(KTSG) - Đội tuyển U23 Việt Nam đã đánh bại đội tuyển Thái Lan trong trận chung kết SEA Games 31. Dù vẫn còn đó rất nhiều vấn đề phải bàn thêm, nhưng có thể khẳng định thời gian bốn năm vừa qua là giai đoạn thịnh vượng nhất của nền bóng đá Việt Nam. Những thành tựu của bóng đá đang cho chúng ta những góc nhìn suy ngẫm về bài toán phát triển kinh tế lâu dài.
Suốt một thời gian dài nền bóng đá Việt Nam chịu áp lực trước cái bóng của Thái Lan, dù chúng ta vẫn có những thế hệ tài năng. Mỗi lần gặp Thái Lan là hầu như ai cũng sẽ biết trước kết quả sẽ như thế nào.
Ngày xưa đội tuyển thường hay thua vì thiếu thể lực, khi chỉ chạy đến 70 phút là các cầu thủ đã không còn thể giữ cự ly đội hình. Ngày nay thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thua các doanh nghiệp quốc tế về chiến lược phát triển trong đường dài.
Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi. Những thay đổi xuất phát từ cách các ông chủ các đội bóng tư duy lại về vấn đề làm bóng đá. Có lẽ một trong những nhân vật mà nền bóng đá Việt Nam cần ghi nhận đó là ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) với những bước tiên phong trong việc đầu tư bài bản cho bóng đá.
Bây giờ nhìn lại, chúng ta có thể thấy quá trình chuyển dịch diễn ra không khó khăn. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, tìm được người mỗi năm có thể đầu tư vài chục tỉ đồng cho công tác đào tạo bóng đá trẻ với lò đào tạo Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) là chuyện không hề dễ dàng. Những thành công của lò đào tạo HAGL là nguồn cảm hứng để các lò đào tạo chuyên nghiệp khác được hình thành về sau.
Những bài học đó cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của việc đầu tư dài hạn, điều mà hầu như ai trong chúng ta cũng đều hoàn toàn hiểu được nhưng để thực hiện thì không dễ dàng.
Cái giá của R&D là không hề rẻ
Sự thay đổi trong bóng đá không đến ngay trong thời gian ngắn. Chúng ta có thể thấy được điều này từ việc HAGL phải ngụp lặn trong nhóm cuối bảng xếp hạng của V-league nhiều năm liền nhằm tạo một môi trường phát triển cho các cầu thủ từ lò đào tạo phát triển, thay vì tập trung phát triển các đội hình ngoại binh như các đội bóng khác để giành lấy chức vô địch.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang tiếp tục đứng trước một lựa chọn tương tự như vậy trong quá trình phát triển. Sau hơn 30 năm đổi mới, nền kinh tế đã thay da đổi thịt rất nhiều, nhưng nền sản xuất của chúng ta vẫn đang rất yếu, so với các quốc gia khác trong khu vực.
Chúng ta hoàn toàn có thể nhận thấy điều đó khi các mặt hàng nhập khẩu, chưa bàn đến các nhãn hàng cao cấp từ Mỹ, châu Âu hay Nhật Bản, Hàn Quốc, mà ngay cả các nhãn hàng tiêu dùng Thái Lan cũng đang làm mưa làm gió trên thị trường Việt Nam trong những năm qua và cả trong thời gian sắp tới.
Ngày xưa đội tuyển thường hay thua vì thiếu thể lực, khi chỉ chạy đến 70 phút là các cầu thủ đã không còn thể giữ cự ly đội hình. Ngày nay thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang thua các doanh nghiệp quốc tế về chiến lược phát triển trong đường dài. Chúng ta có một lợi thế lớn về một thị trường giàu tiềm năng, giống như một nền tảng quốc gia yêu bóng đá cuồng nhiệt như Việt Nam.
Tuy nhiên, những định hướng ngắn hạn sẽ khiến các doanh nghiệp thua sút khi ra thị trường quốc tế. Khi nền sản xuất trong nước không thể phát triển sẽ kéo theo các vùng nguyên liệu cũng như các nhóm ngành công nghệ phụ trợ cũng không thể phát triển tương ứng, từ đó dẫn đến chi phí sản xuất và giá thành của các sản phẩm trong nước cao hơn nhiều so với các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài.
Thành công của bóng đá Việt Nam chỉ mang tính nhất thời, hay đó là sự thay đổi căn bản về chất? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách các đơn vị phát triển bóng đá nhìn nhận về nguồn gốc thành công của giai đoạn hiện tại. Từ đó, giúp chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của tầm nhìn phát triển, quá trình đầu tư cho việc phát triển chuẩn hóa cũng như xây dựng một phong cách chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.
Tư duy quản lý nền kinh tế cũng như tư duy quản lý doanh nghiệp toàn diện cần phải thay đổi để tái định vị cho nền kinh tế chúng ta như cách câu lạc bộ HAGL đã góp phần tái định vị cho nền bóng đá Việt Nam.
Chúng ta sẽ phải bắt đầu lại với những tiêu chuẩn cơ bản trong hoạt động kinh tế giống như các tiêu chuẩn về khoa học, cũng như tính chuyên nghiệp được đưa vào huấn luyện những thế hệ xuất sắc hiện tại của bóng đá Việt Nam.
Nghiên cứu và phát triển (R&D) là một trong những động lực giúp thúc đẩy nền kinh tế thông qua các đổi mới công nghệ, giảm phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài. Tuy nhiên, ngân sách cho R&D của Việt Nam hiện tại chỉ vào khoảng 0,64% GDP, trong khi đó, so với người Thái, con số này đạt mức 1,13% GDP. So với các quốc gia khác trong khu vực thì mức chi tiêu cho việc phát triển trong dài hạn này của Việt Nam vào nhóm thấp nhất, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển như Hàn Quốc, Singapore và Đài Loan.
Đằng sau sự phát triển vẫn luôn cần sự hỗ trợ từ chính quyền
Sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp cộng với sự hỗ trợ mạnh mẽ của cả hệ thống sẽ giúp cho nền kinh tế có thể tạo ra được những lợi thế cạnh tranh trong dài hạn. Sự hỗ trợ của hệ thống ở đây không chỉ với khẩu hiệu tuyên truyền, mà cần có những chính sách cụ thể trong việc hỗ trợ doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể vững tin phát triển sản xuất. Lịch sử đã minh chứng các nền công nghiệp của các quốc gia châu Á trước khi cất cánh đều được sự hỗ trợ rất lớn từ chính sách của Chính phủ cũng như các chính sách liên quan đến việc ưu tiên phát triển tiêu dùng nội địa.
Những năm 1970 doanh nghiệp xuất khẩu hàng tiêu dùng của Trung Quốc có thể nhận được nguồn vốn vay rất ưu đãi từ hệ thống ngân hàng. Gần đây hơn là việc Chính phủ Thái Lan thực hiện trợ giá cho các sản phẩm gạo để các doanh nghiệp sản xuất gạo có thể tập trung đầu tư bài bản và phát triển các khu nông trại sản xuất với quy mô lớn, từ đó có thể giảm giá thành sản xuất, tạo lợi thế cạnh tranh.
Bất kỳ một ngành sản xuất nào cũng đều bị vướng ở bài toán quy mô lúc ban đầu. Khi sản xuất với quy mô nhỏ thì chi phí sản xuất cao, hàng hóa lại càng khó tiêu thụ so với quy mô lớn. Khi quy mô sản xuất lớn sẽ góp phần giảm thiểu chi phí cố định cũng như nâng cao năng suất tay nghề của nhân công, từ đó giảm mạnh chi phí sản xuất.
Việc đảm bảo nguồn đầu ra giúp doanh nghiệp có thể chủ động sản xuất, từ đó tìm kiếm được các nguồn nguyên liệu chi phí thấp với chất lượng tốt. Đó là lý do tại sao Thái Lan có thể có một nền nông nghiệp tốt hơn nhiều so với Việt Nam dù chúng ta có điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn rất nhiều.
Chúng ta mất 50 năm để có được chiếc huy chương vàng bóng đá nam đầu tiên, tuy nhiên chỉ mất thêm ba năm để có thể đoạt huy chương vàng thứ hai. Thành công của bóng đá Việt Nam chỉ mang tính nhất thời, hay đó là sự thay đổi căn bản về chất?
Điều này phụ thuộc rất nhiều vào cách các đơn vị phát triển bóng đá nhìn nhận về nguồn gốc thành công của giai đoạn hiện tại. Từ đó, giúp chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của tầm nhìn phát triển, quá trình đầu tư cho việc phát triển chuẩn hóa cũng như xây dựng một phong cách chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế.
(*) CFA
(**) BUH