Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Muôn vẻ trạm dừng chân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Muôn vẻ trạm dừng chân

Một góc trạm dừng chân Rạng Đông, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh: Uyên Viễn

(TBKTSG) – Dù còn nhiều điều phải cải tiến, có thể nói các trạm dừng chân là bước tiến dài sau nạn “cơm tù”…

Mỗi nơi mỗi vẻ

12 giờ 50 phút (ngày 14-5), chuyến xe chất lượng cao loại giường nằm của một công ty xe khách chạy tuyến TPHCM-Buôn Ma Thuột ghé vào trạm dừng chân Rạng Đông để hành khách ăn cơm trưa, sau gần bốn giờ xuất bến. Trạm dừng chân Rạng Đông nằm ven quốc lộ 14 thuộc xã Đoàn Kết, thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.

Cảm nhận đầu tiên là bãi đậu ô tô ở đây rất rộng, có thể cùng lúc đậu cả trăm chiếc; khu vực ăn uống, quầy hàng lưu niệm và cả nhà vệ sinh đều được thiết kế thoáng mát. Ở các lối đi, khu vệ sinh đều có đường dành riêng cho người khuyết tật.

Cơm ở đây có giá từ 20.000-30.000 đồng/dĩa tùy loại, cơm thêm 5.000 đồng/dĩa, thức ăn thêm 20.000 đồng/phần; phở, bún 20.000 đồng/tô. Dĩa cơm trắng (hơn một chén cơm) với rau giá xào và một con chim cút rô ti có giá 25.000 đồng. Canh và nước trà được phục vụ miễn phí. Đây là nhà hàng tự phục vụ, khách mua vé xong tự đến quầy lấy cơm, thức ăn.

Rạng Đông là công ty TNHH có trụ sở ở quận Bình Thạnh, TPHCM. Công ty đã có tám năm khai thác tuyến xe khách TPHCM-Vũng Tàu nhưng thế mạnh chính là tuyến TPHCM-Gia Lai, TPHCM-Buôn Ma Thuột. Chủ doanh nghiệp là ông Nguyễn Thanh Tâm đã có trên 30 năm kinh nghiệm trong hoạt động vận tải. Có lẽ đó chính là lợi thế để Rạng Đông mạnh dạn đầu tư 10 tỉ đồng vào diện tích trên 3 héc ta để làm trạm dừng chân.

Trên tuyến quốc lộ 1A đi qua các tỉnh Nam Trung bộ, điểm dừng chân của tập đoàn Mai Linh-Cà Ná gần đây cũng tạo được sự chú ý của giới vận tải, xe khách. Trạm dừng chân Mai Linh-Cà Ná, nằm trên địa bàn xã Phước Diêm, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận (giáp ranh với địa phận tỉnh Bình Thuận), có tổng diện tích 10 héc ta với nhiều hạng mục công trình, vốn đầu tư 140 tỉ đồng.

Hiện trạm Mai Linh-Cà Ná đã hoàn thành các hạng mục trên diện tích khoảng 2 héc ta, trong đó có khu vực nhà hàng (sức chứa 300 khách), bar cà phê đã được đưa vào sử dụng. Trung bình mỗi ngày trạm đón từ 500-800 khách, mức chi tiêu mỗi khách tối thiểu là 18.000 đồng. Anh Nguyễn Phạm Lưu Vinh, quản lý trạm dừng chân, cho biết theo thiết kế, khi hoàn thành vào cuối năm, nơi đây sẽ có cầu vượt qua quốc lộ 1A, kết nối với cây xăng, nhà hàng, khu vực bảo trì xe, khách sạn, siêu thị; kế đến sẽ xây thêm resort 4 sao dọc bãi biển.

Cho đến nay, sau chín tháng hoạt động, mỗi ngày có khoảng 40 xe khách Mai Linh ghé vào đây trong khoảng thời gian từ 10 – 14 giờ, 10 giờ đêm đến 3 giờ sáng, đó là chưa kể các đoàn khách tham quan của các hãng lữ hành.

Hữu xạ tự nhiên hương

Đó là trường hợp của tiệm Trà – Cà phê Trâm Anh, thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Theo ông Vũ Hùng Anh, chủ doanh nghiệp, Trâm Anh đã hoạt động được 20 năm. Hiện nay gia đình ông vẫn không xem đấy là trạm dừng chân, mặc dù mỗi ngày Trâm Anh đón từ 500-700 khách (các dịp lễ, Tết là 2.000-3.000 khách/ngày).

“Tôi chưa bao giờ nghĩ khách hàng là “thượng đế” mà chỉ xem họ là “bạn”. Cũng vì quý bạn nên mỗi năm gia đình tôi đều trích 5-10% lợi nhuận để tặng lại cho mỗi vị khách, đó là những bình trà, ly cà phê… khi họ ghé đến Trâm Anh”, ông Anh nói.

Trong khi đó trên quốc lộ 20 đi Đà Lạt, hai điểm dừng chân Tâm Châu và Trâm Anh (thị xã Bảo Lộc) cũng khá quen thuộc với hành khách. Tổng công ty Trà và Cà phê Tâm Châu tám năm trước đã quyết định mở rộng lĩnh vực kinh doanh mới. Tâm Châu nhận ra Bảo Lộc là cửa ngõ đón du khách đến tham quan các nơi trong tỉnh và đã tận dụng cơ hội này hợp đồng với trên 300 công ty du lịch, lữ hành trên cả nước đưa khách đến ăn uống, mua sắm.

Ông Võ Quang Vỵ, Phó tổng giám đốc, cho biết trung bình mỗi năm trạm dừng chân Tâm Châu đón từ 300.000-400.000 khách. Mức chi tiêu trung bình của mỗi khách đến đây khoảng 50.000 đồng. “Hiện nay trạm dừng chân Tâm Châu đang quá tải và công ty đã chuyển một phần ba lượng khách đến trạm dừng chân mới của công ty ở thác DamB’ry (cách Bảo Lộc 18 ki lô mét)”, ông Vỵ cho biết.

Dịch vụ khép kín

Quí 4-2006, sau khi nắm 80% cổ phần của Công ty Du lịch DamB’ry, Tâm Châu đã đầu tư 100 tỉ đồng (giai đoạn 2006-2008) để nâng cấp điểm tham quan và các dịch vụ ăn uống, giải trí ở đây. Khu dịch lịch thác DamB’ry có tổng diện tích trên 300 héc ta, lần lượt sẽ được Tâm Châu đầu tư thêm 100 tỉ đồng (2008-2010) để xây dựng khu nghỉ dưỡng 3 sao, cũng như các dịch vụ giải trí.

Ngoài ra, Công ty Tâm Châu cũng đang đầu tư thêm một trạm dừng chân khác (vốn đầu tư 60 tỉ đồng) trên quốc lộ 20, diện tích khoảng 4 héc ta, ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm.

Còn tại trạm dừng chân Rạng Đông, hiện doanh nghiệp này đang chờ giấy phép để xây cây xăng và một số phòng nghỉ cho nhóm khách gia đình. Hoạt động từ cuối năm 2007, trung bình mỗi ngày trạm dừng chân Rạng Đông đón gần 4.000 lượt khách và mức chi tiêu trung bình của mỗi khách khoảng 25.000 đồng.

“Rạng Đông có lượng khách ổn định là do công ty có quan hệ khá tốt với trên 40 đơn vị vận chuyển xe khách trên quốc lộ 14”, ông Nguyễn Hữu Anh Tuấn, nhân viên phòng kinh doanh, cho biết. Theo kế hoạch của công ty, chậm nhất là đầu năm 2009 sẽ xây dựng hoàn chỉnh trạm dừng chân, do đó cũng chưa thể tính được thời điểm thu hồi vốn đầu tư.

Trong khi đó mục tiêu của tập đoàn Mai Linh là phục vụ được khoảng 5% lượng hành khách trên cả nước (bao gồm hành khách trong hệ thống xe Mai Linh). Mai Linh dự kiến chín năm sau giai đoạn 2007-2012, khả năng thu hồi vốn là điều có thể. “Bởi vì giai đoạn này chúng tôi đã chính thức đưa 53 trạm dừng chân vào hoạt động, mỗi năm phục vụ hàng triệu lượt khách của Mai Linh”, ông Huỳnh Bảo Khương, Phó ban Phát triển kinh doanh các trạm dừng chân của Mai Linh, cho biết.

Tháng 4-2008, Công ty cổ phần Dịch vụ công nghiệp ô tô Việt Nam – AAA Logistics (AAA-Vinamotor) cũng gây

Trạm dừng chân Mêkông, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đào Loan

chú ý khi công bố dự án xây dựng 38 trạm dừng chân trên cả nước (hoàn chỉnh vào năm 2015, vốn đầu tư trên 20.700 tỉ đồng). 

AAA-Vinamotor đưa ra kế hoạch là mỗi trạm dừng chân có diện tích 30 héc ta bao gồm các hạng mục như cây xăng, nhà hàng – bar, nhà nghỉ – khách sạn, siêu thị, xưởng bảo trì xe, kho hàng hóa, cảng cạn, ngân hàng, bãi đáp trực thăng, đội cứu hộ cứu nạn, bệnh viện…

Giai đoạn 1, từ nay đến năm 2010, AAA- Vinamotor sẽ xây dựng trước các khu dịch vụ dọc theo tuyến quốc lộ 1A từ Hà Nội đến Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM… nhằm phục vụ cho hệ thống xe của công ty và thu hút một phần phương tiện lưu thông trên tuyến đường này. Giai đoạn 2010-2015, mỗi năm công ty đưa vào hoạt động ít nhất là năm trạm dừng chân.

Trong năm 2008, AAA- Vinamotor sẽ khởi công xây 11 trạm dừng chân, tuy nhiên đến thời điểm cuối tháng 5, những gì theo kế hoạch công bố vẫn còn nằm trên bàn giấy. 

Băn khoăn quy hoạch trạm dừng chân

Công ty TNHH Thuận Thảo (Phú Yên) có bảy năm hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Trên các tuyến quốc lộ từ Vinh đến Cần Thơ, trung bình mỗi ngày Thuận Thảo có khoảng 250 lượt xe hoạt động.

Tuy có lợi thế về đội xe (trên cả 100 chiếc các loại), lượng hành khách ổn định (cả ngàn lượt khách/ngày) nhưng cho đến nay Thuận Thảo vẫn không có ý định xây thêm trạm dừng chân thứ hai sau trạm đầu tiên đặt tại khu du lịch sinh thái ở thành phố Tuy Hòa (Phú Yên). “Làm sao chúng tôi dám đầu tư thêm trạm dừng chân trong khi các ngành chức năng chưa có quy hoạch tổng thể các trạm dừng chân trên cả nước”, ông Trương Trọng Cử, Phó tổng giám đốc Thuận Thảo, chia sẻ.

Trong điều kiện hiện có, Thuận Thảo đã ký hợp đồng với các quán cơm ở các tỉnh từ Quảng Nam đến Khánh Hòa để phục vụ hành khách. “Các quán cơm này đều ký quỹ với Thuận Thảo để nếu xảy ra sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm thì các chủ quán phải thể hiện trách nhiệm đối với hành khách. Họ cũng cam kết với Thuận Thảo không tăng giá bán vào các dịp lễ, Tết”, ông Cử cho biết.

Thuận Thảo cũng đã thành lập tổ kiểm tra các quán ăn mà công ty đang hợp tác. Nhiệm vụ của tổ kiểm tra là lấy ý kiến hành khách về chất lượng, cung cách phục vụ của các quán ăn. “Thỉnh thoảng tổ kiểm tra sẽ kiểm tra đột xuất nguồn gốc thực phẩm và cách chế biến thức ăn của các quán này”, ông Cử nói.

Cũng nên nhắc lại, năm 2004, trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết Cục Đường bộ đã phối hợp với sở giao thông công chánh và chính quyền địa phương các tỉnh dọc theo quốc lộ 1A khảo sát và đã chọn ra 48 điểm dừng, nghỉ chân.

Trong 48 điểm được khảo sát đã chọn ra hai trạm thí điểm đặt ở tỉnh Thừa Thiên-Huế và Phú Yên, sau đó kêu gọi các nhà đầu tư tham gia xây dựng để đưa vào khai thác trong năm 2005. Tuy nhiên cho đến cuối tháng 5-2008, những thông tin mà ông Thanh công bố vẫn chưa trở thành hiện thực. Trong khi đó xuất phát từ nhu cầu thực tế, các doanh nghiệp tư nhân đã làm được điều mình cần! 

UYÊN VIỄN 

Mô hình trạm dừng chân Mai Linh

Một trạm dừng chân của Mai Linh tại Cà Ná.

Từ năm 2007-2015, tập đoàn Mai Linh sẽ đầu tư 106 trạm dừng chân trên cả nước với tổng số vốn là 192 triệu đô la Mỹ (chưa tính tiền mua đất). Theo đó, từ năm 2005-2007 là giai đoạn nghiên cứu, quy hoạch các trạm dừng chân; 2007-2012, hoàn thành 53 trạm dừng chân dọc theo các tuyến quốc lộ trên cả nước và tại các cửa khẩu ở miền Trung, phía Bắc và hai trạm ở Lào, Campuchia; từ 2012-2015 hoàn tất 53 trạm còn lại.

Trong 106 trạm dừng chân có một số nơi được tập đoàn Mai Linh mua đất như ở Cà Ná, Sóc Trăng, hoặc có nơi được miễn thuế sử dụng đất như khu kinh tế Lao Bảo, Quảng Trị, số trạm còn lại là hợp tác thuê đất với chính quyền các địa phương.

Theo ông Huỳnh Bảo Khương, Phó ban phát triển kinh doanh các trạm dừng chân của Mai Linh, quy hoạch trạm dừng chân của Mai Linh gồm có ba loại. Loại 1 là trạm nằm giữa khoảng cách hai thành phố lớn sẽ có thêm khu y tế, sơ cấp cứu, phục vụ các hoạt động y tế mang tính cộng đồng như hiến máu nhân đạo, từ thiện; Loại 2 là trạm nằm ở cửa ngõ các thành phố lớn; Loại 3 là trạm nằm trong thành phố lớn như ở Phan Thiết, Đà Nẵng… có trạm xe buýt, taxi, xe trung chuyển đến các điểm du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị. “Trong 106 trạm dừng chân tập đoàn Mai Linh phân ra 37 trạm lớn, vốn đầu tư trên 4 triệu đô la Mỹ/trạm; 69 trạm vừa, vốn đầu tư 800.000-900.000 đô la Mỹ/trạm”, ông Khương cho biết.

Để có đủ số vốn đầu tư trạm dừng chân như dự định, trong các giai đoạn xây dựng, Mai Linh dự kiến sẽ kêu gọi các doanh nghiệp khác liên doanh, liên kết, hợp tác với chính quyền các địa phương hoặc phát hành trái phiếu công trình. Sau khi hoàn thành 53 trạm dừng chân vào năm 2012, Mai Linh dự kiến sẽ thu hồi vốn sau chín năm (chưa tính tiền đầu tư đất đai).

NGUYỄN LÊ

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới