Thứ năm, 19/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 bắt đầu lung lay

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050 của Liên hiệp quốc được dự báo sẽ có nguy cơ chậm trễ khi các khoản đầu tư vào chuyển đổi xanh không đạt được mức lợi nhuận và hiệu quả mà doanh nghiệp mong muốn.

Theo một cuộc khảo sát vừa được Công ty Tư vấn Bain & Company của Mỹ thực hiện với các giám đốc điều hành trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, phần lớn các doanh nghiệp nhận thấy lợi nhuận mà họ thu về từ các khoản đầu tư liên quan đến quá trình chuyển đổi xanh là không đủ.

Trong số hơn 600 giám đốc điều hành các doanh nghiệp dầu khí, tiện ích, hóa chất, khai thác mỏ và nông nghiệp được Bain & Company khảo sát về quá trình chuyển đổi năng lượng, cơ hội đầu tư và những thách thức trong quá trình khử carbon, 62% dự báo thế giới sẽ chỉ đạt được trung hòa carbon vào năm 2060, hoặc thậm chí là muộn hơn nữa. Tỷ lệ này đã tăng đáng kể so với mức 54% của cuộc khảo sát hồi năm ngoái.

Joe Scalise, người đứng đầu bộ phận năng lượng và tài nguyên thiên nhiên của Bain & Company, cho biết: “Rõ ràng, các giám đốc điều hành ở tuyến đầu của quá trình chuyển đổi xanh càng lâu thì họ càng tỉnh táo hơn về tình hình thực tế”.

Nói một cách đơn giản, theo cuộc khảo sát, việc khách hàng có sẵn sàng trả tiền cho các khoản đầu tư này hay không, đang là một vấn đề ngày càng lớn.

70% số giám đốc điều hành được hỏi cho biết, việc tìm đủ lượng khách hàng sẵn sàng trả mức giá cao hơn cho các hàng hóa, dịch vụ đang là trở ngại lớn nhất trong việc mở rộng quy mô kinh doanh theo định hướng chuyển đổi xanh. Trong cuộc khảo sát hồi năm ngoái, chỉ 56% số lãnh đạo doanh nghiệp cảm thấy lo ngại về vấn đề này.

Theo Financial Times, trong khi các chính sách của chính phủ có thể giúp bù đắp chi phí vốn cao hơn, môi trường chính trị không chắc chắn vẫn đang gây khó khăn cho các giám đốc điều hành trong việc lập kế hoạch cho các dự án. Theo Bain & Company, 70% giám đốc điều hành năng lượng cho biết việc giảm bớt sự không chắc chắn về chính sách sẽ cải thiện “rất đáng kể” khả năng tập trung vào quá trình chuyển đổi xanh.

Sự thoái lui của nhiều doanh nghiệp

Không chỉ dừng lại ở tâm lý thận trọng, nhiều doanh nghiệp thực sự đã đưa ra quyết định trì hoãn, hoặc thu hẹp phạm vi của các cam kết về khí hậu mà họ từng đưa ra trước đó.

Tổ chức Sáng kiến mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (SBTi) mới đây cho biết, 239 doanh nghiệp đã từ bỏ cam kết về mức phát thải ròng bằng 0, trong đó, có những tên tuổi lớn như Microsoft, Procter & Gamble, Unilever và Walmart.

Mặc dù các tập đoàn với tổng giá trị vốn hóa thị trường lên tới hơn 4.000 tỉ đô la này cho biết vẫn đang tiếp tục theo đuổi các mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ, diễn biến trên đã phần nào cho thấy những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong khi xác định chiến lược để đạt được các mục tiêu về môi trường.

SBTi đã tiến hành một cuộc khảo sát giữa các công ty tham gia sáng kiến vào tháng trước với 54% số người được hỏi cho biết những khó khăn trong việc xác định lượng phát thải là rào cản lớn cho việc đặt ra các mục tiêu phát thải ròng bằng 0, trong khi 53% e ngại những sự không chắc chắn về công nghệ trong tương lai.

Các rào cản khác bao gồm triển vọng thiếu chắc chắn (35%), sự thiếu vắng các tiêu chuẩn rõ ràng về trung hòa carbon (27%), không có lộ trình cụ thể cho ngành kinh doanh của công ty (23%), không đủ dữ liệu phát thải để thiết lập mục tiêu (22,5%), tính chất trừu tượng của các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (22%) và xung đột tiềm ẩn với khung pháp lý (18%).

Hồi tháng 1, Tập đoàn bán dẫn Intel cho biết, họ đã từ chối tham gia SBTi vì những khúc mắc trong cách tính toán lượng phát thải. Công ty bán dẫn Nvidia cũng không tuân theo tiêu chuẩn của SBTi, trong khi Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon đã “xóa bỏ cam kết” vào mùa hè năm ngoái.

Áp lực lợi nhuận lấn át mục tiêu môi trường trong ngành dầu khí

Sự thoái lui đáng chú ý nhất diễn ra trong ngành công nghiệp dầu khí, khi nhiều tập đoàn năng lượng lớn đang phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã thu hẹp các cam kết về khí hậu nhằm tăng mức chi trả cổ tức cho các cổ đông. Các doanh nghiệp này hiện đang phải chịu áp lực ngày càng tăng từ các nhà đầu tư, yêu cầu họ tập trung vào các hoạt động kinh doanh có lợi nhuận cao nhất, trong bối cảnh lợi nhuận từ năng lượng tái tạo sụt giảm.

Hồi tháng 2 năm ngoái, Công ty dầu khí BP của Anh đã rút lại cam kết về khí hậu bằng cách công bố mục tiêu mới là cắt giảm 20-30% lượng khí thải vào năm 2030, thay vì 35-40% như cam kết đưa ra trước đó. BP cũng cho biết sẽ tăng cường khai thác dầu khí - những loại năng lượng có mức khí thải cao, so với kế hoạch đưa ra trước đó.

Đến ngày 14-3, đến lượt một hãng dầu mỏ lớn khác là Shell cũng có động thái tương tự khi tuyên bố rằng họ sẽ nới lỏng mục tiêu giảm phát thải năm 2030 từ 20% xuống từ 15-20% trong khi loại bỏ mục tiêu giảm phát thải 45% vào năm 2035.

Những thay đổi về mục tiêu của Shell là trụ cột chính trong kế hoạch cải tổ chiến lược của Giám đốc điều hành Wael Sawan nhằm tập trung vào các dự án có tỷ suất lợi nhuận cao hơn, ổn định sản lượng dầu và đẩy mạnh sản xuất khí đốt tự nhiên nhằm tăng lợi nhuận.

Chia sẻ với Reuters, ông Sawan cho biết, việc đặt ra các mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ vào năm 2035 là “rất nguy hiểm” vì “hiện tại có quá nhiều điều không chắc chắn trong quỹ đạo chuyển đổi năng lượng”. Do vậy, “Shell đang cố gắng tập trung công ty, tổ chức và các cổ đông của mình vào một lộ trình rõ ràng và phù hợp hơn nhiều… đó là năm 2030”.

Shell, nhà kinh doanh khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới, cũng cho biết họ tin rằng khí đốt và LNG sẽ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng bằng cách thay thế nhiều carbon gây ô nhiễm hơn trong các nhà máy điện. Đồng thời, hãng cũng dự đoán doanh số bán điện, bao gồm cả năng lượng tái tạo, sẽ thấp hơn so với các ước tính trước đó.

Trên cơ sở đó, Shell đã bán mảng kinh doanh năng lượng tại châu Âu, rút khỏi các dự án điện gió ngoài khơi với mức phát thải carbon thấp, bán bớt mảng kinh doanh năng lượng mặt trời tại Mỹ, và xem xét thiết lập một tổ hợp lọc hóa dầu khổng lồ tại Singapore. Hãng cũng bắt đầu cắt giảm nhân sự trong toàn công ty, bao gồm cả bộ phận giải pháp giảm phát thải carbon, nhằm nỗ lực tiết kiệm tới 3 tỉ đô la.

Chiến lược khí hậu của Shell hiện đang vấp phải những chỉ trích dữ dội, cũng như thách thức về mặt pháp lý. Ngay cả trước khi có những thay đổi, một tòa án tại Hà Lan đã ra phán quyết rằng các mục tiêu khí hậu ban đầu của Shell không đủ tham vọng, yêu cầu công ty cắt giảm 45% lượng khí thải vào năm 2030. Tuy nhiên, Shell đã kháng cáo phán quyết và cho biết, hãng không thể cắt giảm khí thải nhanh hơn so với mặt bằng chung.

Bình luận về vấn đề này, ông Mark van Baal, người sáng lập tổ chức Follow This, đại diện cho hơn 6.000 cổ đông ở các công ty dầu khí trên toàn cầu đánh giá, “với bước lùi vừa qua, Shell đã đặt cược vào sự thất bại của Thỏa thuận Khí hậu Paris vốn yêu cầu giảm gần một nửa lượng khí thải trong thập kỷ này”.

“Bằng cách hạ thấp mục tiêu, vốn đã rất khiêm tốn của mình, Shell đang đi ngược lại động lực toàn cầu hướng tới mục tiêu không phát thải, và tiếp tục khiến các nhà đầu tư của họ phải đối mặt với những rủi ro không cần thiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng,” Nick Spooner, chuyên gia tại Trung tâm Australasian về trách nhiệm doanh nghiệp - một tổ chức phi lợi nhuận, kết luận.

Nguồn: SCMP, Financial Times, Reuters, Fortune, Greenbiz

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới