Mục tiêu mới từ nguồn vốn FDI
![]() |
Khởi công dự án khu phần mềm Thủ Thiêm 1,2 tỉ đô la Mỹ ngày 19-7 – Ảnh: Quốc Hùng |
(TBKTSG Online) – Thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của Việt Nam trong sáu tháng qua đã vượt xa kế hoạch của cả năm nay. Nhưng một lần nữa vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý nhà nước là việc hấp thu dòng vốn và chọn lựa các dự án phù hợp với định hướng phát triển.
Việt Nam đang đặt ra đích mới trong việc thu hút nguồn vốn FDI cho năm 2008 này là 40 tỉ đô la Mỹ, so với kế hoạch trước đây là 20 tỉ đô la Mỹ, cũng như các lĩnh vực ưu tiên cần thu hút trong thời gian tới.
Dồn dập dự án cả tỉ đô la
Năm ngoái, nhiều người còn nghi ngờ những thông tin về các dự án hàng tỉ đô la Mỹ của các nhà đầu tư nước ngoài sắp đổ vào Việt Nam. Thế nhưng, điều này đến thời điểm hiện tại đã trở thành hiện thực thông qua lễ khởi công một số dự án quy mô lớn trong thời gian gần đây. Cụ thể, dự án 1,2 tỉ đô la Mỹ xây dựng khu phần mềm Thủ Thiêm do tập đoàn Teco của Đài Loan liên doanh với Saigon Tel đầu tư đã khởi động hôm 19-7, chỉ sau hơn một tháng được cấp phép đầu tư.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, sau khi phát triển hạ tầng theo tiêu chuẩn quốc tế cho khu vực này, dự án sẽ thu hút các nhà đầu tư công nghệ trên thế giới với tổng mức đầu tư dự kiến gần 3 tỉ đô la Mỹ và tạo doanh thu hàng năm khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ, với khoảng 70.000 chuyên viên phần mềm, kỹ sư công nghệ thông tin làm việc.
Trước đó, nhiều dự án có vốn đăng ký cao hơn cũng đã được triển khai trên cả nước, như dự án nhà máy lọc dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư khoảng 6,5 tỉ đô la Mỹ tại Thanh Hóa hay dự án khu liên hợp sắt thép và cảng Sơn Dương ở Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh do tập đoàn Formosa của Đài Loan đầu tư với số vốn đăng ký lên đến gần 7,9 tỉ đô la Mỹ.
Xét về từng lĩnh vực đầu tư, các doanh nghiệp cũng có một cuộc đua ngoạn mục. Cụ thể, cuối tháng 5-2008, dự án du lịch có vốn đầu tư 4,2 tỉ đô la Mỹ do tập đoàn ACDL của Canada xây dựng tại huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã gây xôn xao dư luận. Dự án với tên gọi Hồ Tràm Strip có tổng số phòng khách sạn dự kiến lên đến 9.000 phòng.
Nhưng chưa đầy hai tháng sau, Công ty TNHH New City Properties Development đến từ Brunei đã nhận được giấy phép đầu tư dự án khu du lịch liên hợp cao cấp trên diện tích 565 héc ta tại Phú Yên, với tổng vốn đầu tư hơn 4,3 tỉ đô la Mỹ. Dự án này gồm hơn 13.000 phòng khách sạn và resort tiêu chuẩn 4-5 sao cùng các khách sạn nổi trên biển, khu thể thao, biệt thự, một sân gôn 36 lỗ…
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay có khoảng 20 dự án có quy mô vốn từ 100 triệu đô la Mỹ trở lên, trong đó có bảy dự án có vốn đăng ký trên một tỉ đô la Mỹ. Với những dự án hàng tỉ đô la Mỹ được cấp phép gần đây đã nâng tổng vốn đầu tư đăng ký trong sáu tháng đầu năm lên 31,6 tỉ đô la Mỹ.
Kết quả thu hút vốn FDI bảy tháng đầu năm chưa có, nhưng theo ghi nhận của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online thì con số này có thể đạt 36-37 tỉ đô la Mỹ.
Giải thích cho những con số trên, nhiều nhà đầu tư nói rằng họ nhìn thấy tiềm năng phát triển lâu dài ở Việt Nam. Những khó khăn về lạm phát, nhập siêu tăng cao, chứng khoán và bất động sản rớt giá… chỉ là mang tính ngắn hạn. Tình hình vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam có khả năng sẽ còn tiếp tục tăng vào những tháng cuối năm nay, bởi còn nhiều dự án có quy mô vốn lớn khác đang chờ thẩm định cấp phép.
Thách thức lớn cho việc giải ngân
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mặc dù con số gần 5 tỉ đô la Mỹ giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2008 được coi là bước tiến rõ rệt trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Song kết quả này vẫn chưa tương xứng với diễn biến trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư lớn như trên.
Các chuyên gia kinh tế đã nhận định rằng đặc điểm nổi trội trong thu hút vốn FDI thời gian qua là tỷ lệ dự án có vốn đầu tư với quy mô hàng tỉ đô la Mỹ rất cao, kéo theo yêu cầu về diện tích đất, lao động và các điều kiện hạ tầng khác cao hơn nhiều so với trước đây.
Thế nhưng, tình hình cơ sở hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nguồn lao động ở các địa phương… vẫn đang trong tình trạng khó khăn và hạn chế. Có thể thấy tỷ lệ khá lớn các dự án chậm triển khai có nguyên do từ công tác giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, dự án xây khách sạn 5 sao và sân gôn 18 lỗ của Công ty liên doanh quốc tế Lạng Sơn được cấp phép từ năm 2004 đến nay vẫn chưa xong giai đoạn san lấp mặt bằng. Hai dự án của Công ty TNHH Đầu tư Yu Fon và Yu Fu tại Vĩnh Phúc đều được cấp phép từ năm 2004 đến nay cũng chưa triển khai được do ách tắc ở khâu này…
Ngoài ra, chi phí đầu tư tại Việt Nam hiện trở nên khá đắt đỏ so với khu vực cũng làm cho nhiều nhà đầu tư bắt đầu e ngại gia tăng chi phí nên chậm triển khai. Chẳng hạn, chi phí thuê văn phòng cho thuê ở Hà Nội và TPHCM luôn tăng ở mức cao, chi phí vận chuyển đường biển đến và đi từ Đà Nẵng hiện cao nhất khu vực, gấp rưỡi mức bình quân từ các nước châu Á, chi phí thuê nhà ở của người nước ngoài tại TPHCM cũng đang ở mức xấp xỉ bằng giá thuê tại Singapore…
Bên cạnh những khó khăn khách quan dẫn đến việc giải ngân vốn chậm của các doanh nghiệp FDI. Theo các chuyên gia tình hình còn do các doanh nghiệp chưa thực hiện nghiêm túc quy định đầu tư và điều này đòi hỏi các địa phương phải rà soát lại.
Trên thực tế, một số địa phương gần đây đã bắt đầu “mạnh tay” với các nhà đầu tư khi họ chậm triển khai dự án. Mới đây, chính quyền tỉnh Bình Định đã có quyết định thu hồi giấy phép đầu tư dự án trung tâm thương mại-dịch vụ và du lịch (Gruener Park Quy Nhơn) có vốn đăng ký 30 triệu đô la Mỹ của Công ty TNHH Promag (Đức), do chậm triển khai dự án. Tương tự, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đánh tiếng về khả năng rút giấy phép của dự án khu đô thị và hồ điều hòa Xương Rồng của tập đoàn Intra. Mặc dù đã được cấp phép từ tháng 1-2007 và khởi công vào tháng 8-2007 nhưng hiện chủ đầu tư là Công ty TNHH Intra Việt Nam thuộc tập đoàn Intra (Nhật Bản) vẫn chưa triển khai được gì.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã đánh tiếng về việc có thể rút giấy phép hai dự án lớn đã cấp phép nhiều năm nhưng chưa kịp triển khai. Theo lãnh đạo tỉnh, có thể tỉnh sẽ rút giấy phép dự án cảng quốc tế Thị Vải và khu du lịch Paradise tại tỉnh này. Nguyên nhân là do đã được cấp phép nhiều năm nhưng hai dự án này vẫn đang trong tình trạng dẫm chân tại chỗ.
Dự án khu du lịch South Fork, gồm khu nghỉ dưỡng cao cấp và hai sân gôn 18 lỗ tại Phan Thiết (Bình Thuận) của Công ty South Fork Development cũng đang bị UBND tỉnh Bình Thuận liệt vào danh sách có thể phải thu hồi giấy phép.
Nhằm đảm bảo chất lượng thu hút đầu tư, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho rằng cần chú trọng tăng lượng vốn giải ngân. Theo ông, nếu giải ngân không tốt sẽ làm cho các nhà đầu tư nản lòng và gây những hoài nghi về môi trường đầu tư của Việt Nam. Chỉ tiêu về thu hút đầu tư FDI đang bắt đầu chuyển dần sang giai đoạn mới, đó là thúc đẩy giải ngân dự án.
QUỐC HÙNG