Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu chưa rõ làm sao ra quyết định!

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong tháng 9-2022, Bộ Giao thông Vận tải sẽ trình Bộ Chính trị dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam để xin chủ trương đầu tư, và nếu thuận lợi thì dự án sẽ được trình tiếp ra Quốc hội. Nhưng vấn đề là mục tiêu khai thác của dự án này vẫn chưa rõ ràng: Bộ Giao thông Vận tải thì muốn tàu cao tốc này chỉ để chở người, còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng cần thiết kế để có thể vừa chở người vừa chở hàng.

Sự khác biệt về quan điểm này sẽ dẫn đến khác biệt rất lớn về thiết kế tốc độ hành trình, quy mô đầu tư cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối. Vì vậy, sẽ thật khó cho Bộ Chính trị và sau này là Quốc hội khi mà ngay cả các đơn vị tham mưu vẫn chưa thống nhất được với nhau.

Kể từ lần dự án được trình ra Quốc hội và bị bác vào năm 2010 cho đến nay, những lập luận của Bộ Giao thông Vận tải để bảo vệ cho quan điểm đầu tư tuyến đường sắt thiết kế vận tốc 350 ki lô mét/giờ và chỉ để chở người vẫn chưa thuyết phục; còn đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về thiết kế để chở cả người và hàng hóa với vận tốc tối đa 200 ki lô mét/giờ cũng mới là ý tưởng sơ khởi.

Để giải quyết mâu thuẫn này, điều trước tiên cần làm sáng tỏ là mục tiêu kinh tế - xã hội cuối cùng mà dự án muốn đạt được là gì?

Trong công văn gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương để trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông Vận tải nói rằng đường sắt tốc độ cao “nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên hành lang Bắc - Nam; góp phần tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế; kết nối nhanh, liên thông, trực tiếp giữa các đô thị, các cực tăng trưởng dọc hành lang...”.

Với những mục tiêu kể trên, việc thiết kế một tuyến đường sắt có tốc độ vừa phải nhưng phục vụ được cho cả vận chuyển người và hàng hóa là quan điểm rất đáng để quan tâm.

Thứ nhất, nói đến “nhu cầu vận tải ngày càng tăng trên hành lang Bắc - Nam” là phải bao gồm cả nhu cầu đi lại và vận tải hàng hóa, nhất là khi nhu cầu chuyên chở hàng ra cửa ngõ biên giới trên bộ để xuất sang Trung Quốc, và ngược lại, hiện nay rất lớn và sẽ còn lớn hơn nữa trong tương lai. Việc mở một tuyến vận tải nhanh, hiệu quả và chi phí thấp hơn so với vận tải đường bộ sẽ giúp ích nhiều cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Thứ hai, đầu tư tuyến đường này là để “góp phần tái cơ cấu không gian phát triển kinh tế”, nhưng làm sao mà phát triển kinh tế được khi không thể sử dụng để vận chuyển hàng hóa.

Thứ ba, cũng cần lưu ý rằng việc xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam không phải để cạnh tranh với ngành hàng không cũng như với ngành vận tải hành khách bằng đường bộ. Mục tiêu quan trọng phải là bổ trợ cho nhau và tối ưu hóa việc khai thác mạng lưới giao thông quốc gia. Vì vậy, khi chọn phương án thiết kế cho dự án đường sắt này không thể không tính đến mối quan hệ với mạng lưới sân bay cũng như hệ thống cao tốc đường bộ đã, đang và sẽ được xây dựng.

Ngoài ra, nhu cầu sử dụng cho mục đích quốc phòng, khi cần thiết, cũng phải được tính đến.

1 BÌNH LUẬN

  1. Tuyến đường sắt cao tốc không chỉ vận hành trong phạm vi VN, mà còn cho phép kết nối liên vận với khu vực ASEAN và vươn ra toàn cầu. Đó chính là tầm nhìn và mục tiêu rõ ràng cần phải nhắm đến. Đừng nói đâu xa, Lào, sát bên cạnh ta, tuy nhỏ nhưng có võ, đã hoàn thành xong 400km tốc độ cao rồi, chỉ trong vòng có vài năm. Thôi đừng bàn cãi nữa. Tiến hành ngay thôi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới