Thứ hai, 27/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu nâng sản lượng nuôi biển lên gấp đôi đang ‘vướng’ điều gì?

Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Việt Nam đặt mục tiêu tăng sản lượng nuôi thuỷ sản trên biển lên 2 triệu tấn/năm vào năm 2035. Tuy nhiên, muốn đạt được con số này, ngành nuôi biển cần được gỡ vướng từ các quy định hiện hành.

Để hỗ trợ nghề nuôi biển theo hướng công nghiệp, vừa qua Na Uy đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng bộ bài giảng về nuôi biển công nghiệp và chuyển giao các bên có liên quan. Trong ảnh là một trang trại nuôi cá biển theo quy mô công nghiệp. Ảnh: grist.org

Sản lượng nuôi cá biển mới đạt 1/3 mục tiêu của năm 2010

Để có thể gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU (hoạt động đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và không được quản lý) đối với ngành thủy sản và mở rộng thị trường xuất khẩu vào châu Âu, Việt Nam cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Một trong những yêu cầu cấp thiết, theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là giảm sản lượng đánh bắt hải sản, từ mức 3,8 triệu tấn/năm hiện nay xuống còn dưới 2 triệu tấn/năm vào năm 2035.

Để đạt được mục tiêu này, việc thúc đẩy nuôi trồng thủy sản trên biển sẽ giúp ngành thuỷ sản giữ vững doanh thu xuất khẩu hàng năm. Vì thế, Việt Nam đặt mục tiêu đạt sản lượng nuôi biển 2 triệu tấn/năm vào năm 2035, nhằm giảm áp lực lên nguồn lợi tự nhiên và đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành thủy sản.

Trong buổi tổng kết chương trình phát triển kỹ năng cho ngành nuôi biển công nghiệp Việt Nam, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh khu vực TPHCM (VCCI-TPHCM) tổ chức mới đây, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thuỷ sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện Việt Nam đã có Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và được cụ thể hóa tại Quyết định 1664/QĐ-TTg với mục tiêu đến 2030 đạt sản lượng nuôi biển là 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 1,8 - 2 tỉ đô la Mỹ, đến 2035 là 2 triệu tấn.

Theo Cục Thuỷ sản, hiện diện tích nuôi biển của Việt Nam vào khoảng 256.000 hecta, sản lượng hải sản nuôi thu hoạch năm 2023 có thể đạt gần 790.000 tấn. Trong đó, diện tích nuôi trồng nhuyễn thể (chủ yếu ngao, sò) lớn nhất với 57.000 hecta, 1 triệu m3 lồng bè, sản lượng đạt 480.000 tấn. Còn nuôi cá biển vào khoảng 11.000 hecta và 4 triệu m3 lồng, sản lượng 65.000 tấn. Tính ra, sản lượng nuôi cá biển mới chỉ bằng 1/3 mục tiêu trong Quyết định 224/1999 của Chính phủ đặt cho lĩnh vực nuôi biển phải đạt được vào năm 2010.

Ngày 8-12-1999, Chính phủ đã có Quyết định 224/1999/QĐ-TTg Phê duyệt chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản thời kỳ 1999-2010, trong đó, đặt ra mục tiên đến năm 2010, diện tích nuôi cá biển của Việt Nam là 40.000 hecta và 40.000 lồng bè, sản lượng đạt 200.000 tấn.

Như vậy, để đạt mục tiêu Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản nói trên - gấp 2 lần sản lượng và khoảng 4 lần giá trị xuất khẩu của hiện tại, theo Cục Thuỷ sản ngành nuôi biển Việt Nam cần có những kế hoạch, chiến lược cụ thể, đặc biệt là phải tập trung đào tạo kỹ thuật nuôi trồng các loại hải sản cho người dân.

Nhìn một cách khách quan, theo một chuyên gia về kinh tế thuỷ sản nói với KTSG Online thì mục tiêu này khó đạt được trong bối cảnh hiện nay. Song, dưới góc nhìn của mình, ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) lại cho rằng, Việt Nam có tiềm năng để có thể tăng sản lượng nuôi biển gấp nhiều lần. Ông Hữu Dũng dẫn chứng thông tin từ Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) để củng cố cho lập luận của mình.

“Theo FAO, với trình độ nuôi biển trung bình hiện nay, thì cứ 1 km2 mặt biển ở vùng đặc quyền kinh tế có thể thu về 9.900 - 12.000 tấn cá biển nuôi mỗi năm. Việt Nam đang có 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế và chỉ cần 1/1.000 trong số này, tương đương 1.000 km2 diện tích nuôi biển thì mỗi năm có thể thu về 10 triệu tấn cá các loại”, ông Dũng nói.

Vì thế, theo ông Dũng, tiềm năng nuôi biển của Việt Nam là rất lớn nhưng thực tế là đang vướng nhiều thứ để có thể biến tiềm năng thành những đồng đô la Mỹ thu về nhờ xuất khẩu.

Tại sao nghề nuôi biển chỉ dừng ở mức “tiềm năng”?

PGS.TS Thái Thanh Bình, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật và Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vừa rồi một người quen của mình bị mất trắng gần trăm tỉ đồng do nuôi cá bằng lồng bè gỗ truyền thống do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (bão Yagi).

Thiệt hại này sẽ không xảy ra nếu người bạn của ông Thanh Bình nuôi cá bằng quy trình công nghiệp với lồng bè hiện đại - vốn có thể chống được bão từ cấp 10 trở lên. Tuy nhiên, do nuôi bằng lồng bè tự đóng nên khi gặp bão lớn, những lồng bè này thường không chịu được sức công phá của sóng biển dẫn đến cá nuôi bị cuốn theo sóng biển, gây thiệt hại lớn.

Trong Bộ tiêu chuẩn Kỹ năng nghề và Chương trình đào tạo ngắn hạn cho nghề Nuôi biển công nghiệp do Liên đoàn giới chủ Na Uy (NHO), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh TPHCM (VCCI-HCM), VSA cùng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một trong những tiêu chí để nuôi cá biển công nghiệp là phải sử dụng lồng bằng nhựa HDPE. Lồng nuôi HDPE được nhiều nước tại châu Âu chọn để nuôi biển công nghiệp vì một trong những tính năng là chịu được sóng gió, bão cấp 10-12.

Mức giá cho lồng HDPE trên thị trường Việt Nam là từ vài chục đến vài trăm triệu đồng (tuỳ diện tích lồng nuôi). Mức giá này, theo các chuyên gia, các doanh nghiệp, người nuôi biển đủ khả năng để đầu tư, thế nhưng câu chuyện ngành nuôi biển Việt Nam chỉ dừng ở quy mô nhỏ là do nằm ở những vấn đề khác.

Theo ông Hữu Dũng, một trong những khó khăn hiện nay là cơ chế chính sách để khuyến khích nuôi biển theo hướng công nghiệp.

“Để nuôi biển theo hướng công nghiệp, các doanh nghiệp phải làm các thủ tục với ngành nông nghiệp, sau đó, lại tiếp tục với ngành môi trường. Bên cạnh đó là với những ban ngành khác… mà thời gian đi làm thủ tục kéo dài, khó khăn khiến doanh nghiệp muốn nuôi biển theo quy mô công nghiệp cũng nản lòng”, ông Dũng nói.

Ông Hữu Dũng kỳ vọng rằng, trong thời gian tới khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài Nguyên và Môi Trường sáp nhập thì những thủ tục hành chính sẽ giảm đi, doanh nghiệp, người dân chỉ cần làm các thủ tục tại một nơi thay vì chuyển qua, chuyện lại giữa các bộ liên quan.

Theo Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, để nghề nuôi biển phát triển theo hướng công nghiệp thì nhà nước cần giao mặt nước cho người dân và doanh nghiệp như quyền sử dụng đất vậy. Có như vậy thì các doanh nghiệp mới có thể đầu tư vào nuôi biển theo hướng công nghiệp.

Ông Thanh Bình cũng đồng ý rằng, hiện nuôi biển theo hướng công nghiệp của Việt Nam ngoài những khó khăn về các thủ tục hành chính như VSA đã đề cập còn một khó khăn nữa là khi nuôi biển thì doanh nghiệp phải nuôi ở vùng biển 3-6 hải lý. Để nuôi biển, ngoài việc đầu vào lồng bè công nghiệp, có độ vững chắc còn có dịch vụ hậu cần nghề cá đi kèm. Do đó, để phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, Việt Nam phải phát triển thêm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Ngoài ra, theo ông Thanh Bình, trước khi bàn đến sản lượng nuôi, giá trị xuất khẩu thì câu hỏi cần sớm tìm được câu trả lời, đó là đầu ra cho các sản phẩm nuôi biển. “Doanh nghiệp nuôi cá gì, bán cho thị trường nào đó là vấn đề lớn vì một khi có thị trường đầu ra ổn định thì chắc chắn có những doanh nghiệp đầu tư vào nuôi biển theo hướng công nghiệp" ông Thanh Bình nói với KTSG Online.

Nhìn một cách khách quan, có thể nói những mục tiêu trong Quyết đinh 224/1999/QĐ-TTg nói trên đã không đạt được một phần là chưa giải quyết được bài toán thị trường xuất khẩu. Vì thế, trong thời gian tới nếu không tìm được thị trường cho sản phẩm nuôi biển thì  những con số đưa ra trong Quyết định 1664 cũng chỉ là có thể dừng lại ở các mục tiêu trên giấy.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới