Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Mỹ cam kết trả đầy đủ tiền gửi ở Silicon Valley Bank

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Các cơ quan quản lý liên bang của Mỹ cam kết bảo toàn tiền gửi ở ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và sẽ đáp ứng nhu cầu rút toàn bộ tiền của khách hàng. Đây là một phần trong loạt hành động khẩn cấp của chính phủ Mỹ nhằm ngăn chặn khủng hoảng lây lan trong ngành ngân hàng sau cú sụp đổ của SVB.

Các cơ quan quản lý liên bang của Mỹ cam kết tất cả khách hàng có thể rút đầy đủ số tiền gửi ở ngân hàng Silicon Valley Bank. Ảnh: AP

Hôm 12-3, giới chức trách ở New York thông báo đóng cửa Signature Bank và giao cho Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) tiếp quản nhằm ngăn hiệu ứng lây lan từ biến cố SVB.

Signature Bank, ngân hàng chuyên phục vụ các công ty tiền ảo, có tổng tài sản hơn 100 tỉ đô la và tiền gửi khoảng 88,6 tỉ đô la tính đến cuối năm 2022. Sau khi SVB bị buộc đóng cửa và đặt dưới sự tiếp quản của FDIC, khách hàng doanh nghiệp của Signature Bank bắt đầu lo lắng và muốn rút khoản tiền gửi ở ngân hàng này.

Như vậy, đây là ngân hàng thứ ba của Mỹ gục ngã chỉ trong vòng một tuần. Trước đó, hôm 8-3, ngân hàng Silvergate Bank, cũng phục vụ các công ty tiền ảo đã thông báo thanh lý tài sản và trả tiền lại cho khách hàng.

Trong tuyên bố chung đưa ra hôm qua, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg cam kết bảo toàn tiền gửi của khách hàng tại SVB và Signature Bank.

Tuyên bố cho biết, nếu có nhu cầu rút tiền thì tất cả những người gửi tiền ở SVB sẽ được đáp ứng vào hôm nay (13-3). Fed và Bộ Tài chính sẽ sử dụng thẩm quyền cho vay khẩn cấp để thành lập một một quỹ mới giúp đáp ứng nhu cầu rút tiền. FDIC sẽ bảo đảm trả đầy đủ tiền gửi ở hai ngân hàng này thay vì chỉ giới hạn ở mức được bảo hiểm 250.000 đô la theo luật định.

Tuyên bố cũng cho biết, bất kỳ tổn thất nào cho quỹ bảo hiểm tiền gửi sẽ được bù đắp thông qua việc tính toán lại mức đóng góp định kỳ cho quỹ này từ ngân hàng thành viên của FDIC. Điều này có nghĩa, quỹ sẽ không sử dụng tiền thuế của người dân để trả phần tiền không được bảo hiểm của người gửi tiền.

Nhà chức trách cố gắng ngăn chặn để khủng hoảng SVB không lây lan rộng hơn đồng thời tránh những chỉ trích chính trị về việc giải cứu các tổ chức tài chính bằng tiền thuế của người dân.

“Hôm nay, chúng tôi đang thực hiện các hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống ngân hàng”, tuyên bố có đoạn.

Theo một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp nói trên không phải là hành động giải cứu vì những người nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu của SVB và Signature Bank sẽ không được bảo vệ. Vị quan chức cho biết thêm, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ làm việc với quốc hội và các cơ quan quản lý tài chính để xem xét bổ sung biện pháp củng cố hơn nữa hệ thống tài chính.

Trong một tuyên bố riêng phát đi vào tối 12-3, Fed cho biết “đang giám sát chặt chẽ các điều kiện trên toàn hệ thống tài chính và sẵn sàng sử dụng đầy đủ các công cụ để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Fed sẽ thực hiện các bước đi bổ sung khi thích hợp.

Fed cam kết cung cấp thêm nguồn vốn cho các ngân hàng để đảm bảo ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu của tất cả những người gửi tiền. Nguồn vốn đó sẽ đến từ chương trình cấp vốn có kỳ hạn dành cho ngân hàng (BTFP) mới.

Chương trình này cung cấp các khoản vay có kỳ hạn đến một năm cho những ngân hàng đồng ý cầm cố trái phiếu chính phủ Mỹ, chứng khoán có đảm bảo bằng thế chấp và các tài sản thế chấp khác. Nhiều tài sản trong số này giảm giá trị khi Fed tăng lãi suất.

Tuy nhiên, Fed cam kết định giá các tài sản cầm cố này theo giá trị ban đầu của chúng. Fed có thể sử dụng đến 25 tỉ đô la từ quỹ bình ổn hối đoái của Bộ Tài chính để hỗ chương trình BTFP.

Thông báo vào tối Chủ nhật kết thúc một ngày cuối tuần quay cuồng của cơ quan quản lý liên bang. Họ đã chạy đua tổ chức  bán đấu giá ngân hàng SVB nhưng rốt cục không có người mua.

Ông Powell cũng đã hủy bỏ kế hoạch tham dự một cuộc họp thường kỳ của các quan chức ngân hàng trung ương ở Basel, Thụy Sĩ vào hôm 12-3 để ở lại Washington quản lý nỗ lực ứng phó khủng hoảng.

Theo WSJ, Reuters

1 BÌNH LUẬN

  1. Hàng ngàn tỷ USD sẵn sàng được Fed tung ra trong khủng hoảng tài chính 2008. Vậy nên đợt khủng hoảng này không phải là chuyện lớn. Vấn đề là ở chỗ, mô hình kinh doanh hiện nay của các ngân hàng số (digital banks) cần phải điều chỉnh sự vận hành của cơ chế quản lý rủi ro có quá nhiều khác biệt so với trước. Lý thuyết và thực tiễn đang bị thách thức. Dù sao, vẫn may mắn một điều là nước Mỹ vẫn đang đi đầu xử lý những loại hình khủng hoảng mới, để cho thế giới còn lại tham khảo và sớm thích nghi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới