Thứ Hai, 13/05/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mực nước chết

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mực nước chết

Ngọc Lan

Một góc đập thủy điện Đại Ninh. Ảnh: Ngọc Lan.

(TBKTSG) – Hơn 20 nhà máy thủy điện trong hệ thống (tính các nhà máy công suất 30 MW trở lên) với tổng công suất 6.200 MW từ nay đến cuối mùa khô phải khống chế sản lượng không quá 50 triệu kWh/ngày, tương đương với vận hành đầy tải 8 giờ/ngày, thấp hơn nhiều so với năng lực sản xuất.

Cá biệt, nhà máy thủy điện sông Ba Hạ chỉ đủ nước phát điện được 3 giờ/24 giờ. Một số nhà máy mới như Cửa Đạt, Bản Vẽ tích nước từ năm 2009 đến nay mới qua mực nước chết, chưa đủ chạy nghiệm thu 72 giờ. Việc thiếu hụt 500 triệu kWh điện/tháng vì hạn hán, thiếu nước và nắng nóng diễn biến bất thường sẽ còn kéo dài trong các tháng mùa khô tới. Nên dù dự báo được tình hình ngay từ cuối mùa lũ năm 2009 qua việc hạn chế sử dụng các nguồn thủy điện, tập đoàn Điện lực Việt Nam (evn) cho biết đã phải bỏ ra 2.000 tỉ đồng mua các nguồn điện đắt chạy từ dầu DO, FO hay mua điện từ Vân Nam (Trung Quốc), với mức mua dự kiến 4,1 tỉ kWh cho cả năm 2010. Đến nay, việc nhập khẩu điện cũng không dễ dàng gì do sản lượng điện mua từ Vân Nam cũng đang tạm dừng để đối tác thi công và bảo dưỡng công trình.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định rằng: Các diễn biến thời tiết bất thường từ các tháng mùa khô năm 2009 đến nay do El Nino, hạn hán, khiến cho tình hình cạn kiệt từ thượng nguồn đến hạ du các sông ở Bắc bộ diễn ra nghiêm trọng, các sông ở Nam bộ cũng xuống mực nước thấp nhất trong lịch sử và nhiễm mặn xuất hiện sớm hơn một tháng với mức độ xâm hại nặng nề hơn.

Đặc biệt, các nhà máy thủy điện phía Trung Quốc đã làm biến đổi chế độ dòng chảy phía Việt Nam, làm căng thẳng thêm tình trạng cạn kiệt, thiếu nước trên các sông trong mùa khô 2009-2010. Theo đánh giá của trung tâm, việc điều tiết, vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn phía Trung Quốc đã làm thay đổi sâu sắc chế độ dòng chảy phía Việt Nam. Tác động mạnh nhất của chế độ điều tiết từ các hồ chứa phía thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc đến chế độ dòng chảy trên các sông có thể thấy rõ qua diễn biến mực nước sông tại các vị trí trạm đo gần biên giới Trung Quốc (sông Đà, tại Mường Tè – Lai Châu), sông Nậm Na tại Nậm Giàng, sông Thao tại Lào Cai, sông Lô tại Hà Giang và sông Gâm tại Bắc Mê với dao động mực nước, lưu lượng rất lớn theo các thời gian khác nhau trong ngày.

Tại các địa điểm khác mà các đoàn kiểm tra của trung tâm đến làm việc, nhiều người dân cho biết đã quan sát bằng mắt thường thấy những biến đổi rất rõ của dòng chảy, chứng tỏ có tác động của các hồ chứa thủy điện phía Trung Quốc đến dòng chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Thậm chí, tại Hà Giang, đã xảy ra hiện tượng cá chết do nhà máy thủy điện phía Trung Quốc xả đáy đột ngột.

Vấn đề ở đây là các nhà máy thủy điện phía Trung Quốc đã tích nước ở thượng nguồn sông Hồng nhưng lại không xả nước vào những thời điểm Việt Nam cần nước, làm cho việc sử dụng nước của Việt Nam trở nên bị phụ thuộc hơn. Bên cạnh đó, nguyên nhân ảnh hưởng đến hạn hán và thiếu điện của Việt Nam là chất lượng rừng bị suy giảm do rừng phòng hộ đầu nguồn và các loại rừng có khả năng giữ nước sút giảm mạnh làm mất đi khả năng điều tiết nước, giữ nước của lưu vực sông. Ở một số địa phương rất nhiều dòng sông hiện nay đã hoàn toàn không có nước trong mùa khô.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cảnh báo một nguyên nhân quan trọng khác, được coi là nguyên nhân chủ quan ngoài các vấn đề về thời tiết và sự phụ thuộc vào bên ngoài. Đó là việc các nhà mày thủy điện tích nước muộn vào cuối mùa lũ nên đã không tích đủ nước trong mùa khô. Dù điều này được ông Đặng Hoàng An, Phó tổng giám đốc EVN, giải thích rằng dự báo được thời tiết còn diễn biến phức tạp kéo dài nên ngay từ cuối mùa lũ 2009 (tháng 9-2009), EVN đã sử dụng tiết kiệm nguồn thủy điện để tích nước kéo dài cho các tháng mùa khô. “Thực tế vận hành những năm qua cho thấy nếu các hồ tích nước theo đúng quy trình này (thời gian kết thúc mùa lũ chính và lũ muộn) thì đã là quá muộn để tích được đầy nước hồ trong điều kiện chế độ dòng chảy đã thay đổi do biến đổi khí hậu và do tác động của các hồ chứa phía Trung Quốc”, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn phân tích: Các hồ chứa Trung Quốc thường tích nước sớm hơn các hồ chứa phía Việt Nam, từ khoảng giữa tháng 7, trong khi nước ta bắt đầu từ 20-8 hàng năm. Nếu không linh hoạt, dòng chảy thượng nguồn tới sông Đà và sông Lô có khả năng giảm, mùa cạn có khả năng đến nhanh hơn nữa.

Một giải pháp không thể hóa giải hết cơn khát cả mùa khô này. Nhưng ít ra, nhiều công trình thủy điện trị giá hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng sẽ qua được mực nước chết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới