Thứ năm, 31/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu tăng trưởng 5% liệu có còn trong tầm với của Trung Quốc?

Song Thanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Chính phủ Trung Quốc vẫn đang liên tục tung ra các biện pháp kích thích kinh tế, đặc biệt là sau các dữ liệu tăng trưởng kém khả quan trong quí 3.

Một số tổ chức tài chính quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024, sau loạt biện pháp kích thích của chính phủ nước này. Ảnh minh họa: TL

Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực kích thích kinh tế

Hôm thứ Hai (21-10), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tiếp tục hạ lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm trong một nỗ lực nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, PBoC sẽ hạ lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn một năm xuống còn 3,1%, còn lãi suất LPR kỳ hạn năm năm hạ xuống còn 3,6%.

Lãi suất LPR kỳ hạn một năm ảnh hưởng đến các khoản vay doanh nghiệp và hầu hết các khoản vay hộ gia đình ở Trung Quốc, trong khi lãi suất LPR kỳ hạn năm năm là thước đo chuẩn cho lãi suất vay thế chấp.

Trước đó, hồi tháng 7, PBoC từng khiến thị trường bất ngờ khi cắt giảm lãi suất cho vay chủ chốt cả ngắn hạn và dài hạn. Tháng trước, ngân hàng trung ương này tiếp tục cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm, đồng thời công bố một loạt các biện pháp hỗ trợ nhằm củng cố nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang gặp nhiều khó khăn.

Các biện pháp cắt giảm mới cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc khôi phục niềm tin vào một nền kinh tế đang phải vật lộn với sự suy thoái của lĩnh vực bất động sản, áp lực giảm phát và nhu cầu tiêu dùng yếu.

Theo dữ liệu được công bố hồi tuần trước, trong quí 3 vừa qua tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm của Trung Quốc chỉ đạt 4,6%, cao hơn so với dự kiến, song vẫn giảm so với mức 4,7% của quí 2 và là mức thấp nhất trong vòng một năm rưỡi. Tính chung trong chín tháng đầu năm, mức tăng trưởng kinh tế hiện là 4,8%.

Theo các chuyên gia, niềm tin của người tiêu dùng thấp và thị trường bất động sản suy yếu vẫn là lực cản đối với nền kinh tế. Các kết quả này đã làm dấy lên lo ngại về khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5% của Bắc Kinh.

Ông Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm chuyên gia Kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết bất chấp những lần cắt giảm gần đây lãi suất thực tế ở Trung Quốc vẫn “quá cao”.

Thị trường vẫn chờ đợi thêm những cú hích

Thị trường đã đón nhận các biện pháp kích thích mới của Chính phủ Trung Quốc với tâm lý thận trọng và những phản ứng trái chiều. Chỉ số CSI 300 của thị trường Trung Quốc đại lục có một ngày thứ Hai đầy biến động, dao động giữa tăng và giảm, trước khi chốt phiên với mức tăng nhẹ 0,3%. Các chỉ số vốn hóa nhỏ hoạt động tốt hơn, với chỉ số CSI 1000 tăng 1,9%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số Hang Seng của thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) suy giảm 1,8% trong phiên đầu tuần. Đáng chú ý, một thước đo về cổ phiếu bất động sản của Trung Quốc đã giảm gần 1%, cho thấy giới đầu tư vẫn đang hy vọng vào các biện pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa.

“Điều vẫn còn thiếu là một chính sách rõ ràng từ chính quyền trung ương nhằm loại bỏ rủi ro khi mua bất động sản”, ông Christopher Wood, Giám đốc chiến lược vốn chủ sở hữu toàn cầu tại Jefferies Financial Group, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV.

Các nhà kinh tế cũng kêu gọi Trung Quốc cần can thiệp nhiều hơn để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 5%, bao gồm việc triển khai các biện pháp kích thích tài khóa và hỗ trợ nhiều hơn nữa cho các hộ gia đình. Chuyên gia Zichun Huang tại Capital Economics khi nhận xét về các biện pháp cắt giảm lãi suất đã cho biết “một sự thay đổi có ý nghĩa trong tăng trưởng kinh tế sẽ đòi hỏi một phản ứng tài khóa lớn hơn”.

Theo ông Shane Oliver, Giám đốc chiến lược đầu tư và chuyên gia Kinh tế trưởng tại AMP, các động thái này đã giúp xác nhận rằng “kích thích tiền tệ đang được triển khai ở một mức đáng kể tại Trung Quốc”. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng, chỉ như vậy là chưa đủ để thúc đẩy kinh tế, mà cần có thêm các biện pháp kích thích tài khóa.

“Lãi suất hay nguồn cung tiền không phải là vấn đề thực sự ở Trung Quốc. Vấn đề thực sự là việc không có đủ nhu cầu. Và đó là lý do vì sao tôi nghĩ rằng, các biện pháp kích thích tài khóa có vai trò thực sự quan trọng”, ông Oliver nói thêm.

Về phần mình, giới chức Trung Quốc hiện vẫn bày tỏ sự tin tưởng rằng nền kinh tế của đất nước tỉ dân có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm mà chính phủ đặt ra trước đó. Trong tuyên bố đưa ra hồi tuần trước, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết nền kinh tế “nhìn chung vẫn ổn định với những tiến triển vững vàng” ngay cả khi đối mặt với những diễn biến phức tạp ở cả môi trường trong và ngoài nước.

Các tổ chức tài chính quốc tế điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Trung Quốc

Một số tổ chức tài chính quốc tế đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm 2024, sau loạt biện pháp kích thích của chính phủ nước này. Nhìn chung, các dự báo dù có tích cực hơn nhưng vẫn cho thấy, khả năng đạt được mức tăng trưởng 5% là chưa rõ ràng.

Hôm thứ Hai, Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ (UBS) đã nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới từ 4,6% lên 4,8% do “mức tăng trưởng GDP quí 2 cao hơn dự kiến, và các động thái hỗ trợ nền kinh tế mới được công bố”. Chuyên gia của UBS về kinh tế Trung Quốc, Wang Tao, cho biết “cả niềm tin của hộ gia đình và doanh nghiệp có thể được hỗ trợ bởi kỳ vọng sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ hơn cũng như sự ổn định của thị trường bất động sản”.

Công ty nghiên cứu Moody’s Analytics cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2024 từ 4,8% lên 4,95%, và cho biết, các biện pháp kích thích đã nâng cao kỳ vọng ngay cả khi nền kinh tế đạt kết quả kém khả quan trong quí 3.

“Nói một cách rõ ràng, những biện pháp hỗ trợ mới nhất vẫn rất đáng hoan nghênh”, nhà kinh tế Harry Murphy Cruise của Moody’s Analytics cho biết. “Và chúng có khả năng thúc đẩy nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” trong năm nay”.

Hồi tuần trước, Goldman Sachs đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc từ 4,7% lên 4,9%, trong khi Ngân hàng đầu tư Nhật Bản Nomura cho biết hôm thứ Hai rằng họ đã nâng dự báo tăng trưởng năm 2024 từ 4,6% lên 4,7%. Hồi cuối tháng 9, các chuyên gia của Nomura từng nhận định, bất chấp các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn, “Bắc Kinh vẫn cần đưa ra các chính sách được cân nhắc kỹ lưỡng để giải quyết nhiều vấn đề mang tính cơ cấu, đặc biệt là để ổn định lĩnh vực bất động sản”.

Ngân hàng Standard Chartered đã lựa chọn giữ nguyên mức dự đoán tăng trưởng 4,8% trong năm nay sau các biện pháp kích thích của Bắc Kinh, trong khi một phát ngôn viên của HSBC hôm thứ Hai cho biết rằng ngân hàng này vẫn giữ nguyên dự báo trước đó là 4,9%.

Tuy nhiên, các dự báo về triển vọng kinh tế trong năm 2025 nhìn chung đang thấp hơn so với ước tính của năm nay. Goldman Sachs dự đoán kinh tế Trung Quốc sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng 4,7%, trong khi UBS đưa ra con số 4,5%.

Moody’s Analytics dự kiến ​​GDP của Trung Quốc sẽ tăng 4,75% vào năm 2025, trong khi Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự kiến ​​mức tăng trưởng 4,5% vào năm 2025, thấp hơn ước tính 4,8% của năm nay.

Các tổ chức tài chính lớn cũng bày tỏ lo ngại về tác động của các biện pháp thuế quan mới có thể được áp dụng đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong tháng tới.

Hôm thứ Hai, UBS cho biết, “Trong trường hợp Chính phủ Mỹ tăng mạnh mức thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chúng ta sẽ chứng kiến mức tăng trưởng dưới 4% ngay cả khi Bắc Kinh tung ra các biện pháp kích thích lớn hơn”.

Ở chiều ngược lại, Công ty dịch vụ tài chính ING đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2025 của Trung Quốc từ 4,6% lên 4,8%, bằng với mức dự báo của năm nay. Nhà kinh tế học Lynn Song của Công ty tại Trung Quốc đánh giá, “các tác động của các biện pháp kích thích tài khóa” có thể sẽ được thể hiện rõ ràng hơn trong năm tới.

Nguồn: Reuters, Bloomberg, SCMP, CNBC, AP News, ING, Financial Times

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới