Mỹ cứu ngân hàng, thị trường tăng mạnh
Bảng điện tử tại Tokyo cho thấy giao dịch ngày hôm nay 24-3 diễn ra rất sôi động. |
(TBKTSG Online) - Hai thông tin quan trọng từ Mỹ đã làm cho thị trường chứng khoán khắp nơi bật lên trong ngày hôm nay thứ Ba (24-3), báo hiệu một khả năng thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng.
Một là, kế hoạch có thể lên tới 1.000 tỉ đô la của chính phủ Mỹ mua lại các loại cổ phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp là bất động sản đang làm tắc nghẽn hệ thống tín dụng của nước này, và hai là thị trường nhà đất Mỹ có dấu hiệu ấm lại sau thời gian dài suy thoái trầm trọng.
Thị trường xanh trở lại
Tại Mỹ, nhà đầu tư hoan nghênh kế hoạch của chính phủ giải quyết dứt điểm hai vấn đề lớn nhất của nền kinh tế - ngân hàng và nhà đất – bằng cách đổ xô mua cổ phiếu, đẩy các chỉ số chứng khoán chủ yếu lên hơn 7% trong ngày thứ Hai (23-3) khi kế hoạch này được công bố.
Chỉ số Dow Jones tăng 497,48 điểm (6,8%), chỉ số Standard & Poor’s 500 tăng 7,1%, lên 822,92 điểm, vượt qua ngưỡng tâm lý 800 điểm trong khi chỉ số Nasdaq cũng tăng 6,8%. Tính theo tỷ lệ thì thứ Hai vừa qua là ngày tăng điểm mạnh nhất của các chỉ số chứng khoán Mỹ kể từ tháng 10 năm ngoái, khiến giới đầu tư bình luận rằng niềm tin đã trở lại với các thị trường. Đáng chú ý là cổ phiếu ngành ngân hàng, mấy tuần qua bị rẻ rúng vì người ta hoài nghi khả năng vượt qua khủng hoảng của các tổ chức tài chính, hôm qua đã quay đầu tăng rất mạnh: giá cổ phiếu của Citigroup tăng 19,5%, của Bank of America tăng 26%, của JPMorgan Chase & Co tăng 25% và của Wells Fargo tăng 24%.
Thực ra chứng khoán Mỹ đã bắt đầu tăng từ hai tuần trước, khi tập đoàn ngân hàng Citigroup công bố có lãi trong hai tháng đầu năm. Nhưng theo giới phân tích đợt tăng giá tuần này “căn bản” hơn vì nhà đầu tư có vẻ hy vọng nhiều vào sự phục hồi của nền kinh tế.
Ảnh hưởng tâm trạng hào hứng của Wall Street, các thị trường châu Á cũng tăng điểm mạnh trong cả hai phiên giao dịch đầu tuần. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 3,3%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 3,5% và chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 1,9%.
Tại châu Âu, chỉ số FTSE của Anh tăng 2,9%, DAX của Đức tăng 2,7% và CAC 40 của Pháp tăng 2,8%.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô tăng thêm 1,73 đô la Mỹ/thùng, ở mức 53,8 đô la/thùng. Giá vàng giảm sau những ngày tăng liên tục khi nhà đầu tư lo lắng về sự chập chờn của nền kinh tế và khả năng mất giá của đồng đô la Mỹ.
Kế hoạch mua tài sản độc
Hôm thứ hai, chính phủ của ông Obama đã nhắm thẳng vào cuộc khủng hoảng đang làm tắc nghẽn hệ thống tín dụng của đất nước bằng việc đưa ra một kế hoạch mua lại khoảng 1.000 tỉ đô la cổ phiếu bảo đảm bằng tài sản thế chấp đang mất giá.
Theo kế hoạch này, Bộ Tài chính Mỹ cùng với Cục Dự trữ liên bang (FED) và Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) sẽ lập ra một quỹ hỗn hợp ngân sách nhà nước và vốn đầu tư tư nhân – phần lớn từ các nhà đầu tư thể chế như quỹ đầu tư – để giúp các ngân hàng loại bỏ khỏi bảng cân đối tài sản những cổ phiếu có liên quan tới bất động sản mà hiện rất khó đánh giá. Mục tiêu của kế hoạch, theo phát biểu của Tổng thống Obama là giúp các ngân hàng khôi phục hoạt động cho vay “để các gia đình có thể tiếp cận nguồn vốn vay thiết yếu để tiêu dùng, mua xe hơi, đóng tiền học phí…, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể ổn định tài chính và tất cả chúng ta sẽ khiến cho nền kinh tế vận động trở lại”. Còn theo Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner, “Kế hoạch này giúp các ngân hàng làm sạch sổ sách và từ đó có thể huy động vốn dễ dàng hơn”.
Rút kinh nghiệm từ sự cố ngày 10-2-2009 khi ông Timothy Geithner – lúc đó là tân Bộ trưởng Tài chính – đưa ra kế hoạch “loại bỏ khỏi bảng cân đối tài chính của các ngân hàng những tài sản độc”, gọi là chương trình TARP, mà không nói rõ chi tiết khiến thị trường phản ứng tiêu cực và chỉ số Dow Jones mất 300 điểm, hôm qua đích thân Tổng thống Barack Obama trình bày kế hoạch trước công chúng, trong khi ông Bộ trưởng Geithner chỉ gặp mặt các nhà báo. |
Trọng tâm của kế hoạch là giúp xác định giá trị của các khoản nợ thế chấp bằng nhà đất và các cổ phiếu độc khác mà các ngân hàng Mỹ đã tung ra thị trường trong mấy năm qua, từ đó xác định quy mô các khoản thất thoát của ngân hàng. Trước đây, Bộ trưởng Tài chính Henry Paulson dưới thời Tổng thống George Bush đã phải hủy bỏ kế hoạch dùng tiền nhà nước mua lại các tài sản “độc” chủ yếu vì không thể xác định được giá trị của chúng. Còn kế hoạch này, theo ông Geithner, giá trị của các món nợ và cổ phiếu sẽ được thẩm định bởi nhà đầu tư tư nhân, từ đó tránh cho nhà nước nguy cơ mua “hớ”. Sau khi mua lại các tài sản này, nếu chúng tăng giá thì nhà đầu tư và người đóng thuế đều hưởng lợi, ngược lại thì nhà nước và nhà đầu tư cùng chia sẻ thiệt hại.
Kế hoạch sẽ sử dụng từ 75 đến 100 tỉ đô la từ chương trình TARP (Troubled Asset Relief Program) hiện hành của chính phủ Mỹ, cộng với vốn đầu tư tư nhân và tín dụng từ FDIC và FED để tạo ra một ngân quỹ 500 tỉ đô la vốn ban đầu. Ông T. Geithner nói rằng, sức mua của quỹ này có thể lên tới 1.000 tỉ đô la, tương đương với một nửa số tài sản độc hiện có trong sổ sách của các ngân hàng. Chủ tịch FDIC, bà Sheila Bair cam kết sẽ chi ra ít nhất 500 tỉ đô la cho kế hoạch này để mua lại các bất động sản thương mại và các khu nhà ở.
Một thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) xác định FED sẽ giữ “vai trò trung tâm” điều phối kế hoạch này và ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương lai; điều đó cũng có nghĩa là Quốc hội Mỹ đã mở rộng quyền quản lý nhà nước của FED để giám sát tất cả các tổ chức tài chính chứ không chỉ có ngân hàng. Hiện nay FED chưa công bố bao giờ chính phủ sẽ bắt đầu mua lại tài sản độc nhưng thị trường kỳ vọng rằng kế hoạch mới sẽ được triển khai trong vài tuần lễ tới.
Trong một diễn biến liên quan, Hội các nhà kinh doanh bất động sản toàn quốc của Mỹ cũng vừa công bố số nhà bán ra trong tháng 2 đã tăng 5,1% so với tháng 1-2009 dù giá bình quân cũng giảm.
Huỳnh Hoa (theo AP, Reuters và AFP)