Chủ Nhật, 5/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Mỹ điều tra các hãng tàu nước ngoài vì tình trạng thiếu container rỗng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Mỹ điều tra các hãng tàu nước ngoài vì tình trạng thiếu container rỗng

Lê Linh

(TBKTSG Online) - Ủy ban Hàng hải liên bang Mỹ (FMC) hôm 21-11 thông báo mở cuộc điều tra các thực hành kinh doanh của các hãng tàu biển nước ngoài tại các cảng của Mỹ. Động thái này diễn ra khi các nhà xuất khẩu Mỹ khiếu nại họ bị các hãng tàu nước ngoài từ chối vận chuyển hàng xuất khẩu vì ưu tiên xoay vòng container rỗng trở về châu Á để vận chuyển hàng hóa Trung Quốc.

Mỹ điều tra các hãng tàu nước ngoài vì tình trạng thiếu container rỗng
Hồi cuối tháng 10, hãng tàu Hapag-Lloyd (Đức) thông báo tạm dừng nhận đơn hàng xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp từ Bắc Mỹ. Ảnh: Reuters

Bị điều tra vì từ chối nhận đơn hàng xuất khẩu từ Mỹ

Bà Rebecca Dye, một ủy viên của FMC, cho hay cuộc điều tra sẽ tập trung vào các hãng tàu hoạt động trong các liên minh và đang ghé các cảng Long Beach, Los Angeles, New York và New Jersey. Gần đây, các nhà xuất khẩu trong ngành nông nghiệp Mỹ phàn nàn với Quốc hội Mỹ rằng các hãng tàu nước ngoài từ chối các đơn hàng xuất khẩu của họ để gửi container rỗng về châu Á, đóng hàng hóa Trung Quốc. 

Các nhà xuất khẩu đậu nành, cotton, gỗ xẻ của Mỹ than phiền họ không tìm được container rỗng ở các điểm phân phối hàng hóa vì các hãng nước tàu ngoài vội vã đưa chúng trở về châu Á để được hưởng cước phí cao hơn. Hoạt động vận chuyển container rỗng từ các cảng của Mỹ ra nước ngoài tăng vọt kể từ giữa mùa hè này khi các lệnh phong tỏa được dỡ bỏ, giúp nhu cầu nhập khẩu của Mỹ phục hồi nhanh chóng và càng tăng nhanh trong thời gian gần đây khi các nhà bán lẻ Mỹ cần dự trữ hàng hóa cho mùa mua sắm Giáng sinh.

Trong tháng 10, cảng Los Angeles và cảng Long Beach đã xuất gần 620.000 container rỗng ra nước ngoài, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Xu hướng này xuất hiện ngay sau khi giới chức trách của ngành giao thông vận tải Trung Quốc được cho là đã triệu tập đại diện các hãng tàu lớn đến để yêu cầu họ kìm hãm giá cước vận tải container đang tăng nhanh cũng như phục hồi các chuyến hàng xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc bị hủy bỏ.

Trả lời phỏng vấn Financial Times hồi tuần trước, Rodolphe Saadé, Giám đốc điều hàng hãng tàu CMA CGM (Pháp), một trong những công ty vận tải biển lớn nhất thế giới, xác nhận Trung Quốc đang gây sức ép để buộc hãng này ghìm giá cước tàu biển đang ở mức cao kỷ lục. Ông nói: “Thị trường đang mạnh mẽ đến mức giới chức trách Trung Quốc cảm thấy rằng đến một lúc nào đó, cần có mức trần cho giá cước tàu biển. Đó là lý do họ nói rằng bạn không thể làm bất cứ điều gì bạn muốn vì có những quy định cần phải được tuân thủ”
Ông cho biết Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc đặc biệt quan tâm đến hoạt động xuất khẩu sang Mỹ.

Tác động xấu đến thâm hụt thương mại

Peter Friedmann, Giám đốc Liên minh Vận tải nông nghiệp Mỹ, (ATC), ra tuyên bố hoan nghênh cuộc điều tra của FMC. Ông nói:
“Việc từ chối nhận vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của Mỹ có thể gây tổn hại uy tín của ngành nông nghiệp Mỹ với tư cách là một đối tác thương mại đáng tin cậy. Thực trạng này cũng làm trì trệ quá trình đưa hàng hóa xuất khẩu của Mỹ ra nước ngoài, khiến chúng trở nên đắt đỏ hơn”.

Friedmann giải thích rằng một khi đơn hàng xuất khẩu từ chối, nhà xuất khẩu phải tìm tuyến vận tải biển và cảng khác, đồng nghĩa với việc phải trả chi phí thuê rơ-moóc, lưu kho bãi cao hơn. Ông nói tiếp: “Thông báo điều tra của FMC là một bước đi đúng đắn để chấn chỉnh hệ thống chuỗi cung ứng đang đứt gãy. Nếu các chuyến hàng xuất khẩu của Mỹ không được thực hiện hoặc giảm mạnh, điều này sẽ tác động xấu đến thâm hụt thương mại tổng thề của Mỹ”.

Hồi tháng 8, thâm hụt thương mại của Mỹ lên mức cao nhất trong 14 năm qua. FMC cũng cho hay sẽ điều tra khoản phí lưu container quá hạn tại kho cảng và tại kho của khách hàng mà các hãng tàu nước ngoài đang áp cho các hãng xe vận tải đường bộ ở Mỹ. FMC muốn làm rõ xem các khoản phí này có hợp lý hay không

Weston LaBar, Giám đốc điều hành Hiệp hội vận chuyển hàng hóa cảng (HTA), một liên minh các hãng vận tải trung chuyển hoạt động ở các cảng bờ Tây nước Mỹ, cho biết chỉ riêng tại Nam California, các hãng vận tải trung chuyển đã phải trả hơn 100 triệu đô la tiền phí cho các hãng tàu trong năm nay. Ông cáo buộc các hãng tàu đang xem các khoản phí phạt  là một nguồn doanh thu, thay vì để thúc đẩy một hệ thống vận chuyển hàng hóa quốc tế hiệu quả hơn.

HTA đang yêu cầu các hãng tàu hoàn trả các khoản tiền phí này. FMC có thể cân nhắc áp các khoản phạt tiền đối với các hãng tàu nước ngoài nếu phát hiện họ vi phạm các quy định. LaBar nói rằng HTA hoan nghênh hành động của FMC nhưng cho rằng điếu này không giúp bù đắp cho những thiệt hại tài chính đã xảy ra, đặc biệt là là đối với các nhà xuất khẩu nhỏ ở Mỹ.

Trong tháng 10, cảng Los Angeles và cảng Long Beach ở California, Mỹ đã xuất gần 620.000 container rỗng ra nước ngoài, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: WSJ

Cước tàu biển khởi hành từ châu Á tăng 150% trong một năm

Hãng tàu đầu tiên thông báo không nhận vận chuyển hàng hóa nông nghiệp từ Mỹ là Hapag-Lloyd (Đức). Hồi cuối tháng 10, hãng tàu này thông báo tạm ngừng nhận hàng hóa nông nghiệp đóng container xuất khẩu từ Bắc Mỹ. Gần đây, các hãng tàu khác bao gồm Evergreen (Trung Quốc) và ZIM (Israel) cũng ra các quyết định tương tự.

Lý do đằng sau việc từ chối nhận đơn hàng xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp Mỹ là tính kinh tế và thiếu container rỗng để xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc xung quanh thế giới.

Hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu của Mỹ có cước phí vận chuyển thấp hơn và thường mất nhiều thời gian hơn để tháo dỡ hàng. Các hãng tàu có thể kiếm lợi nhuận lớn hơn nhiều bằng cách xoay vòng container rỗng trở về Trung Quốc để đóng hàng xuất khẩu có giá trị cao như thời trang, điện tử, đồ chơi trên các tuyến xuyên Thái Bình Dương.

Giá cước tàu biển tăng vọt trên thế giới trong những tháng qua khi các nhà máy ở châu Á tái mở cửa và công suất vận chuyển hàng nhanh chóng được sử dụng hết, đẩy tăng chi phí vận chuyển hàng hóa sang các bờ biển Tây bán cầu. Hiện nay, chỉ số cước vận chuyển container Thượng Hải, theo dõi cước phí tàu biển khởi hàng từ châu Á, đã tăng 150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các hãng tàu có thể yêu cầu mức cước vận chuyển hàng hóa xuất khẩu từ châu Á cao đến gấp tám lần so với mức cước mà các nhà xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp ở Mỹ sẵn sàng chi trả. Lars Jensen, Giám đốc điều hàng Công ty tư vấn SeaIntelligence Consulting, nói: “Tình trạng khan hiếm tàu và container rỗng nghiêm trọng đến mức giờ đây giá cước tàu biển có thể tăng không điểm giới hạn và chỉ phụ thuộc vào mức các chủ hàng sẵn sàng chi trả”.


Theo Wall Street Journal, CNBC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới