(KTSG Online) - Theo dự kiến, đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao sẽ được trình Chính phủ vào đầu tháng 4 sắp tới và được triển khai từ năm 2024. Tuy nhiên, để đưa các kế hoạch đi vào thực tế, vấn đề quan trọng cần giải quyết là nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đề án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự kiến sẽ được đơn vị này trình Chính phủ thông qua vào đầu tháng 4-2023 và thực hiện từ năm 2024.
Theo đó, tính đến thời điểm hiện tại, đã có 12 địa phương vùng ĐBSCL (trừ tỉnh Bến Tre) đăng ký tham gia đề án với diện tích đến năm 2025 là 719.000 héc ta và đạt 1,015 triệu héc ta vào năm 2030. Trong đó, riêng năm 2024 dự kiến sẽ có trên 200.000 héc ta tham gia đề án.
Rà soát để tránh “đăng ký, nhưng không có doanh nghiệp”
Tại hội thảo đề án phát triển bền vững 1 triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL diễn ra vào hôm nay, 17-3, ở TP Cần Thơ, ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, địa phương đã có văn bản đăng ký thực hiện đề án với diện tích đến năm 2025 là 100.000 héc ta và đến năm 2030 là 200.000 héc ta.
Theo ông, riêng năm 2024, địa phương đăng ký thực hiện để án phát triển 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao với diện tích là 60.000 héc ta. “Cơ sở để chúng tôi đưa ra con số này vì vụ đông xuân vừa qua (vụ đông xuân 2022-2023), Kiên Giang có 82.585 héc ta được liên kết tiêu thụ. Trong đó, chúng tôi đã ký kết đầu ra, đầu vào cùng các doanh nghiệp với diện tích 62.900 và đã thu mua xong trong vụ đông xuân”, ông giải thích.
Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, chia sẻ địa phương đăng ký thực hiện đề án 60.000 héc ta vào năm 2025 và định hướng đạt 120.000 héc ta vào năm 2030. Tuy nhiên, tại hội nghị nêu trên, cơ quan này vẫn chưa xác định được chỉ tiêu cụ thể sẽ tham gia vào đề án trong năm đầu tiên. Trong vụ đông xuân 2022-2023 này, Long An có 17 doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ lúa cho bà con nông dân với diện tích khoảng 15.000 héc ta.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, việc triển khai đề án trong năm 2024 có điều kiện thuận lợi, đó là chuyển diện tích của dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (vnSAT) sang với diện tích khoảng 184.000 héc ta (dự án này được triển khai tại 8 địa phương vùng ĐBSCL, bao gồm Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cần Thơ và An Giang-PV). “Có 184.000 héc ta này, thì năm 2024 tối thiếu chúng ta phải làm 184.000 héc ta”, ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, như nêu ở trên, mục tiêu được Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đưa ra để triển khai đề án là phải đạt trên 200.000 héc ta ngay trong năm đầu tiên (năm 2024).
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng được ông đề nghị các địa phương, đó là phải rà soát xem hợp tác xã có còn đáp ứng đầy đủ năng lực hay không khi chuyển từ vnSAT sang. “Lúc triển khai vnSAT còn hợp tác xã, nhưng hiện nay chưa chắc hợp tác xã còn tồn tại”, ông nói và nhấn mạnh, điều này chắc chắn có xảy ra trong thực tế.
Ngoài ra, để triển khai được trên 200.000 héc ta vào năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu các địa phương rà soát kỹ về cơ sở hạ tầng của vùng được chọn triển khai đã đáp ứng hay cần phải gia cố lại. “Đặc biệt, đã có doanh nghiệp liên kết thu mua hay không”, ông đặt vấn đề và tái nhấn mạnh, cần phải kiểm tra thật kỹ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể đưa ra phương án kêu gọi doanh nghiệp cùng thực hiện hoặc chuyển sang địa phương khác.
Giải bài toán thu nhập cho nông dân
Ông Animesh, Chuyên gia cao cấp về kinh tế nông nghiệp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại trụ sở Mỹ cho rằng, bên cạnh thách thức về biến đổi khí hậu, việc chuyển đổi sang sản xuất lúa chất lượng cao như đề án của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đối mặt với hai thách thức lớn khác, bao gồm phải giải quyết bài toán thu nhập của người nông dân và phát triển thị trường.
Đối với thách thức về thu nhập, theo ông Animesh, lúa là loại cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng đáng tiếc việc sản xuất lúa chưa giúp mang lại thu nhập cao cho người nông dân. “Chúng ta sẽ không đảm bảo được vấn đề an ninh lương thực, nếu chúng ta không thay đổi được điều đó (nâng cao thu nhập cho người nông dân- PV)”, ông nhấn mạnh và cho rằng, thay đổi này là rất quan trọng.
Thực tế, khu vực ĐBSCL đang đối mặt với “làn sóng” người nông dân chuyển đổi đất lúa sang trồng sầu riêng, mít Thái và nuôi tôm nước lợ ngay vùng nước ngọt ở khu vực Đồng Tháp Mười của ĐBSCL. Bởi, thu nhập từ những đối tượng mới cao hơn hàng chục lần so với việc gắn bó với cây lúa.
Khi trao đổi với KTSG Online, nông dân xã Tân Lập, huyện Mộc Hoá, tỉnh Long An cho biết, sau ba tháng nuôi, với diện tích 0,3 héc ta mặt nước có thể mang lại mức lợi nhuận 500 triệu đồng. Trong khi đó, cùng thời gian như vậy, nhưng với diện tích 1 héc ta sản xuất lúa chỉ mang lại cho người nông dân 20-30 triệu đồng lợi nhuận.
Giải pháp để "cải thiện" thu nhập cho nông dân trồng lúa được ông Li Guo, Chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam, đó là giảm chi phí đầu vào nhằm tăng lợi nhuận cho người nông dân.
Theo đó, ví dụ thông qua dự án vnSAT, đã giúp năng suất lúa tăng 5,2-7,9%; lợi nhuận tăng 29-67%; khí thải nhà kính giảm 26,6% trong vụ đông xuân và 29,9% trong vụ hè thu. Đây là lợi ích đạt được nhờ giảm chi phí đầu vào, bao gồm giảm 29-50% lượng giống sử dụng; 22-50% lượng phân bón vô cơ và 30-50% lượng nước…
Còn đề án 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao đề ra mục tiêu đến năm 2025 lợi nhuận của nông dân trồng lúa đạt 35%, đến năm 2030 là 40% (hiện nay ngành nông nghiệp vẫn hay đề cập đảm bảo lợi nhuận của nông dân trồng lúa là 30%- PV).
Tuy nhiên, khi đem so sánh giữa cây lúa với các loại đối tượng khác như cây ăn trái hay con tôm như đã nêu ở trên, thì lợi nhuận từ cây lúa vẫn chưa hấp dẫn.
Ngoài ra, ông Animesh khi đề cập đến vấn đề thị trường đã gợi ý, Việt Nam cần đầu tư cho việc nghiên cứu nhu cầu thị trường và định vị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường, “tức các bạn phải nghiên cứu ngay từ bây giờ thị trường trong tương lai có nhu cầu về giống lúa gì, họ muốn hạt gạo có hương vị thế nào?…’, ông giải thích.
Theo ông, việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng quảng bá ngành lúa gạo Việt Nam qua bộ phim về con đường lúa gạo cũng là cách tốt để định vị cho ngành lúa gạo Việt Nam trước đối thủ cạnh tranh. “Điểm mạnh của Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ 3 thế giới, cho nên, ngay bây giờ các bạn có tầm nhìn, chiến lược để xây dựng, định vị trên thị trường là đã đi trước các đối thủ cạnh tranh rồi”, ông nói và cho rằng, WB sẽ ủng hộ chương trình này của Việt Nam.
Ông Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thừa nhận, diện tích đất sản xuất lúa ở ĐBSCL đang ngày càng sụt giảm, trong khi người nông dân cũng đang trong tâm thế sản xuất cầm chừng. “Nếu làm được đề án này, thì niềm tin của người nông dân sẽ tăng lên, nông dân yêu cây lúa và quyết tâm phát triển thì mới giữ được cây lúa, chứ nếu không sẽ ngày càng mất đi”, ông nhấn mạnh.