là triều đại vô cùng mạnh, vô cùng hiển hách, vô cùng văn minh vào thời đó. Song nếu bảo tôi kể ra tên 12 vị vua, năm sinh, thời gian trị vì thì tôi chịu, lại phải nhờ đến Google. Nhưng tôi yêu những câu chuyện hư thực quanh họ. Lần đầu tiên tôi đọc chuyện Lá cờ thêu sáu chữ vàng của Nguyễn Huy Tưởng khi học lớp 5 (chừng năm 1965), câu chuyện ấy đọng lại trong tôi hình ảnh một cậu thiếu niên 16 tuổi vô cùng anh hùng và đẹp lồng lộng với lá cờ thêu sáu chữ “phá cường địch, báo hoàng ân”, chỉ với 600 thiếu niên cùng tuổi mình mà dám xông pha trận mạc, hét vang trời “sát thát” coi cái chết nhẹ như lông hồng. Tôi yêu các dũng tướng nhà Trần có cốt cách khác người như Trần Khánh Dư, một dũng tướng, giỏi thơ ca hội họa, cực kỳ trăng hoa, có lúc phải bán than độ nhật, rồi nữa là Yết Kiêu, Trần Bình Trọng… Sau này bộ tiểu thuyết Bão táp triều Trần sáu tập của nhà văn Hoàng Quốc Hải tôi không bỏ sót tập nào.

Buổi sáng thi xong, tối về hỏi lại, chúng hầu như không còn nhớ một chút nào nữa, mọi sự kiện trôi tuột đi đâu mất, giống như nước chảy lá môn hay nói cách khác là chúng giống như chưa bao giờ tiếp xúc với những thông tin như thế lần nào. Đứa trẻ nào cũng thế. Thật kinh ngạc.

Lịch sử nước nhà được tôi tiếp nhận bằng con đường đó mà không phải là những bài học lịch sử soạn sẵn theo chương hồi, những con số dày đặc, những sự kiện chồng chất nhau và những cái tên khó nhớ. Tôi yêu nhà quân sự thiên tài Quang Trung, nhưng tôi cũng yêu Nguyễn Ánh, người mở ra vùng đất Nam bộ mà tôi đang sống.

Mỗi lần ra Hà Nội công tác, dù bận nhưng tôi vẫn thu xếp để thăm bảo tàng quốc gia, bảo tàng dân tộc học, bảo tàng quân đội, hoàng thành Thăng Long, và tất nhiên cả nghĩa trang Vị Xuyên, từ đó tự mình phát hiện ra những điều mà chính sử không bao giớ nhắc đến và hiểu lịch sử, nhớ lịch sử theo cách riêng của mình.

Nếu bây giờ cho tôi thi cùng với học sinh lớp 11 một đề thi môn sử lớp, chắc tôi được điểm rất thấp, nhưng tôi không lấy thế làm xấu hổ. Quan niệm rất rõ ràng của tôi là sử học (một môn học), lịch sử thành văn hay không thành văn phải mang đến cho người học, người đọc một cảm hứng bất tận về tổ quốc. Tôi tự hào là người Việt Nam, tôi tự hào về lịch sử đất nước tôi và tôi yêu dân tộc này không toan tính. Tôi không thuộc sử nhưng tôi đã dành cả tuổi thanh xuân cho chiến trường, cho việc xây dựng đất nước. Đã nhiều lần tôi có cơ hội định cư nước ngoài, nhưng tôi từ chối, bởi tôi quan niệm tổ quốc với tôi như người mẹ, tôi yêu từ trong máu thịt. Mẹ tôi khi sinh thời có thể rất nghèo, quê mùa, răng đen, nói nhiều, nhưng tôi rất yêu vì đấy là mẹ của tôi. Tổ quốc với tôi cũng vậy. Tôi luôn tự hào nói mình là người Việt Nam khi xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế.

Giới lãnh đạo Trung Quốc rất hiểu một điều là nước họ vô cùng rộng lớn, dân đông, lịch sử mỗi vùng, mỗi cộng đồng đều trải qua quá trình hình thành rất lâu đời và phức tạp, chí ít cũng 5.000 năm, nên làm cho dân Trung Quốc biết, hiểu lịch sử của họ qua những bộ sử dày cộp là điều không thể, do vậy mà mấy chục năm nay họ bỏ ra rất nhiều tiền để làm một việc là làm mới lại các nhân vật lịch sử, các sự kiện lịch sử qua phim ảnh, truyện. Bạn đã thấy có phim lịch sử Việt Nam nào mà người dân say mê với nó như Hoàn châu cách cách chưa?

Những năm gần đây một số bạn trẻ yêu sử nước nhà đã tìm tòi những cách thức hoàn toàn mới đưa sử nước nhà đến với bạn trẻ. Một câu chuyện làm chúng ta phải suy nghĩ. Có một nhóm bạn trẻ tên là “Việt sử kiêu hùng” tự mình thực hiện một dự án phim lịch sử. Lịch sử được tái hiện dưới hình thức phim dã sử theo phong cách diễn họa (animation), tái hiện những nhân vật lịch sử, những trận đánh, hay những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Kinh phí chi cho dự án này là 2,4 tỉ đồng do các bạn trẻ tự bỏ ra và kêu gọi cộng đồng đóng góp. Chỉ riêng tập phim Bình Ngô đại chiến đã kêu gọi được 1,3 tỉ đồng với 1.600 người đóng góp. Lần đầu tiên Phim ra rạp và được sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả vì nó không chỉ lạ, hay, hấp dẫn bởi cái cách mà các nhà sản xuất dựng nhân vật, sự kiện một cách phi truyền thống mà còn khiến người xem phải nhớ, phải háo hức và phải tự hỏi mình.

Ngoài ra còn có những nhóm bạn trẻ yêu sử Việt Nam đã thể qua các tập truyện tranh theo cách riêng của mình, có nhóm bạn cũng bằng kinh phí của mình đã đi tất cả (tôi nói là tất cả) các đình chùa miếu mạo nổi tiếng của miền Bắc, toàn bộ hoàng thành Thăng Long để chuyển sang 3D, với những chi tiết nhỏ nhất, chính xác nhất khiến cho nó trở nên sống động, hấp dẫn. Có thể thấy con đường của những người trẻ yêu sử và muốn đưa lịch sử vượt thoát khỏi những bài học khô khan để đến với công chúng thật gian truân, chưa kể nhiều người nhân danh khoa học phê phán họ nặng lời là sến, ngô nghê, cường điệu, phi khoa học, trẻ con, nhưng đổi lại họ thành công trọng việc thu hút người xem, người đọc. Các bạn trẻ thấy lịch sử như cách diễn đạt phi chính thống thật sống động, và gần gũi, dễ hiểu và dễ nhớ. Với họ đó là những mẩu, mảnh, lát cắt lịch sử ấn tượng tự động đi vào trong trái tim, khối óc của họ. Như thế chắc chắn tốt hơn là đánh vật với những bộ sử khô khan mà không đọng lại chút nào. Những bộ sử đó phù hợp cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, các nhà dạy sử, các nhà khoa bảng. Còn với kỷ sư công nghệ thông tin, nhà kinh tế, anh công nhân thì những lát cắt, những mảnh vụn ấn tượng đó đóng đinh vào đầu là tốt rồi, mọi chuyện đã có Goolge nhớ hộ.

Dạy sử dù tự chọn hay bắt buộc không quan trọng. Quan trọng nhất là làm sao học sử, đọc sử, xem sử, nghe sử (qua nhiều cách thức khác nhau) mà họ thấy yêu cha mẹ, quê hương, nòi giống này và tự hào về dân tộc mình, nếu không làm được điều đó thì mọi cải tiến đều vô ích.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới