(KTSG Online) - Từ ngày 6-11, Sở Chứng khoán Philippines (PSE) sẽ phép nhà đầu tư thực hiện các hoạt động bán khống (short selling) nhằm thu hút dòng vốn ngoại, đặc biệt là các quỹ phòng hộ. Các nhà phân tích nói quyết định này sẽ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, thúc đẩy các công ty đại chúng tiến hành cải cách quản trị.
- Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị nhà đầu tư cẩn trọng với tin đồn
- Hàn Quốc ngăn chặn sốt đầu cơ chứng khoán theo chủ đề
Các nhà đầu tư có thể bán khống cổ phiếu niêm yết trên Sở Chứng khoán Philippines (PSE) từ ngày 6-11-2021 tới. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giao dịch gần một thế kỷ, sàn chứng khoán lâu đời này mới chấp nhận hình thức short selling. Bởi phần lớn sợ thủ tục quan liêu, nhiều người cảnh giác với các biến động giá đột biến. Nhưng có người cũng lạc quan về khối lượng giao dịch tăng, khả năng quản trị doanh nghiệp sẽ được cải thiện.
Thị trường tụt hậu nếu không có bán khống?
Bán khống là chiến lược đầu tư cho phép sinh lời từ giảm giá của một loại cổ phiếu hay trái phiếu nào đó. Nhà đầu tư sẽ đi vay cổ phiếu của nhà môi giới và bán ra trong trường hợp dự đoán giá cổ phiếu có chiều hướng giảm, sau đó mua lại số lượng cổ phiếu tương tự có giá thấp hơn để trả lại người mình đã vay.
Loại hình giao dịch này đã cố định trên các thị trường chứng khoán châu Á, bao gồm ở Indonesia, Hồng Kông, Singapore, Malaysia và Thái Lan. Kế hoạch của Philippines được dự kiến phê duyệt vào năm 2010, nhưng mãi đến đến năm 2018 mọi việc mới được thông qua. Những nỗ lực triển khai hoạt động bán khống đã bị đình trệ khi Covid-19 bùng phát đầu năm 2020.
Rastine Mercado, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại China Bank Securities gọi quyết định mới là đỉnh cao của nỗ lực được thực hiện trong nhiều năm. “Chúng tôi nghĩ rằng đây là một sự phát triển tích cực, cải thiện quá trình xác định giá, khiến thị trường trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Điều này cũng đưa Philippines tiến tới gia nhập vào hàng ngũ các thị trường phát triển, nơi việc bán khống được áp dụng rộng rãi”, Mercado nói với Nikkei Asia.
Các công ty giao dịch trên PSE, bao gồm các gã khổng lồ như tập đoàn bất động sản viễn thông Ayala và công ty thực phẩm Monde Nissin, có thể bị bán khống từ ngày 6-11. Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và nhóm cổ phiếu có chỉ số lợi suất cổ tức và vốn hóa trung bình cũng vậy.
Giám đốc điều hành PSE Ramon Monzon từng nói rằng thị trường chứng khoán Philippines “đang tụt hậu rất nhiều nếu không có hoạt động bán khống”.
Tháng 5-2023, Ủy ban Giao dịch chứng khoán Philippines (PSEC) đã chấp nhận tài sản thế chấp ở nước ngoài cho các giao dịch vay và cho vay trong bán khống. Hai tháng sau, cơ quan lưu ký chứng khoán trung ương của đất nước, Philippine Depository & Trust Corp., đã được chấp thuận có điều kiện làm đại lý cho vay. Cơ quan thuế sau đó đã chấp nhận việc nộp và đăng ký thỏa thuận cho vay chứng khoán tổng thể toàn cầu. Đây là điều kiện cần và đủ để đảm bảo các nhà đầu tư quốc tế có thể tham gia.
Michael Enriquez, giám đốc đầu tư của Sun Life Investment Management and Trust, cho biết việc bán khống ở “các thị trường trưởng thành” có thể thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường tụt hậu như Philippines. “Bán khống là một chiến lược thể hiện quan điểm của nhà đầu tư rằng một số công ty được định giá quá cao. Các công ty niêm yết cần thực sự cần thận trọng hơn trong việc bạch hóa các hoạt động nhằm giúp nhà đầu tư có quyết định tốt hơn”.
Vẫn có những rào cản trong việc cho phép bán khống
Thành tích quản trị kém nói chung của khu vực doanh nghiệp Philippines đã được lưu ý trong báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) năm 2021. Jeff See của Mercantile Securities cho biết, các công ty niêm yết trên sàn PSE nên bắt đầu cải thiện quản trị doanh nghiệp, bởi “quản trị kém sẽ dẫn đến việc người khác bán khống cổ phiếu của họ”.
Nhà môi giới Hernan Segovia của Summit Securities lo ngại rằng các công ty có nền tảng cơ bản vững chắc có thể dễ bị bán khống vì “ngay cả trong một thị trường buồn tẻ và xuống sắc, sẽ luôn có những nhà đầu tư đánh bạc với thị trường”. Chỉ số PSE (gồm 30 công ty lên sàn) đã giảm hơn 9% từ đầu năm đến nay và giảm mạnh so với mức đỉnh trên 9.000 đạt được vào đầu năm 2018. Khối lượng giao dịch thường tụt hậu so với các sàn giao dịch khác trong khu vực.
Tuy nhiên, thị trường không dễ dàng cho tất cả những ai muốn bán khống. Chính phủ Philippines định ra các giới hạn về số lượng cổ phiếu có thể bán khống bất kỳ lúc nào và các giao dịch phải tuân theo "quy tắc tăng giá" nhằm hạn chế việc bán tháo cổ phiếu một cách "tuỳ tiện".
Hoạt động bán khống đang bị giám sát chặt chẽ hơn ở Mỹ trong bối cảnh cổ phiếu của các ngân hàng khu vực bị bán tháo. Đã có lời kêu gọi cấm bán khống ở Mỹ, đặc biệt là đối với cổ phiếu ngân hàng.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư sử dụng chiến lược này đã đạt được thành công đáng kể trong những năm gần đây. Năm 2020, những người bán khống được cho là đã thu về khoảng 2,6 tỉ đô la khi đặt cược vào hãng thanh toán kỹ thuật số Wirecard của Đức khi hãng này vướng vào các cáo buộc tham nhũng và báo cáo tài chính gian lận. Các nhà giao dịch đặt cược vào sự suy thoái của startup bất động sản WeWork cũng thắng lớn.
Đầu năm nay, tập đoàn năng lượng Adani Group của Ấn Độ đã chứng kiến cổ phiếu của mình lao dốc sau khi bị một người bán khống có trụ sở tại Mỹ cáo buộc gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu.
Theo Nikkei Asia