(KTSG Online) - Mỹ đang cân nhắc kế hoạch 5 năm nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào các nhà máy chip ở Trung Quốc. Lý do Mỹ chọn khung thời gian này là lo ngại việc cấm Trung Quốc tiếp cận công nghệ chíp có thể làm giảm chuỗi cung ứng, ảnh hưởng đến các tập đoàn công nghệ của Mỹ.
- Kiểm soát xuất khẩu và trợ cấp – chiến lược của Mỹ để duy trì ưu thế về chip
- Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác trong lĩnh vực chip bán dẫn
Ngày 7-10-2022, Mỹ đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất chip công nghệ cao sang Trung Quốc với các quy định khá nghiêm ngặt. Chẳng hạn, các khoản đầu tư hay các giao dịch với Trung Quốc không vượt quá 100.000 đô la, có nghĩa là các hãng chip Mỹ và nước ngoài sẽ không thể xuất các công nghệ và thiết bị sản xuất dưới 28 nm (kích thước chip càng nhỏ càng có hiệu suất và tính năng công nghệ càng cao), cấm xuất công nghệ và thiết bị sản xuất chip dưới 14 nm, khi làm ăn với Trung Quốc thì không được hưởng hỗ trợ tài chính của Mỹ…
Không chỉ các hãng công nghệ Mỹ bị ảnh hưởng mà nhiều hãng chip của phe đồng minh cũng bị ảnh hưởng, trừ khi có được giấy phép của Mỹ.
Các hãng chip tích cực vận động để được miễn trừ
Các hãng chip Hàn Quốc, Đài Loan và Mỹ đã tích cực vận động hành lang để tiếp tục được hưởng quyền miễn trừ trong suốt một năm qua.
Hôm 9-10-2023, Mỹ đã gia hạn vô thời hạn quyền miễn trừ này cho hai hãng Samsung Electronics và SK Hynix của Hàn Quốc do e ngại các tác động của gián đoạn chuỗi cung ứng.
Samsung và SK Hynix, hai hãng sản xuất chip nhớ lớn nhất và lớn thứ hai thế giới, đã đầu tư hàng tỉ đô la vào các nhà máy chip ở Trung Quốc. Chip của các nhà máy của Samsung và SK ở Trung Quốc được vận chuyển đến các nhà máy lắp ráp của Apple, HP và Dell ở Trung Quốc, và đi khắp nơi trên thế giới.
Ngay sau chính phủ Mỹ công bố lệnh miễn trừ với Samsung và SK, hãng chip TSMC của Đài Loan ngay lập tức đã nộp đơn đề nghị được hưởng quyền miễn trừ vô thời hạn với nhà máy chip của hãng ở Nam Kinh. Hiện TSMC chỉ được cơ chế miễn trừ cần gia hạn mỗi năm. Nhà máy của TSMC tại đây có thể sản xuất chip 12 nm và 16 nm (vốn bị chính phủ Mỹ xem là có công năng tương tự như chip 14 nm) và các loại chip 22 nm, 28 nm kém tiên tiến hơn.
Không chỉ các hãng chip Hàn Quốc và Đài Loan tích cực vận động và đề nghị quyền miễn trừ, các hãng công nghệ Mỹ cũng vào cuộc. Hơn 80% iPhone của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc. HP và Dell cũng phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất của Trung Quốc, vốn sẽ bị ảnh hưởng nếu không có nguồn cung chất bán dẫn tiên tiến từ các hãng chip Hàn Quốc và Đài Loan.
Trước chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8-2023, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã tham vấn với hơn 100 CEO hàng đầu về tác động của các biện pháp hạn chế xuất khẩu công nghệ cao sang Trung Quốc đến công việc kinh doanh của các doanh nghiệp này.
Mỹ đang có ý định dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ chip với Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đang muốn thực hiện một cách tiếp cận từ từ bởi lo ngại việc tách rời quá vội vàng khỏi chuỗi cung ứng của Trung Quốc sẽ làm tổn hại đến lợi ích của nước Mỹ.
Trong một phiên điều trần trước Hạ viện hồi tháng 9 vừa rồi, Bộ trưởng Raimondo nói rằng, đó là một tầm nhìn lớn lao và trong 5 hoặc 6 năm nữa, nước Mỹ sẽ đạt được nhiều lợi ích từ tầm nhìn này. Mỹ đang cung cấp gói hỗ trợ trị giá 52 tỉ đô la để thu hút các hãng chip hàng đầu của Hàn Quốc và Đài Loan, nhằm xây dựng nền công nghiệp chip tiên tiến hàng đầu thế giới trong 5 năm tới.
Bản đồ chip toàn cầu thay đổi mạnh mẽ trong 5 năm tới?
Dù các hãng chip ngoại quốc nhận được quyền miễn trừ nhưng để có thể an toàn trong tương lai những tập đoàn này ở một khía cạnh nào đó cũng tách biệt khỏi Trung Quốc trong trung và dài hạn. Cụ thể, Samsung đang xem xét dừng đầu tư, thu hẹp quy mô sản xuất hay giảm dần tỷ lệ chip được sản xuất ở nhà máy tại Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.
Ấn Độ xem đây là cơ hội cho các hãng sản xuất thiết bị điện tử theo hợp đồng của Ấn Độ. Tờ Press Trust của Ấn Độ dẫn lời một quan chức chính phủ cho biết Apple sẽ tăng gấp 5 lần sản lượng iPhone tính theo giá trị trong khoảng 5 năm tới.
Tuy nhiên, chiến lược của Mỹ có thành công hay không thì vẫn chưa rõ ràng vì sau những động thái nói trên, Trung Quốc đang đầu tư mạnh để tăng cường năng lực của ngành chip trong nước.
Đơn cử, Huawei Technologies vào tháng 8 đã bắt đầu bán điện thoại thông minh mới được trang bị chip 7 nm. Một số nhà phân tích cho rằng, các biện pháp cấm đoán của Mỹ thực sự không hiệu quả, bởi bằng cách nào đó, công nghệ chip 7 nm đã được đưa vào Trung Quốc. Mặc dù công nghệ chip 7 nm được xem là chậm hơn 5 năm so với công nghệ chip tiên tiến nhất hiện nay là 3 nm mà TSMC và Samsung đang sản xuất hàng loạt, nhưng con chip 7 nm của Huawei đã chứng minh sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc.
Theo cố vấn kỹ thuật của một hãng chip ở Trung Quốc, có nhiều cách để “né” các luật cấm của Mỹ, như nhập khẩu thiết bị qua nước thứ ba. Nhiều kỹ sư Hàn Quốc và Đài Loan cũng đang chuyển đến làm việc tại Trung Quốc đại lục, mang theo chuyên môn của họ.
Trước những lo ngại như vậy, ngày 17-10, Mỹ đã công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới nhằm ngăn chặn dòng công nghệ bán dẫn tiên tiến chảy sang Trung Quốc thông qua các nước thứ ba.
Theo Nikkei Asia, Reuters, Bloomberg, SCMP