(KTSG) - Tính đến thời điểm hiện tại, 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở phía Nam đã đi được một chặng đường dài trong thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 để phòng chống dịch Covid-19 và đã có bảy địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp trong ngành đứng trước nhiều nỗi lo khi nỗ lực và năng lực để tiếp tục duy trì sản xuất đang bị bào mòn.
Sản xuất trong mùa dịch
Số liệu thống kê cho thấy, bảy địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 vừa qua giảm và 12 địa phương tăng. Cụ thể, TPHCM giảm 19,4%; Long An giảm 14,6%; Cà Mau giảm 13,7%; Đồng Tháp giảm 5,7%; Trà Vinh giảm 5,3%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 1,9%; Bến Tre giảm 0,2%. Ở các địa phương có chỉ số IIP tăng là nhờ một số khu công nghiệp cố gắng và có khả năng triển khai phương án sản xuất “3 tại chỗ” nhằm thực hiện các đơn hàng sản xuất đã ký kết hợp đồng trước đó, góp phần giữ liền mạch chuỗi cung ứng. Tuy duy trì được sản xuất, có sự tăng trưởng trước mắt nhưng là “sự tăng trưởng khó bền vững” khi hầu hết các doanh nghiệp đều đối mặt với mức tổng chi phí tăng cao.
Thắt ruột lo chi phí tăng cao
Tại cuộc họp trực tuyến về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam của Tổ Công tác đặc biệt thuộc Bộ Công Thương với các tỉnh trọng điểm phía Nam hôm 17-8, đại diện các địa phương dự họp cho hay doanh nghiệp sản xuất gặp khó trăm bề.
Theo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, hiện nay, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do chi phí nhân công tăng (phí đưa rước, chi phí bố trí “3 tại chỗ” cho công nhân theo quy định giãn cách; quy trình khử khuẩn, xét nghiệm...). Hiện số doanh nghiệp đang hoạt động và số người lao động trực tiếp làm việc không nhiều. Dịch bệnh cũng khiến một số dự án cụm công nghiệp, dự án điện gió bị chậm tiến độ.
Tình trạng này ở Trà Vinh còn buồn hơn khi hầu hết các doanh nghiệp trong, ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp đã ngừng hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, do không bảo đảm quy định phòng chống dịch Covid-19.
Tỉnh Đồng Nai có gần 44.000 doanh nghiệp với khoảng 1,2 triệu người lao động, riêng số người đang làm việc ở gần 1.900 doanh nghiệp thứ cấp trong 32 khu công nghiệp là hơn 600.000. Sở Công Thương tỉnh này nói các doanh nghiệp không gặp nhiều khó khăn về đơn hàng, nguyên vật liệu như năm ngoái nhưng lại chịu khốn đốn vì chi phí phòng chống dịch ngày càng tăng, còn nguồn lực sản xuất giảm do bị giới hạn về số lượng người làm trực tiếp theo quy định. Chưa kể việc vận chuyển nguyên vật liệu, hàng hóa ngày càng khó vì địa bàn có nhiều khu vực bị phong tỏa, cách ly y tế. Đã có 184 doanh nghiệp giải thể và 257 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, 300.000 người lao động buộc nghỉ việc.
Với Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Công Thương tỉnh cho hay một số doanh nghiệp thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, thiếu người sản xuất nên sản lượng giảm. Trong khu công nghiệp, khoảng 77 doanh nghiệp - với gần 20.000 người lao động - đã phải chọn cách tạm ngưng hoạt động cho đến khi hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Nguyên nhân chủ yếu do không sắp xếp thực hiện phương án “3 tại chỗ”, không bố trí được nơi ở tập trung để thực hiện “1 cung đường - 2 địa điểm”, số lượng đơn đặt hàng giảm.
Siết giãn cách từ 23-8: bốn phương án cho doanh nghiệp TPHCM
Hôm 20-8, UBND TPHCM ban hành Công văn 2789/BCĐ-VX về việc tăng cường một số biện pháp thực hiện công tác phòng chống dịch Covid-19. Một trong những nội dung quan trọng là từ ngày 23-8 đến 6-9, tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp, chỉ được tiếp tục hoạt động nếu đảm bảo các yêu cầu tại Kế hoạch 2715/KH-BCĐ ngày 15-8-2021 của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố. Theo kế hoạch này, nếu doanh nghiệp đáp ứng sản xuất an toàn từ một trong bốn phương án mà UBND TPHCM đưa ra sẽ được sản xuất trở lại, gồm “3 tại chỗ”, “1 cung đường - 2 địa điểm”, “4 xanh” (gồm người lao động xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh, nơi ở xanh) và phương án 4 là kết hợp các phương thức nêu tại các phương án nêu trên.
Đến lượt mình, Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM (Hepza) cũng gửi công văn khẩn ghi ngày 21-8, yêu cầu các công ty phát triển hạ tầng, các doanh nghiệp sản xuất trong khu chế xuất - khu công nghiệp rằng “ai ở đâu ở yên đó” và không di chuyển khỏi nơi sản xuất, để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 kể từ 0 giờ ngày 23-8 đến hết ngày 6-9.
Theo đó, các doanh nghiệp hoạt động trong khu chế xuất khu công nghiệp nào sản xuất theo phương thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường - 2 địa điểm” (gọi chung là phương thức vừa cách ly, vừa sản xuất) vẫn tiếp tục được phép hoạt động, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp duy trì việc sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động sao cho an toàn.
Hepza không tiếp nhận đăng ký mới đối với các doanh nghiệp sản xuất phương thức vừa cách ly, vừa sản xuất. Không thay đổi, bổ sung, giảm lao động trong các doanh nghiệp sản xuất phương thức vừa cách ly, vừa sản xuất, trừ trường họp cấp cứu phải ra khỏi nơi sản xuất.
Để đảm bảo không phát sinh ổ dịch trong doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiếp tục tuân thủ nghiêm túc thực hiện xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần. Doanh nghiệp không được di chuyển người lao động ra khỏi nơi sản xuất để thực hiện xét nghiệm. Tổ chức giao thông cho một số phương tiện vận chuyển liên quan Giấy nhận diện có mã QR - tạo luồng xanh cho các phương tiện lưu thông vận chuyển chuyên gia, công nhân (theo phương thức “1 cung đường - 2 địa điểm”).
Các phương tiện vận tải hàng hóa (xe chở nguyên vật liệu sản xuất, cung cấp thực phẩm, suất ăn cho người lao động hàng ngày, xe chở sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp) tiếp tục sử dụng Giấy nhận diện có mã QR do Sở Giao thông Vận tải cấp theo quy định. Các tổ chức, cá nhân có phương tiện đã được cấp Giấy nhận diện có mã QR chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát người lái xe, người đi cùng trên phương tiện thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch theo quy định hiện hành về phòng, chống dịch Covid-19.
Cần có hướng dẫn cụ thể
Theo đánh giá từ cuộc họp của Tổ Công tác đặc biệt, những phương án mà chính quyền các tỉnh, thành phố đưa ra được cho là có sự linh hoạt hơn và tạo điều kiện để doanh nghiệp quay trở lại sản xuất. Tuy nhiên, nhiều đơn vị cũng cho biết cần có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp trong trường hợp F0 sau khi khỏi bệnh có được tiếp tục làm việc không và F1 không có triệu chứng sẽ cách ly như thế nào.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng ngoài TPHCM, Đồng Nai, hiện vẫn còn nhiều địa phương chưa có phương án linh hoạt cho doanh nghiệp, điều này cũng phần nào thu hẹp điều kiện hoạt động của khối sản xuất.
Tại cuộc hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM và đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn hôm 20-8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết Thành phố đã thành lập Tổ hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19 do một Phó chủ tịch UBND TP đứng đầu, cùng một số đại diện của các ngành có liên quan. Tổ công tác này có nhiệm vụ đồng hành với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do dịch bệnh, tập hợp các kiến nghị vượt quá thẩm quyền quyết định của UBND TPHCM để báo cáo với Chính phủ.
Theo ông, về phương thức hoạt động “3 tại chỗ”, trước đây, TPHCM có tổ chức ký cam kết thực hiện quy định, quy chế tổ chức an toàn trong sản xuất giữa doanh nghiệp và chính quyền. Giai đoạn đầu, các cam kết này đã đảm bảo được an toàn trong sản xuất, không làm đứt gãy các hợp đồng mà doanh nghiệp đã ký kết trước đó. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp đã khiến mô hình sản xuất “3 tại chỗ” phải kéo dài thời gian. Từ đó, ảnh hưởng tâm sinh lý người lao động, chi phí cho công nhân cũng đội lên. Ông Phong nhận định rằng mô hình “3 tại chỗ” chỉ thích hợp cho doanh nghiệp có quy mô vừa phải.
Trên thực tế, Bộ Y tế đã có công văn xác định không bắt buộc doanh nghiệp phải áp dụng “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” mà chính quyền địa phương có thể tùy tình hình địa phương để đề xuất các giải pháp áp dụng cho phù hợp. Trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp đang bị “bào mòn” bởi dịch bệnh, những giải pháp cần sớm được đề xuất trên tinh thần sáng tạo và chủ động, để sau khi thông qua được đưa vào áp dụng kịp thời nhằm giảm thiểu phần nào những khó khăn trong sản xuất.