(KTSG Online) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chuẩn bị một chương trình mới nhằm cấm đầu tư của Mỹ vào một số lĩnh vực công nghệ quan trọng ở nước ngoài, chủ yếu nhắm đến Trung Quốc. Giới quan sát xem đây là bước đi mới nằm bảo vệ lợi thế công nghệ của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
- Mỹ cắt đứt nguồn cung chip AI cao cấp sang Trung Quốc
- Giới đầu tư Mỹ rót hàng chục tỉ đô la vào lĩnh vực AI của Trung Quốc
Xem xét cấm đầu tư vào chip cao cấp, điện toán lượng tử, AI
Trong các báo cáo gửi đến các nhà lập pháp vào hôm qua (3-3), Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cho biết, đang xem xét một hệ thống quy định mới để kiểm soát hoạt động đầu tư của Mỹ vào các công nghệ tiên tiến ở nước ngoài, có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia.
Theo các báo cáo, chính quyền Joe Biden có thể cấm đầu đầu tư trong một số lĩnh vực nhất định, đồng thời sẽ thu thập thông tin về các khoản đầu tư khác để chuẩn bị cho các động thái tiếp theo.
Dù không xác định các lĩnh vực công nghệ cụ thể mà Nhà Trắng xem là nhạy cảm với rủi ro an ninh quốc gia nhưng các báo cáo cho biết, những lĩnh vực giúp nâng cao năng lực quân sự của các đối thủ sẽ là trọng tâm của chương trình hạn chế đầu tư ở nước ngoài.
Các nguồn tin nắm rõ nội dung của chương trình cho biết, các hạn chế này có thể bao gồm quy định cấm các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân và vốn mạo hiểm vào chip cao cấp, điện toán lượng tử và một số dạng trí tuệ nhân tạo (AI). Chẳng hạn, giới chức Mỹ muốn ngăn cấm các nhà đầu tư Mỹ cung cấp vốn và chuyên môn cho các công ty Trung Quốc có thể giúp Bắc Kinh cải thiện tốc độ và độ chính xác trong quyết định quân sự.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, chương trình sẽ tập trung vào việc ngăn chặn nước ngoài khai thác vốn và chuyên môn của Mỹ theo những cách “đe dọa an ninh quốc gia của chúng ta” mà không gây tổn thất quá mức các nhà đầu tư và doanh nghiệp Mỹ.
Các báo cáo không xác định chương trình sẽ nhắm đến các nước cụ thể nào nhưng nhiều nguồn tin cho biết, quy định mới trên thực tế sẽ hạn chế phần lớn các khoản đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc.
Bộ Tài chính và Bộ Thương mại Mỹ cho biết, dự kiến sẽ hoàn thiện chính sách về vấn đề này trong tương lai gần. Cả hai cơ quan cũng sẽ tìm kiếm các nguồn lực tài chính bổ sung cho chương trình hạn chế đầu tư này.
Cân bằng rủi ro an ninh và lợi ích kinh tế
Chính phủ Mỹ từ lâu đã rà soát chặt chẽ các khoản đầu tư nước ngoài vào Mỹ. Trong một số trường hợp, Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (Cfius) đã ngăn chặn các thương vụ đầu tư của ngoài vào các lĩnh vực nhạy cảm.
Tuy nhiên, các quy tắc điều chỉnh đầu tư của Mỹ ra nước ngoài sẽ là một bước đi mới trong nỗ lực rộng lớn hơn của Nhà Trắng nhằm cản trở khả năng phát triển các công nghệ của Trung Quốc mà các quan chức nước này tin rằng, có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia. Hồi tháng 10-2022, Mỹ đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu mới đối với chip cao cấp và thiết bị sản xuất chip sang Trung Quốc.
Năm ngoái, một nhóm nghị sĩ đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đã kêu gọi đưa các quy tắc mới nhằm quản lý các hoạt động đầu tư của Mỹ vào Trung Quốc. Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ Rosa DeLauro, thành viên của Ủy ban Phân bổ ngân sách thuộc hạ viện Mỹ, yêu cầu chính quyền chuẩn bị một báo cáo về chủ đề này như một phần của gói chi tiêu ngân sách hàng năm vào năm ngoái.
“Báo cáo là bước đầu tiên để đảm bảo đầu tư của Mỹ không thúc đẩy năng lực công nghệ của Trung Quốc và tạo ra sự phụ thuộc nguy hiểm”, bà DeLauro nói.
Theo các nguồn tin, trong nhiều tháng qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã nghiên cứu một sắc lệnh hành pháp thiết lập các quy tắc đầu tư mới ở nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là làm thế nào để xây dựng phạm vi phụ hợp đối các biện pháp kiểm soát đầu tư.
Thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo cho rằng, Mỹ nên soạn thảo các quy tắc của chương trình hạn chế đầu tư theo hướng giúp giải quyết các rủi ro an ninh quốc gia nhưng không tạo bất lợi kinh tế.
“Theo quan điểm của tôi, một trong những điều quan trọng nhất là đảm bảo rằng chúng ta vạch ra ranh giới rõ ràng giữa cạnh tranh và an ninh quốc gia”, ông nói.
Các quan chức Nhà Trắng cũng đang liên hệ với các đồng minh thân cận trong nhóm cường quốc công nghiệp G7 để kêu gọi sự ủng hộ cho ý tưởng hạn chế đầu tư vào Trung Quốc.
G-7 sẽ tổ chức một loạt các cuộc họp cấp cao vào tháng 5 tới và có thể tán thành ý tưởng này. Một quan chức của Liên minh Châu Âu (EU) xác nhận, các cuộc đàm phán với Mỹ về việc kiểm soát đầu tư của Mỹ ở nước ngoài đang diễn ra.
Sequoia Capital, một trong những công ty đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới, có trụ sở ở bang California, đã bắt đầu sàng lọc các khoản đầu tư mới vào các công ty bán dẫn hoặc máy tính lượng tử của Trung Quốc để chuẩn bị ứng phó các quy định hạn chế đầu tư mới của chính phủ Mỹ.
Theo WSJ